1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
  3. Gia đình cựu binh 90 tuổi bị bịt lối đi

TPHCM:

Thất nghiệp, lừa đảo hồ sơ lao động Hàn Quốc để kiếm tiền

(Dân trí) - Đã 2 lần đi hợp tác lao động tại Hàn Quốc, về địa phương không có việc làm ổn định, Nguyên hứa hẹn với nhiều người sẽ giúp làm hồ sơ đi lao động nước ngoài để chiếm đoạt số tiền lớn.

Ngày 17/5, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hứa Thị Hạnh Nguyên (39 tuổi, ngụ Củ Chi, TPHCM) về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Thất nghiệp, lừa đảo hồ sơ lao động Hàn Quốc để kiếm tiền - 1
“Siêu lừa” trước tòa TPHCM

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 1993 – 1996 và 1998 – 2001, Nguyên có 2 lần đi hợp tác lao động tại Hàn Quốc. Sau khi hết thời gian lao động nước ngoài trở về, biết nhiều người có nhu cầu đi Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc nên Nguyên nghĩ ra “chiêu” trợ giúp làm hồ sơ để lừa đảo, kiếm tiền tiêu xài.

Tại tòa, Nguyên khai, mặc dù không quen biết ai trong các cơ quan có chức năng xuất khẩu lao động và Nguyên không có pháp nhân dịch vụ xuất khẩu lao động nhưng Nguyên vẫn nhận hồ sơ, tiền, ngoại tệ của nhiều người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tháng 5/2004, anh Lương Hóa Long thông qua một người bạn tên Phúc giới thiệu gặp Nguyên nhờ lo thủ tục đi lao động tại Hàn Quốc. Nguyên hứa hẹn trong thời gian 3 tháng sẽ đưa Long đi Hàn Quốc thông qua công ty Suleco với giá 9.000 USD. Sau khi thỏa thuận, Long đưa hồ sơ và số tiền đặt cọc 2.000 USD. Quá thời hạn đi mà không đi được, Long yêu cầu Nguyên trả lại tiền thì Nguyên chỉ trả lại 1.500 USD, còn 500 USD Nguyên chiếm đoạt tiêu xài.

Trường hợp chị Hồ Kim Loan còn thảm thương hơn. Hoàn cảnh khó khăn, chị muốn đi lao động nước ngoài với ước mơ đổi đời. Qua giới thiệu, tháng 10/2006 chị Loan gặp Nguyên nhờ lo thủ tục đi Hàn Quốc. Nguyên ra giá 8.500 USD. Loan đưa toàn bộ hồ sơ và số tiền đặt cọc là 40 triệu đồng. Chị Loan thiếu bằng tốt nghiệp THPT, Nguyên nhận luôn việc làm bằng giả để bổ túc hồ sơ. Nguyên liên tục bắt chị Loan phải đóng tiền. Tổng cộng, chị Loan đã nộp cho Nguyên 146 triệu đồng. Do không được đi, ngày 25/6/2008, Loan yêu cầu Nguyên trả lại tiền nhưng Nguyên chỉ trả lại có 10 triệu đồng, số còn lại Nguyên “xù” luôn.

Bằng thủ đoạn trên, Nguyên đã lừa 8 nạn nhân và chiếm đoạt số tiền 18.800 USD và 400 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Nguyên không nộp hồ sơ nhưng vẫn hứa hẹn sẽ đưa đi lao động. Ngoài ra, để tạo lòng tin, Nguyên còn những người lao động này đi khám sức khỏe, học tiếng Hàn, Nhật… và làm bằng tú tài giả để người bị hại tin và đưa tiền cho Nguyên. Số tài sản chiếm đoạt được Nguyên dùng để trả nợ và nộp khắc phục một phần hậu quả của vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do công an Hà Nội đã khởi tố đối với Nguyên trước đó.

Trước đó, vào các năm 2007, 2010, Nguyên bị tòa án tối cao tại Hà Nội xử phạt 6 năm tù tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và TAND quận Gò Vấp xử phạt 7 năm 6 tháng tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhận thấy hành vi của bị cáo Nguyên nguy hiểm cho xã hội, phạm tội nhiều lần, TAND TPHCM tuyên phạt Hứa Thị Hạnh Nguyên 13 năm tù tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 tháng tù tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt bản án này và 2 bản án trước đó, Nguyên phải chấp hành là 27 năm tù.

Công Quang