Thay đổi “dây chuyền công nghệ” giáo dục
(Dân trí) - Cả nước đang bị một trận bão thông tin tiêu cực trong ngành Giáo dục. Các đợt trước sức gió đủ lung lay niềm tin của xã hội vào ngành Giáo dục, tuần qua lại bị cuốn phăng cả gốc rễ của niềm tin.
Không một trái tim nào - dù kiên nhẫn và vị tha nhất - lại không phẫn nộ trước việc thầy cô các trường điểm bán chỗ ngồi cho học sinh với giá vài ngàn USD/ghế, Đại học Kinh tế Thái Nguyên lại nâng điểm cho 11 thí sinh nhưng không qua phúc khảo. Nhố nhăng hơn nữa là vụ 32 thí sinh thi đỗ vào Học viện Quan hệ quốc tế lại được gọi trở lại để thông báo thi trượt.
Dư luận chưa kịp bình tĩnh trước những thông tin kinh hoàng đó, thì báo chí lại phanh phui có vị quận trưởng, quận phó của một thành phố, tuy không có bằng cấp 2 - 3, mà lại tốt nghiệp hai bằng đại học, thậm chí đỗ luôn thạc sĩ.
Đến nước này thì quả thực cái sự học nước nhà quá thê thảm. Thầy cô giáo dùng uy tín trường mình và lợi dụng tâm lý chạy trường điểm của phụ huynh để kinh doanh. Cái giá cha mẹ phải trả cho chỗ học của con cái tính được bằng số tiền cụ thể, nhưng cái giá mà xã hội phải trả cho sự sa đọa về đạo đức trong môi trường giáo dục thì không thể tính nổi.
Không gian trường học, nơi giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai đất nước đã bị ô nhiễm, người trưởng thành trong môi trường đó sao tránh khỏi những tổn thương. Học viện Quan hệ quốc tế, trong thời đại công nghệ tiên tiến như hiện nay, mà báo thi đỗ lại trở sang thi trượt, lại đỗ lỗi cho máy móc tính sai.
Việc thi cử liên quan đến sự nghiệp của một đời người lại được một học viện xem như chuyện chơi, ăn nói hai lời như mặc cả một món hàng giữa chợ. Rồi các vị quan chức đáng kính, không học hết nổi cấp hai, vậy mà vẫn lấy hai bằng cử nhân, có người lấy luôn thạc sĩ nhẹ nhàng như có phép thuật.
Ngành Giáo dục quản lý kiểu gì mà để người ta mua bằng dễ dàng đến vậy. “Chữ nghĩa thánh hiền” đến lúc quá rẻ rúng khiến xã hội không còn tin các loại học vị trên vai áo những “sinh đồ ba quan”.
Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chủ chốt và có hệ thống nhất trong chiến lược nâng cao dân trí và giáo dục phẩm chất công dân của quốc gia, nhưng chính trong Ngành lại có những tồn tại mang tính phản giáo dục. Điều nguy hiểm ở chỗ không phải chỉ biểu hiện ở một vài trường hợp cá biệt mà khá toàn diện, lan tỏa đến từng ngóc ngách.
Một chiếc máy hỏng hóc và rệu rã như vậy dứt khoát không thể sửa chữa một vài bộ phận, mà phải thiết lập một “dây chuyền công nghệ” mới may chăng có thể cứu vãn nổi nền giáo dục nước nhà.
Lê Chân Nhân