1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm về môi trường, đất đai ở Quảng Bình

(Dân trí) - Ông Bùi Ngọc Lam - Phó tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký thông báo kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về môi trường, đất đai, khoáng sản và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Kết luận chỉ rõ, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh Quảng Bình (trừ Khu công nghiệp Hòn La) chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

UBND huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch chưa tuân thủ chặt chẽ quy định trong việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường/xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. UBND TP Đồng Hới thiếu chỉ đạo, giám sát để các cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động khi chưa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Phần lớn các khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá đều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hiệu quả trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa cao.

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm về môi trường, đất đai ở Quảng Bình - 1

Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.

Việc cấp giấy phép tạm thời của UBND tỉnh Quảng Bình cho một số đơn vị khai thác cát làm vật liệu xây dựng chưa đầy đủ: Thiếu giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, bản vẽ thiết kế, chưa phù hợp quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản năm 2010 (cấp giấy phép khai thác cát san lấp cho Công ty TNHH Vật tư và Xây dựng Thăng Long và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng tổng hợp Thái Hoàng).

Một số cán bộ, công chức thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình được giao nhiệm vụ kiểm tra thực địa, lập biên bản kiểm tra thực địa và lập biên bản giao mỏ khai thác cát san lấp tại thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch cho Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Trung Dương không chính xác; điều chỉnh diện tích, toạ độ tài nguyên mỏ mà không yêu cầu đơn vị điều chỉnh về nội dung cam kết bảo vệ môi trường, thiết kế khai thác mỏ, báo cáo kinh tế- kỹ thuật… là chưa phù hợp quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một số quyết định cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp cấp giấy phép tạm thời khai thác khoáng sản sau khi đã hoàn thành việc khai thác là chưa phù hợp quy định.

“Tiền nợ thuế tài nguyên, cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường lên tới trên 75,2 tỷ đồng. Trách nhiệm trước hết thuộc về các tổ chức, cá nhân nợ thuế tài nguyên, cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường; Cục Thuế tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

46 dự án triển khai chậm tiến độ

Trong công tác quản lý đất đai, cơ quan thanh tra phát hiện địa phương này chưa xử lý dứt điểm các tồn tại đối với 35 hộ kinh doanh (29 hộ tại Bãi tắm Nhật Lệ 1 và Nhật Lệ 2; 6 hộ tại xã Quảng Phú) theo kết luận thanh tra năm 2009 của Thanh tra Chính phủ và văn bản năm 2011 của UBND tỉnh Quảng Bình.

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm về môi trường, đất đai ở Quảng Bình - 2

Khu bãi tắm Nhật Lệ (Ảnh: CTV).

13 dự án được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ đầu tư, hoặc ngừng, tạm ngừng hoạt động, chưa được xử lý kịp thời (7 dự án dọc đường Trương Pháp, phường Hải Thành; 1 dự án ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới và 5 dự án tại Khu công nghiệp, khu kinh tế). Tiền sử dụng đất còn nợ đến tháng 6/2017 là gần 54,7 tỷ đồng (riêng địa bàn TP Đồng Hới trên 44,5 tỷ đồng).

Thanh tra Chính phủ phát hiện việc cấp phép 3 công trình chưa đúng về mật độ xây dựng, khoảng lùi theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị, TP Đồng Hới gồm: Công trình Khách sạn Đá Nhảy của Công ty cổ phần thuỷ sản Sông Gianh Quảng Bình; Công trình Khách sạn Vĩnh Hoàng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoàng; Công trình Amanda của Công ty TNHH Cát Tùng Lâm.

Đến thời điểm thanh tra còn có 46 dự án triển khai chậm tiến độ, trong đó 41 dự án vốn đầu tư trong nước và 5 dự án FDI. Sau khi được thanh tra, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo rà soát xử lý, kết quả đã có 14 dự án đi vào hoạt động, 10 dự án được tỉnh đồng ý cho phép giãn tiến độ; 5 dự án, nhà đầu tư đề xuất dừng, tìm vị trí mới do không thể giải phóng mặt bằng hoặc không triển khai.

Một số dự án triển khai dở dang nhưng do không được tiếp tục bố trí vốn nên dừng thi công, không phát huy được hiệu quả đầu tư như: Đường cứu hộ cứu nạn sông Gianh, huyện Quảng Trạch và 42 công trình cấp nước tập trung nông thôn cần phải có giải pháp giải quyết, xử lý kịp thời.

Kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Bình để giải quyết vướng mắc trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Được biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và giao Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc lý sau thanh tra, tổng hợp kết quả báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2020.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm