1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thêm 1 dự án phá vỡ cảnh quan sông Hương

Dư luận đang bức xúc về việc tỉnh Thừa Thiên - Huế ngừng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận sông Hương là di sản văn hóa thế giới, thì lại càng ngỡ ngàng hơn khi biết chính quyền đang xúc tiến triển khai dự án xây dựng khu du lịch trên cồn Dã Viên ở ngay giữa sông Hương.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Khu du lịch cồn Dã Viên, một khu du lịch hàng đầu Việt Nam gồm khu khách sạn 5 sao, khu hội nghị quốc tế và các khu dịch vụ cao cấp… với chiều cao 3-5 tầng và mật độ xây dựng 40% trên tổng diện tích 107.970m2 sẽ được xây dựng trên cồn Dã Viên.

Nhà đầu tư còn khẳng định, việc đầu tư đó sẽ nâng cao vị thế của ngành du lịch… Việt Nam!

Tuy nhiên, viễn cảnh mở ra trước mắt đã không đủ thuyết phục hội đồng quy hoạch và kiến trúc tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như các nhà nghiên cứu Huế.

Ngành văn hóa - thông tin bày tỏ quan điểm: Cồn Dã Viên gắn liền với kinh thành Huế và cảnh quan sông Hương. Đó là một trong hai yếu tố “Rồng chầu hổ phục”, “Tả thanh long, hữu Bạch Hổ” (cồn Dã Viên là Bạch Hổ) gắn liền với hệ thống thành quách, cung điện của kinh đô, là nơi từng diễn ra nhiều sinh hoạt giải trí cung đình và là vườn ngự (Dữ Dã Viên) của vua Nguyễn chứ không đơn giản là “một cù lao nằm giữa dòng sông Hương” và “một di tích cũ”(!) như nội dung dự án đã đề cập.

Vì vậy, nơi đây cần được bảo tồn, tôn tạo và khai thác theo phương thức hợp lý. Việc Công ty cổ phần Du lịch cồn Dã Viên dự kiến biến toàn bộ diện tích 107.970m2 đất ở đây thành một khu du lịch hiện đại, có cả khu khách sạn 5 tầng… là hoàn toàn không phù hợp, đề nghị hội đồng không chấp nhận.

Trên thực tế, Hội đồng Quy hoạch và Hội Kiến trúc sư tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lên tiếng phản bác dự án với sự thật hiển nhiên là cồn Dã Viên nằm trong khu vực di tích cần được bảo vệ theo Luật Di sản và theo đó, nơi đây “cần làm gì” mới là điều đáng bàn chứ không phải “cần làm theo” dự án!

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An than thở: “Tôi thấy sông Hương quá xuống cấp! UNESCO quan tâm sông Hương vì thấy chính chủ nhân của nó xem thường sông Hương; không bảo tồn, bảo vệ sông Hương.

Một trong những giá trị của quần thể di tích Huế là sông Hương, núi Ngự và các yếu tố thuật phong thủy truyền thống được các chuyên gia UNESCO rất quý trọng; trong đó giá trị phong thủy để lại là một phần trong kiến trúc Huế đã được các kiến trúc sư ngày nay gọi là kiến trúc cảnh quan, mà sông Hương và cảnh quan đôi bờ của nó là một tuyệt tác”.

Ông cho biết, khi xây dựng hai bên đường Lê Lợi dọc sông Hương, người Pháp khi xưa làm nhà ở xa bờ sông, có bãi cỏ chuyển tiếp từ sông vào và còn trồng cây xanh để thuyền bè dưới sông nhìn lên thấy hài hòa, không bị kiến trúc đô thị làm chói mắt. Ông nói: “Tiếc thay chẳng ai ý thức điều đó”.

Dự án xây dựng khu du lịch trên cồn Dã Viên một lần nữa lại làm các nhà nghiên cứu Huế đau đầu. Dù gì đi nữa, những người có trách nhiệm vẫn không thể im lặng hoặc phó mặc tất cả, vì họ phải có trách nhiệm đối với Huế.

Phá vỡ cảnh quan sông Hương đã được báo động nhiều lần

Ngành chức năng và những chuyên gia kiến trúc hoàn toàn không muốn và không thể để tạo ra “tiền lệ” kiến trúc hiện đại xâm phạm di tích trên sông Hương như: Dự án Life Resort trên đồi Vọng Cảnh; khách sạn Tân Hoàng Cung xây dựng năm 2004 với chiều cao 15 tầng - cách cầu Trường Tiền chưa đầy 500m…

Nay mai có thêm Trung tâm Thương mại Bắc cầu Tràng Tiền (cách chân cầu Tràng Tiền chưa tới 10m, cách bờ sông Hương gần 20m) là những công trình đang nhấn chìm sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông Hương! Rất nhiều công trình khác cũng đã được nêu tên và còn quá nhiều dự án đang khởi động.

Theo Minh Thắng, Lê Hiếu
Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm