1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Thay công tơ mới, tiền điện tăng đột biến

(Dân trí) - Nhiều hộ dân sống tại khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa đang bức xúc về tình hình quản lý và sử dụng điện ở đây. Hơn 1 tháng sau khi ngành điện thay công tơ mới, hàng chục hộ dân đã bất ngờ vì hóa đơn tiêu thụ điện tăng lên một cách đột biến.

Đồng hồ mới thay chạy như “ngựa”?

Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã có mặt tại tại Khu tập thể Văn Chương. Trao đổi với Dân trí, anh Phạm Minh Đoá (đại diện một hộ dân) đã cho chúng tôi xem tất cả những hoá đơn thu tiền điện của các hộ gia đình trong khu tập thể này. Bảng thống kê khá đầy đủ của tháng liền kề sau khi thay công tơ. Tất cả các hộ đều phải trả tiền cao hơn tháng trước từ 20% đến 35%.

Cụ thể nhà anh Đoá thời gian dùng điện từ ngày 18/2 đến 17/3/2006 phải đóng 107.085 đồng, nhưng tháng sau từ ngày 18/3 đến 17/4 nhà anh phải đóng tiền điện là 208.120 đồng (tức là tăng trên 100.000 đồng/tháng).

Trong biên bản treo - tháo công tơ điện ngày 10/3/2006 giữa Điện lực Đống Đa và khu Văn Chương có ghi rõ: Sau khi treo tháo công tơ, hệ thống đo đếm hoạt động bình thường. Khách hàng mua điện chứng kiến và nhất trí với các nội dung ghi trong biên bản này. Biên bản treo, tháo công tơ được lập thành 3 bản có giá trị như nhau. Bên mua điện giữ 1 bản.

 

Tuy nhiên chúng tôi chỉ thấy mỗi phía ngành điện gồm lãnh đạo đơn vị và đơn vị treo, tháo ký, còn về phía khách hàng mua điện thì không thấy có chữ ký nào(!).

Để khẳng định anh Đoá đưa cho chúng tôi xem bản kê mà theo anh thì “Chúng tôi không thể bịa đặt ra những con số này, vì đây là thống kê theo hoá đơn của ngành điện. Nếu lấy cả 3 tháng trước cộng lại so với tháng cuối cùng thì tiền điện tăng 80.989 đồng/ tháng”.

Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi: “Chắc nhà anh mua thêm thiết bị sử dụng điện?” thì anh Đoá trả lời ngay: “Thiết bị sử dụng điện trong nhà tôi phải biết chứ. Tôi không hề mua thêm thiết bị sử dụng điện nào”. Không biết hỏi đến cơ quan nào, những công dân Văn Chương đem thắc mắc này tới nhân viên ghi thu tiền điện (người gần dân nhất) thì nhận được câu trả lời: “Do thời tiết nóng lên, nên nhà các bác sử dụng nhiều điện hơn...”.

Những hộ dân thừa nhận tháng vừa rồi có một, hai ngày nắng nóng, nhưng đấy không phải là lý do xác đáng để tiền điện của họ lại tăng cao hơn tháng trước đến cả trăm ngàn đồng (!). Những công dân ở đây rất có lý khi đặt ra câu hỏi không chỉ cho riêng khu tập thể Văn Chương là “Tại sao lại phải thay công tơ điện, trong khi công tơ mới lắp được khoảng 2 năm? Liệu có lãng phí không (cho dù là người dân không mất tiền thay công tơ)?.

Về chiếc công tơ điện mà người dân đặt tên cho là đồng hồ hiệu “con ngựa”, rất bức xúc, chị Đặng Thị Tèo ở P17 – B2 Văn Chương cho biết:  “Nhà em nghèo chẳng có đồ dùng điện gì cả, đun nấu cũng bằng than tổ ong, chỉ có cái bóng điện. Vậy mà sau khi thay đồng hồ, tiền điện nhà em cũng tăng lên mấy chục nghìn. Không hiểu đồng hồ kiểu gì mà lại chạy “phi mã” thế!”.

Và lời giải thích của ngành điện

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự việc trên, ngày 24/4, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Hoàng Thị Minh - Trưởng phòng Tổng hợp Điện lực Đống Đa. Bà Minh khẳng định là việc thay công tơ định kỳ hoàn toàn đúng theo quy định của ngành điện và khi ở khu vực đó có nhiều công tơ chết, hỏng, tổn thất điện năng nhiều...

Theo những số liệu ghi trong sổ theo dõi của Điện lực Đống Đa, thì một số công tơ ở khu B2 Văn Chương đã sử dụng khoảng 3 năm nay (từ tháng 11/2003). Và tỷ lệ tổn thất điện năng sơ bộ ở các trạm công cộng (đến ngày 16/4) như ở khu Văn Chương 7 được ghi rõ là “Sản lượng tổn thất là 2.919 kwh, tổn thất 7,90%, tổn thất tháng trước là 8,30%”, còn ở khu Thổ Quan 2 được ghi “Sản lượng tổn thất là 11.663 kwh, tổn thất 10,06%, tổn thất tháng trước là 8,18%”... Đây là hai khu vực được coi là tổn thất điện năng khá lớn của quận Đống Đa.

Theo kế hoạch thì đối với các trạm biến áp có tổn thất điện năng trên 10% thì các đội quản lý khách hàng 1 và 2 phải tăng cường kiểm tra và có biện pháp giảm tổn thất điện năng xuống dưới 10% ngay trong tháng đầu của quý II/2006. Bà Minh cũng cho chúng tôi biết thêm, đối với những khu vực có tổn thất điện quá lớn thì dù bất cứ giá nào cũng phải thay công tơ.

Đối với những thắc mắc về chất lượng công tơ mới liệu có đảm bảo, bà Minh cho cho rằng đây là trách nhiệm của phòng KCS – Công ty kiểm định đồng hồ, đồng hồ được kiểm định theo tiêu chuẩn đo lường Nhà nước. Trong trường hợp, nếu chứng minh được đồng hồ sai thì người dân sẽ được hoàn trả lại tiền điện.

Khi chúng tôi đưa ra những trường hợp cụ thể ở khu Văn Chương, bà Minh đưa ra những quyển sổ ghi chỉ số điện theo dõi hàng năm của các khách hàng. Đối với trường hợp nhà anh Đoá trong quyển sổ theo dõi của Điện lực Đống Đa cho thấy chỉ số điện tương ứng vào thời điểm năm ngoái của gia đình anh cũng sử dụng tới 300 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, theo những hộ dân ở đây thì việc lấy thời điểm năm ngoái để so sánh với năm nay, đặc biệt khi công tơ điện mới được thay là hoàn toàn không hợp lý!.

Kết thúc buổi làm việc, bà Minh cho biết, sẽ có tổ công tác xuống kiểm tra công tơ điện. Nhưng theo phản ánh những hộ dân ở đây thì chiều ngày 25/4, tổ công tác có xuống kiểm tra nhưng chưa đưa ra được những lý giải thoả đáng cho những hộ dân ở đây về việc chỉ số điện tăng sau khi thay công tơ mới.

Mạnh Hùng