Thanh tra Chính phủ lý giải việc chậm công bố kết luận sai phạm ở Hà Tĩnh
(Dân trí) - Tại cuộc họp báo quý IV/2015 sáng 23/1, phóng viên nhiều báo đài chất vấn lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về việc chậm trễ công bố kết luận thanh tra sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý.
Phóng viên các báo đặt câu hỏi về việc kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Hà Tĩnh đã có từ lâu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến đồng ý với nội dung kết luận, nhưng tại sao đến nay Thanh tra Chính phủ chưa công bố công khai như quy định ? Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm nhưng tại sao Thanh tra Chính phủ không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ, đặc biệt việc nhà thầu là công ty Hoành Sơn được kết luận là không đủ năng lực nhưng vẫn được duyệt thực hiện dự án dẫn tới việc cung cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng không đảm bảo yêu cầu, tiến độ ? Việc tỉnh Hà Tĩnh giao đất cho nhà đầu tư sử dụng 70 năm trái với quy định cho phép là 50 năm sẽ xử lý thế nào?...
Được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng giao nhiệm vụ trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Trung (Cục II), cho biết, tháng 7/2014 Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về tỉnh Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp về kết luận này. Tại thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng kết luận cuộc họp do Văn phòng Chính phủ gửi cho Thanh ra Chính phủ sau đó có nội dung Phó Thủ tướng giao các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đóng góp vào kết luận thanh tra.
“Cục II đã xây dựng bản dự thảo kết luận thanh tra và Thanh tra Chính phủ đã có công văn công bố kết luận thanh tra gửi tới UBND tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó tỉnh Hà Tĩnh có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ đề nghị cho lùi việc công khai kết luận thanh tra để chờ ý kiến của các bộ ngành. Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo khi Chính phủ có ý kiến sẽ công bố công khai. Đến ngày 14/11/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ”- đại diện Cục II nói.
Theo đại diện Cục II, khi đơn vị này đang chuẩn bị thực hiện việc công khai kết luận thanh tra thì đã gặp “một số vướng mắc”. Đó là việc công văn trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có đóng dấu mật.
“Trước vướng mắc này, vào tháng 1/2015, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc công khai kết luận thanh tra và đến nay chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”- vị này lý giải.
Trong khi đó, ông Trần Đức Lượng cho biết, khi phát hiện vi phạm, cơ quan thanh tra đều đưa ra những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nếu có dấu hiệu sai phạm thì có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
“Chúng tôi hiểu tại sao báo chí đặt vấn đề sao không chuyển xử lý hình sự, nhưng nguyên tắc, thanh tra phải thấy có dấu hiệu tội phạm hoặc trong khi xem xét về tài chính thấy có vấn đề thì mới chuyển được, để đảm bảo quy kết đúng người, đúng lỗi, đúng pháp luật”- ông Lượng nói.
Liên quan đến việc tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận giao đất cho nhà đầu tư lên tới 70 năm, ông Trần Đức Lượng cho rằng, hiện nay, pháp luật vẫn có độ vênh về vấn đề này nên Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng. “Theo luật đầu tư thì Hà Tĩnh có thẩm quyền cấp phép 50 năm, nếu muốn cấp 70 năm thì phải báo cáo cấp trên quyết định. Nhưng trong luật đất đai lại quy định có chỗ có thể cấp phép 70 năm. Thế nên quá trình thanh tra phải đánh giá trên cơ cơ sở pháp luật, điều quan trọng là xem việc đó có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của dự án đó không. Hiện nay Chính phủ có chủ trương bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi các dự án đó vì đời sống công ăn việc làm cho người dân địa phương. Vì vậy, việc cấp đất 70 năm, nếu so với pháp luật đầu tư thì không đảm bảo nhưng pháp luật đất đai lại được vận dụng, yếu tố hợp lý là ở chỗ đó”- ông Lượng chốt lại vấn đề.
Thế Kha