“Thay áo” di ảnh cho các liệt sĩ Gạc Ma

(Dân trí) - Đến thắp nén hương cho các đồng đội, các cựu binh Trường Sa thấy di ảnh của các liệt sĩ không có dấu hiệu nào cho thấy đây là những liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng đã quyết định "thay áo" di ảnh cho đồng đội của mình.

Từ năm 2013, trên bàn thờ của 10 liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng, Quảng Nam không còn những tấm ảnh mặc thường phục, ố vàng vì thời gian mà các anh đã được khoác trên mình chiếc áo của người lính hải quân.

Ông Nguyễn Văn Tấn – Trưởng Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng - cho biết, hàng năm cứ đến ngày 14/3, Ban Liên lạc đều đến thắp hương cho từng đồng đội. Ban nhận thấy, di ảnh của mỗi liệt sĩ được làm mỗi kiểu và tất cả đều mặc thường phục, như trường hợp liệt sĩ Nguyễn Bá Cường (ở Quảng Nam) là ảnh ký họa. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, cựu binh Nguyễn Văn Tiến đã đề xuất "thay áo" di ảnh cho các đồng đội.

“Thay áo” di ảnh cho các liệt sĩ Gạc Ma - 1

Di ảnh của liệt sĩ Phan Văn Sự đã được thay bằng màu áo của người lính hải quân

“Những người lính hải quân hy sinh trong trận Gạc Ma hầu hết còn rất trẻ, tuổi đời mới đôi mươi. Những tấm ảnh họ chụp cùng với gia đình trước khi nhập ngũ hoặc ảnh trong chứng minh nhân dân vô tình trở lại tấm ảnh thờ. Nhiều người ghé gia đình thắp hương nhưng không biết đâu là di ảnh của liệt sĩ Gạc Ma vì hầu như mọi người đều mặc thường phục”, ông Tiến nói.

Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa (1984 - 1988) TP Đà Nẵng đã đến từng gia đình liệt sĩ xin được thay ảnh cho các đồng đội, để các anh được khoác lên mình chiếc áo của người lính hải quân.

Ban liên lạc thuê thợ ảnh đến tận nhà của các liệt sĩ tìm lại những tấm ảnh cũ để làm lại ảnh cho các anh.

“Thay áo” di ảnh cho các liệt sĩ Gạc Ma - 2

Những di ảnh của các liệt sĩ Gạc Ma được phục chế, thay màu áo là niềm an ủi đối với người thân của những người đã ra đi

“Khoảng một tuần, công việc phục chế, "thay áo" di ảnh cho 10 liệt sĩ Gạc Ma được hoàn tất. Chúng tôi lại đến tận từng gia đình để trao lại cho người thân của các liệt sĩ. Nhiều cha, mẹ, người thân của các liệt sĩ khi nhận lại di ảnh đã xúc động vô cùng. Họ xúc động vì con, em mình được khoác trên mình chiếc áo của lính hải quân. Họ xúc động vì nhớ đến con, em mình”, ông Tấn chia sẻ.

Hơn 30 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc lại sự kiện Gạc Ma, bà Nguyễn Thị Hà - chị dâu của liệt sĩ Phan Văn Sự (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn không quên được ngày ấy.

“Năm đó em ấy vừa tròn 20 tuổi, mới đi lính hải quân được mấy tháng thì gia đình nhận được tin em hy sinh. Lúc đầu gia đình cứ hy vọng em còn sống vì em biết bơi nhưng phép màu nhiệm đã không đến”, bà Hà nhớ lại.

Ngày gia đình lập bàn thờ cho liệt sĩ Phan Văn Sự, tìm mãi mới lấy được tấm ảnh trong chứng minh nhân dân làm ảnh thờ. Khi Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa đến nhà đặt vấn đề thay màu áo hải quân trên bàn thờ anh Sự, gia đình đồng ý ngay.

“Khi nhìn thấy em mình trong trang phục áo hải quân, cả nhà ai cũng nghẹn ngào. Em ấy khoác trên mình chiếc áo của người lính hải quân để những con cháu đời sau của chúng tôi luôn biết ông cha mình là lính hải quân, đã hy sinh anh dũng như thế nào”, bà Hà nói.

Theo ông Tấn, ngoài việc "thay áo" di ảnh cho các liệt sĩ Gạc Ma, Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng cũng thường xuyên thăm hỏi các gia đình liệt sĩ. Hằng năm, Ban tổ chức giỗ chung cho các liệt sĩ vào ngày 14/3. Đó cũng là dịp để các cựu binh Trường Sa cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng của trận hải chiến Gạc Ma, tưởng nhớ đến các đồng đội của mình.

Khánh Hồng