Thanh tra Chính phủ thừa nhận hối lộ, “lót tay” đang phổ biến
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ thừa nhận PAPI 2014 đánh giá về tình hình hối lộ, tham nhũng ở Việt Nam phù hợp với đánh giá nhiều năm gần đây của các cơ quan nhà nước.
Khi được hỏi về quan điểm của Thanh tra Chính phủ trước thông tin Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2014 (PAPI 2014) cho thấy tình trạng hối lộ, “lót tay” vẫn đang rất phổ biến, trong khi tham nhũng vặt lại gia tăng ở Việt Nam; sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ có những giải pháp, điều chỉnh gì để thay đổi điều này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cho rằng PAPI 2014 phù hợp với những đánh giá, nhận định của các cơ quan chức năng.
“PAPI là nguồn thông tin tham khảo quan trọng, trong báo cáo trước Quốc hội cũng đã nêu. Chúng tôi coi đây là nguồn quan trọng để tổng kết đánh giá việc thực hiện phòng, chống tham nhũng. Thời gian tới, theo chủ trương chúng tôi tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, trong khảo sát và tổng kết sẽ có đánh giá tổng thể về nhóm hành vi và cơ chế phòng ngừa, xử lý xem trong 10 năm vừa qua quy định các nhóm hành vi và biện pháp phòng ngừa đã phù hợp, phát huy hiệu quả chưa”- ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác nhau và cả thiết chế về quản lý tài sản, thu nhập.
“Chúng tôi có tham gia vào quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự và có 2 điểm mà chúng tôi đề cập trong quá trình sửa đổi này là làm sao để tăng thu hồi tài sản, tránh chuyện tẩu tán, che giấu nguồn gốc và phát hiện tội phạm tham nhũng sớm hơn nữa. Ngoài ra cần đơn giản hóa hơn nữa hành vi cấu thành tội phạm tham nhũng”- ông Tuấn Anh cho biết.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng.Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng nhìn nhận PAPI 2014 phù hợp với các nhận định của cơ quan phòng chống tham nhũng Việt Nam. “Để khắc phục những vấn đề đó, bước khởi động hiện nay là việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, chúng tôi đang làm việc với tổ soạn thảo nhằm bổ sung chế định mới làm nền tảng cho lĩnh vực này sau này.
Phải xác định cơ quan thanh tra như một thiết chế thực thi pháp luật và thực hiện quyền hành pháp. Chúng tôi đang xây dựng chiến lược phát triển ngành thanh tra và tới đây báo cáo Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở để sửa đổi Luật Thanh tra 2010 với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả về thanh tra”- ông Lượng thông tin.
Ông Trần Đức Lượng cho biết năm 2015, ngành thanh tra sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm và thanh tra về kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào lĩnh vực mà dư luận quan tâm. Ngay trong quý II/2015, Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai ba cuộc thanh tra ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hơn nữa, từ kinh nghiệm của năm 2014, việc đôn đốc, giám sát, xử lý sau thanh tra nhằm tránh thất thoát tài sản của nhà nước sẽ được chú trọng.
Trước đó (ngày 14/4), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã công bố kết quả cuộc khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2014 (PAPI 2014). Trong số gần 1.500 người dân tham gia cuộc khảo sát, đã có tới 50% cho rằng có đưa “lót tay”, hối lộ để xin việc làm trong cơ quan nhà nước, khoảng 43% bệnh nhân hoặc người nhà phải bồi dưỡng cho cán bộ y tế, 30% phụ huynh bồi dưỡng giáo viên… Trong khi đó, tình hình tham nhũng vặt có chiều hướng gia tăng so với năm 2013.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền là “ít có chuyển biến tích cực”. Thậm chí, trong một số lĩnh vực, mức độ vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước có xu hướng gia tăng.
Lý giải về nguyên nhân tham nhũng vặt không suy giảm mà còn có dấu hiệu tăng, TS. Đặng Hoàng Giang - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), cho rằng phần lớn những người nhận tham nhũng không hề chịu một hậu quả nào, thậm chí họ còn coi số ít đồng nghiệp khước từ tham nhũng như những người gàn hay đạo đức giả. Trong khi người dân sử dụng dịch vụ công thường không đủ dũng cảm để là những người đầu tiên “bước ra ngoài cuộc chơi”. Người dân có tâm lý cam chịu vì họ nghĩ rằng cái vòng tròn khép kín này quá mạnh, họ lẻ loi và không thể nào phá được nó. Họ không tin là sẽ được bảo vệ nếu phá nó.
Quan tâm nhiều hơn tới các dự án có vốn ODA nghi tiêu cực
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc vừa qua tiếp tục phát giác thêm nhiều nghi án tiêu cực, tham nhũng tại các dự án giao thông có liên quan đến vốn ODA như vậy, Thanh tra Chính phủ có vào cuộc, giám sát hoặc thanh tra các dự án này không? Ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết việc thanh tra được thực hiện với các nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư, không chia tách thanh tra với các dự án ODA hay không có ODA. Ở các bộ ngành cũng vậy, việc thanh tra các dự án đầu tư gắn với yêu cầu quản lý của mình.
Ông Ngô Văn Khánh cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ "quan tâm" nhiều hơn tới các dự án có vốn ODA.“Các dự án mà Thanh tra Chính phủ thanh tra vừa qua cũng có nhiều dự án có phần sử dụng nguồn vốn này. Bây giờ thống kê dự án nào, cụ thể ra sao cần phải xem lại, nhưng nhìn chung việc thanh tra các dự án có vốn ODA chủ yếu ở các bộ ngành thực hiện, theo chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên đứng trước tình hình đó, thời gian gần đây Tổng Thanh tra Chính phủ có chỉ đạo chúng tôi theo định hướng thời gian tới tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực này. Điều đó không có nghĩa Thanh tra Chính phủ đi thanh tra được, nhưng với vai trò của mình chúng tôi sẽ có giải pháp, cách thức để làm sao thúc đẩy thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này ngày một tốt hơn”- ông Khánh nói.
Theo ông Trần Đức Lượng, tham nhũng diễn ra trên toàn thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp làm ăn không đứng đắn, vì mục tiêu lợi nhuận đã có hành vi tham nhũng và đến nay Việt Nam đã phối hợp với đối tác nước ngoài xử lý một vài vụ việc.
“Khi có thông tin về sự việc này thì các bộ ngành đã thành lập các đoàn thanh tra, theo dõi theo chức năng quản lý của mình. Nếu kết quả thanh tra đó không chính xác, khách quan và phải thanh tra lại thì theo quy định Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra lại; nếu họ thanh tra đúng rồi thì phải tôn trọng kết quả đó”- ông Lượng phân trần.
Thế Kha