1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thấp thỏm chờ Tết đến

(Dân trí) - Chỉ vài ngày nữa là tới giao thừa, đã có nhiều người lao động xa quê gác mọi công việc về sum họp gia đình; cũng có những người chưa được nghỉ, đang thấp thỏm từng giờ chờ Tết đến.

"Giờ này chắc con tôi đang đợi bố"

 

Ngồi trầm ngâm trước lán trại trên đường Trần Duy Hưng trong giờ nghỉ trưa, anh Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1980, công nhân nhà máy Cơ khí và xây dựng số 2 Hà Bắc đang nhẩm tính từng ngày để được về quê sum họp với gia đình đón Tết.

 

Hiện đơn vị của anh đang nhận thi công công trình Bảo tàng Hà Nội trên tuyến đường Phạm Hùng, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tất cả mọi người đều cố gắng dồn hết tâm sức để hoàn thành công trình đúng thời hạn.

Thấp thỏm chờ Tết đến - 1

Anh Tùng từng giờ trông ngóng về quê nhà khi Tết đang cận kề. (Ảnh: A.T)

Hình như ai cũng phải cố gắng quên không khí Tết đang ngập tràn quanh mình để chú tâm vào công việc. Nhưng với anh Nguyễn Văn Tùng thì cảm giác sốt ruột không thể giấu được; anh rất mong sớm được về với vợ con. 
 

Anh Tùng quê ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Anh lập gia đình đã được 6 năm, có một bé trai và một bé gái. Lấy vợ khi còn trẻ, lại sinh con sớm nên cuộc sống của hai vợ chồng anh chị khá khó khăn. Chị ở nhà làm công nhân trong một nhà máy may công nghiệp đầu tắt mặt tối; anh đi theo công trình; hai con ở nhà với bà nội. Bất cứ công trình nào, dù ở Nam hay Bắc, anh đều đăng kí xin đi, quyết tâm "cày cuốc", hy vọng sẽ sớm xây được một mái nhà vững chãi cho gia đình.

 

Cũng đã 4-5 năm nay anh đi biền biệt khắp các miền. Như năm ngoái, suốt cả năm ròng anh theo công trình lắp giàn không gian tại tỉnh Bình Phước, Tết cũng không thể về nhà. Thế nên Tết này anh mong lắm.

 

Anh cười buồn: "Cũng đã nhiều năm tôi đi biền biệt nhưng chưa Tết nào buồn như năm ngoái. Con nhỏ, vợ trẻ ở nhà ngóng đợi, mình thì một thân một mình tận Bình Phước tủi không tả được. Năm nay tôi cũng mới chuyển thẳng từ Bình Phước về Hà Nội, có ở nhà được mấy ngày đâu vì thế mà giờ mới mong Tết như thế chứ. Giờ này ở quê, chắc con tôi cũng đang đợi bố".

 

Theo những công trình biền biệt như thế, chịu cảnh xa nhà, nhớ vợ con, vất vả nhưng bù lại thu nhập khá hơn bình thường.
 
Ngay cổng lán trại, đào, quất đua nhau bày bán la liệt trên vỉa hè. Anh Tùng lặng lẽ ngắm dòng người nườm nượp trên đường, chép miệng: "Chắc cũng phải 28 Tết mới được nghỉ. Năm nay nhất định tôi phải mua một cây quất mới được. Hai đứa con tôi sẽ rất thích vì năm ngoái tôi không về ăn Tết cùng gia đình nên vợ tôi cũng không mua sắm gì ngoài ban thờ ông bà tiên tổ".

 

Bám trụ thành phố đến ngày cùng tháng tận

 

Chuyển lên thành phố sống đã cả chục năm nhưng đã thành lệ, cứ ngày cuối cuối cùng của năm cũ, cô Trịnh Thị Hiếu, giáo vụ khoa Viết văn, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội lại thu vén đưa cả gia đình về quê đón tết.

 

Dù chưa có một căn nhà riêng ổn định nhưng tổ ấm của cô Trịnh Thị Hiếu vẫn ngập tràn hạnh phúc. Chồng cô là bộ đội biên phòng đi biền biệt suốt ngày suốt tháng. Hai con cô, một em trai đang là sinh viên trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, em gái cũng chuẩn bị bước vào cấp ba, đều một tay cô chăm sóc chu toàn.

 

Những ngày cuối năm, dù đã được nghỉ tại cơ quan cô vẫn bận rộn tất bật, hết lo dọn dẹp ngôi nhà tạm cho sạch sẽ lại lo chuẩn bị sắm sửa quà bánh về quê. "Chẳng có nhà ngoài này thành ra năm nào cả nhà mình cũng về đón Tết với ông bà ở quê. Nhà ở quê thì còn đấy nhưng khóa cửa cả năm, về dọn dẹp quét tước lại. Đợi con bé nhà tôi được nghỉ thì chắc về quê cũng đã giáp ngày cùng tháng tận của năm còn gì. Năm nào cũng thế mãi thành quen" - cô Hiếu chia sẻ.

 

Khác với anh Tùng, cô Hiếu, nhà thơ Đoàn Văn Mật - Biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân đội - vẫn còn độc thân. Năm nay là năm đầu tiên anh vào làm trong tạp chí Văn nghệ quân đội. Là lính mới, lại chưa có gia đình nên anh tình nguyện ở lại muộn chuẩn bị bài vở cho cả những số sau xuân để những anh em quê xa về quê ăn Tết trước.
 
Anh Mật tâm sự: "Chắc phải 30 Tết mình mới về, các cụ mong lắm đấy. Có lẽ sang năm mình cũng lập gia đình thôi, lại thêm một tuổi mới, cũng bị giục giã lắm rồi".

 
Thấp thỏm chờ Tết đến - 2

Nhà thơ Đoàn Văn Mật năm nay sẽ về quê ăn Tết vào ngày cuối cùng của năm cũ. (Ảnh: A.T)

Hà Nội những ngày cuối năm có chỗ ồn ào náo nhiệt đến nghẹt thở, có nơi lại thưa vắng đến buồn tênh. Những ngày cuối cùng của năm đang đi từng bước hối hả, để lại trong lòng mỗi người con xa quê những cảm xúc rất riêng.
 

Thế Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm