1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thế giới sau cánh cổng sắt

(Dân trí) - Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế) vào một ngày nắng hiếm hoi giữa mùa đông. Bước qua cánh cổng sắt hoen gỉ, một thế giới hỉ, nộ, ái, ố man dại mở ra trước mắt…

Nơi hội ngộ của những trái tim

 

Ấn tượng đầu tiên khi tôi bước vào khuôn viên trung tâm là hình ảnh những bệnh nhân đứng ngồi la liệt. Họ nhoẻn miệng, vẫy tay… đưa ánh mắt hiền từ nhìn người lạ. Một bệnh nhân chạy đến bên tôi bảo: “Mẹ Lý trong này nè!”. Sau phút ngỡ ngàng, tôi bị kéo tuột vào nơi làm việc của Phó phòng y tế Trần Thị Như Lý. Qua đôi lời thăm hỏi, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi có vẻ thân mật hơn. Những khó khăn buổi đầu thành lập, kỉ niệm vui buồn… cứ thế tái hiện qua lời chị kể.

 

Trung tâm Bảo trợ Xã hội Thừa Thiên Huế thành lập ngày 17/10/1986. Ban đầu, cả tập thể vẻn vẹn 35 cán bộ cùng đảm đương trọng trách nặng nề: “Săn sóc, điều trị, đưa bệnh nhân trở về hòa nhập với cộng đồng”.

 

Cơ sở hạ tầng nhỏ hẹp, thiết bị điều trị hạn chế… nhưng có lẽ trở ngại lớn nhất vẫn là phía bệnh nhân. Mới vào trung tâm, người bệnh luôn ở trạng thái sẵn sàng tấn công. Cán bộ bị cào cắn, đấm đá… là chuyện thường xảy ra.

 

Anh Hồ Đậu - phó giám đốc - tâm sự: “Sau những bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi ý thức: đã dấn thân vào nghề thì phải yêu nghề, có trách nhiệm với nghề…”. Không chỉ săn sóc bữa cơm, lo từng viên thuốc… ai cũng hiểu người điên cần nhất là tình người. Thế nên tất cả cán bộ đều hết lòng động viên, ai ủi bệnh nhân. Kết quả thu về khá khả quan: trước đây, 35 người quản lí khoảng 100 bệnh nhân, công việc hết sức vất vả. Hiện tại, biên chế giảm xuống 27 cán bộ, bệnh nhân đã lên đến con số 262 (chưa kể 16 đối tượng gái mại dâm) nhưng mọi việc dường như dễ dàng hơn.

 

Không biết từ bao giờ, mọi vui buồn của anh chị em đều gắn với hai chữ bệnh nhân. Chị Hồng tâm sự: “Có lúc bệnh nhân lên cơn, chưa kịp tiêm thuốc, họ đã giành lấy đâm tới tấp. Nước mắt chảy ròng, nhưng vẫn ôm bệnh nhân để tiêm liều khác…”.

 

Những trường hợp bị tấn công như chị Hồng, anh Tiến… không hiếm nhưng sau nỗi đau, họ đều lặng lẽ bỏ qua. Ở lâu trong cái buồn, niềm vui bệnh nhân mang đến cho họ thực sự quý giá. Không hiếm những “sự tích” như Nguyễn Đình Bảy (Quảng Bình) hai lần trèo rào trốn ra nhưng lần nào cũng thất thểu quay về vì “nhớ các mẹ quá”, hay chuyện Lộc “hộ pháp” từ dữ dằn chuyển sang hiền lành sau điều trị; lành bệnh, anh vẫn không quên gửi thư thăm hỏi các mẹ…

 

Những mảnh đời chắp vá

 

Bước vào “cõi la hét”, những hành động bất thường… như cuốn băng quay chậm trước mắt tôi: Người lấy tay giựt từng búi cỏ làm vòng hoa, kẻ vặt khế chua cạnh hàng rào nhai ngấu nghiến...

 

“Cho em điếu thuốc ”, một giọng nam ồm ồm vang lên. Tôi giật mình quay lại, bắt gặp ánh mắt người đàn ông trạc tuổi 35. “Mình không có thuốc”. “Vậy cho một ngàn”. Chưa kịp rút ví tiền, bỗng từ ghế đá, bãi cỏ… hàng chục bệnh nhân đổ xô đến. May mà anh quản lí kịp “giải vây” cho tôi, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra.

