Thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục trong 80 ngày

(Dân trí) - Ngày 25/9, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục trong giai đoạn từ năm 2014 đến hết năm 2018.

​Theo quyết định thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về: Sách giáo khoa giáo dục, quản lý, triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đội ngũ nhà giáo, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục tại 5 Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND 12 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau).

Thời kỳ thanh tra từ năm 2014 đến hết năm 2018, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời hạn thanh tra 80 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Đoàn thanh tra gồm 14 thành viên do ông Phan Thăng Long, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ III - Thanh tra Chính phủ làm trường đoàn.

Thanh tra Chính phủ cũng công bố quyết định thành lập tổ giám sát hoạt động đoàn thanh tra gồm 2 thành viên do ông Đặng Trường Giang - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ III, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra làm tổ trưởng.

Thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục trong 80 ngày - 1

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra.

Phát biểu tại buổi công bố, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2019 của cơ quan này.

Ông Liêm yêu cầu đoàn thanh tra thực hiện theo đúng kế hoạch, thực hiện nghiêm khắc tất cả các quy định, quy chế của đoàn thanh tra cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra. Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, đơn vị, cá nhân; thực hiện đúng quy chế phát ngôn đoàn thanh tra.Đối với các đơn vị được thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, UBND các tỉnh phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn thanh tra trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu, bố trí đầu mối liên hệ làm việc có hiệu quả để kết quả thanh tra phản ánh đúng bản chất sự việc một cách công tâm, khách quan.

Đồng thời có những kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những chính sách còn bất cập liên quan đến các nội dung sách giáo khoa, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, tạo tiền đề cho ngành giáo dục phát triển tốt hơn.

Thế Kha