 

Đến khu kích động, những tiếng gọi thảm thiết dậy lên khắp nơi. Một người đàn bà chừng 40 níu áo tôi: “Em là Lành. Vào thăm ai thế? Cho em quà với…”. Sau tiết mục đòi quà, chị tỉ tê kể về đứa con thơ, “tố cáo” người chồng bội bạc… Rồi chị giới thiệu một thanh niên ăn vận lịch sự đứng cạnh ghế đá. Nghe nhắc tên mình, anh chàng liền tuôn ra một tràng tiếng Pháp.

 

Một anh khác trạc tuổi 45 chạy vội tới hất “chuyên gia Pháp ngữ” ra, miệng liến thoắng: “Tui là Nguyễn Thành Nhân, trước là giáo viên dạy Sử ở Đại học Tổng hợp hẳn hoi đấy. Vậy mà, 2h chiều 10/10/1997, tui bị tù không có lý do, chị cứu tui với”. Nói rồi “giảng viên” quay đi tìm trò mới.

 

Hầu hết những bệnh nhân ở đây đều thiếu thốn tình cảm. Có vào trung tâm tiếp xúc với họ, tôi mới nhận ra: từ sâu thẳm, khát khao yêu thương trong họ không hề nguội lạnh.

 

Đi qua các khu vực trong trung tâm, tôi bắt gặp nhiều cảnh đời: từ người vợ bị chồng bỏ rơi, bà lão người Campuchia mất trí đến những nông dân điên loạn vì rượu chè. Một bà cụ 60 tuổi í ới gọi sau song sắt, chẳng nhớ rõ tên mình, thì thào như con trẻ: “Ở đây ăn ngon lắm. Khi mô ăn nhiều thì to bụng, ăn ít thì xẹp lại…”. Nói rồi cụ đắc chí, cười giòn tan.

 

Thời gian thăm bệnh nhân sắp hết, tôi rảo bước quay về thì một bệnh nhân tồng ngồng chạy theo, thở hồng hộc: “Đồng chí tìm tui à? Tui nè…”, rồi anh nói tiếp: “Đồng chí biết không, tiểu đội bọn tui hay đập nhau lắm, đập chảy cả máu kia kìa”. Theo hướng tay anh, tôi giật mình chứng kiến cảnh một thanh niên mặt đầy máu, tay vẫn bốc từng vốc cơm nhai ngấu nghiến.

 

Còn đó nỗi lo

 

Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế có 262 bệnh nhân nhưng đặc biệt không hề có bác sĩ. Tất cả trọng trách đặt trọn trên vai ba y tá. Chị Như Lý tâm sự: “Chúng tôi có kinh nghiệm chữa trị những bệnh liên quan đến thần kinh, còn các căn bệnh khác do ít được cọ xát nên không rành rọt lắm. Giá có một bác sĩ thì…”. Chị bỏ lửng câu nói, cố nén tiếng thở dài.

 

Không bác sĩ, thiết bị thô sơ, kinh tế eo hẹp,… Đó là một phần lý do dẫn đến sự ra đi đáng tiếc của bệnh nhân.

 

Không than vãn chuyện lương tiền hay thời gian làm việc “căng như dây đàn”, điều các chị trăn trở nhất là thời tiết xứ Huế. Mùa lạnh đến, áo quần trợ cấp khá nhiều nhưng lại không đủ ấm; nhiều bệnh nhân chẳng chịu mặc đồng phục, thậm chí xé nát vương vãi khắp nơi… Chứng kiến cảnh bệnh nhân tâm thần co ro trong tiết trời giá rét hay trần truồng ở xó nhà, nhiều cán bộ không cầm được nước mắt.

 

Không những thế, mỗi mùa lũ lại gắn với một mùa lo. Nhìn những dấu nước hằn phân nửa vách tường, chiếc bàn tiếp khách phải kê tạm bằng mảnh gỗ… chúng tôi hiểu những vất vả anh chị đã trải qua. Đáp lại sự ái ngại ấy, chị Diệu Tâm cười bảo: “Không sao, bệnh nhân ổn là tốt lắm rồi, chỉ sợ lụt như năm 99 thôi”.

 

Nỗi lo lắng ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi cứ mỗi cơn lũ kéo đến, hơn hai trăm con người không bình thường phải chen chúc nhau trong vài căn phòng chật chội ở dãy nhà hai tầng duy nhất. Nguy hiểm có thể ập tới bất cứ lúc nào.

 

Từ khi thành lập đến nay, do số lần nâng cấp ít ỏi, những khu nhà cấp 4 xuống cấp nhanh chóng. Anh Đậu thổ lộ: Theo dự kiến cuối năm nay trung tâm sẽ có cơ sở mới. Chắc lúc đó mới thở phào được”.

 

Thế giới sau cánh cổng sắt nhuốm màu man dại, khác thường nhưng ấm áp tình người.

 

Quang Hiệp - Thanh Tình