1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm quản lý đất tại Bình Phước

Thanh tra Chính phủ (TTCP) yêu cầu tỉnh Bình Phước thu hồi 13,8 tỉ đồng đối với các sai phạm trong công tác chấp hành pháp luật, giao đất, giao rừng.

TTCP đã công bố Kết luận thanh tra số 2299 (ban hành ngày 12-8-2015) về việc chấp hành pháp luật trong công tác giao đất, giao rừng của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2008-2013. Trong đó, TTCP yêu cầu tỉnh Bình Phước thu hồi 13,8 tỉ đồng đối với các sai phạm trong công tác chấp hành pháp luật, giao đất, giao rừng.

Đất rừng cắt xẻo giao cho nhiều doanh nghiệp trồng cao su không đúng quy định. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Đất rừng cắt xẻo giao cho nhiều doanh nghiệp trồng cao su không đúng quy định. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Chuyển đổi rừng không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng

TTCP phát hiện tại thời điểm thanh tra (năm 2015), Bình Phước vẫn còn 52.675,6 ha đất rừng bị lấn chiếm… Đoàn Thanh tra nhận định: Năm 1997, Bình phước quản lý quy hoạch 351.605 ha đất sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Năm 2007, tỉnh này lại quy hoạch lại ba loại rừng và đưa 162.725 ha đất rừng khỏi đất lâm nghiệp nhằm chuyển mục đích sử dụng giao về cho các địa phương quản lý không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ. 

"Công tác quản lý bảo vệ rừng của Bình Phước qua các thời kỳ còn nhiều yếu kém, biểu hiện buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích lớn trên địa bàn tỉnh. Trong số 162.725 ha đất tách ra khỏi lâm phần thì có tới 135.000 ha (chiếm 83,1%) đất rừng bị dân lấn chiếm. Điều đáng nói là có tới 250.340 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bị lấn chiếm, tàn phá. Ngoài ra còn nhiều các chương trình dự án bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc cũng bị lấn chiếm không thương tiếc…

Đa số các trường hợp xin lập dự án, chuyển đổi từ rừng nghèo kiệt trên địa bàn tỉnh Bình Phước sang trồng cao su được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nhưng  không tuân thủ các quy định của pháp luật là ý kiến tham mưu của các cơ quan chức năng nên xảy ra nhiều sai phạm nảy sinh khiếu kiện, tố cáo kéo dài. Buộc UBND tỉnh này phải ra quyết định thu hồi tới 27 dự án” - TTCP kết luận.

Tình trạng giao đất, giao rừng cho các đối tác có nhiều sai phạm gây bức xức dư luận nên UBKT Trung ương đã phải trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ giao đất, cho thuê đất sai của 13 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quy trình thực hiện giao đất cho các tổ chức, cá nhân cũng có nhiều sai phạm. Nhiều người không có hộ khẩu thường trú ở Bình Phước hoặc không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được giao đất, giao rừng hết sức tùy tiện.

Nghiêm trọng hơn, ở huyện Hớn Quản khi tách 11.403 ha đất rừng giao về cho địa phương. Ban Quản lý rừng đã thực hiện ký kết 1.961 hợp đồng giao khoán cho dân thì có tới 140 hợp đồng giao sai đối tượng.

Có khá nhiều các dự án đầu tư trồng cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước có sai phạm buộc UBND tỉnh phải xử lý nhưng chính sách tiền hậu bất nhất khiến doanh nghiệp không biết đâu mà lần. Cụ thể: Ngày 11-10-2013, UBND tỉnh này ban hành Công văn số 3.285 chấp thuận cho Công ty TNHH MTV KDNLN Hương Phước Trường, Cty TNHH MTV-VDHK Sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Bình Phước tiếp tục thực hiện dự án với điều kiện giao lại cho địa phương 30% diện tích cao su đã trồng để tỉnh tạo quỹ an sinh xã hội. Thế nhưng sau đó ngày 22-4-2014, UBND tỉnh này lại ban hành các  QĐ số 800 và 801/QĐ - UBND thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao cho Công ty TNHH Tân Thiên Mẫn và Công ty TNHH MTV KDNLN Hương Phước Trường.

Hơn 233 ha đất được giao không qua đấu giá

Đất rừng cắt xẻo giao cho nhiều doanh nghiệp trồng cao su không đúng quy định. Ảnh NGUYỄN ĐỨC 
Đất rừng cắt xẻo giao cho nhiều doanh nghiệp trồng cao su không đúng quy định. Ảnh NGUYỄN ĐỨC 

Kiểm tra quá trình quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Phước, TTCP phát hiện Chi cục Thuế các huyện Chơn Thành, Hớn Quản và Bình Long có nhiều sai phạm trong việc không khấu trừ giá trị quyền sử dụng đất vào tiền thuê đất lẽ ra tổ chức, cá nhân phải nộp đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh.

TTCP còn phát hiện UBND tỉnh Bình Phước tùy tiện giao đất cho 11 dự án khu dân cư mà không hề thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, điều này là trái với các quy định về đất đai.

Từ việc không đấu giá quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Bình Phước, Cục Thuế tỉnh lại tiếp tục miễn giảm 20% tiền sử dụng đất cho các dự án này theo chính sách ưu đãi đầu tư (đúng ra nếu đấu giá thì không được giảm).

Chỉ tính riêng ba dự án khu dân cư Đại Nam (98 ha), khu dân cư của Công ty Cổ phần Kinh doanh Nhà Bình Phước (17,5 ha) và dự án thị trấn Tân Phú (16 ha) thì số tiền thất thu là 13,8 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số sai phạm trong việc xác định tiền thuê đất không đúng đối với các dự án: Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (do Công ty TNHH C&N Vina làm chủ đầu tư), dự án trồng cao su của Công ty Cổ phần Đại Minh, dự án của Công ty TNHH Bình An, diện tích thuê đất đã được xác định tiền sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước...

Đáng nói, trong số 3.058 ha đất do Tổng công ty Cao su Việt Nam giao về cho tỉnh Bình Phước theo Quyết định 524/QĐ - TTg ngày 26/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ, có tới 11 dự án tỉnh Bình Phước đầu tư khu dân cư với diện tích lên trên 233,4 ha mà UBND tỉnh giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. 

TTCP cũng chỉ ra sai phạm nghiêm trọng trong dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Đồng Phú (diện tích hơn 14.500 ha). Dự án này không có trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt nhưng tỉnh Bình Phước vẫn ban hành chủ trương thực hiện, yêu cầu thu hồi đất để giao Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước triển khai dự án. 

Trong số diện tích đất bị thu hồi cho dự án có tới gần 800 trường hợp với khoảng 1.400 ha đất đã được cấp giấy CNQSDĐ cho dân sau khi tách khỏi lâm phần. Cuối năm 2014, khi phương án hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này còn đang được lấy ý kiến thì có hàng ngàn người dân Bình Phước tập trung phản đối ở UBND tỉnh, Tỉnh ủy gây bất ổn tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.                   

 

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý các sai phạm

1. TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước có biện pháp khắc phục sai phạm. Tùy theo tính chất mức độ để có hình thức xử lý trách nhiệm hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có những sai phạm trong công tác quản lý giao đất, giao rừng.      

2. UBND tỉnh Bình Phước chấm dứt việc giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất… Xác định lại giá đất để thu tiền sử dụng đất các công ty đã thu sai. Đồng thời thu hồi các giấy CNQSDĐ cấp không đúng quy định. Ưu tiên cấp đất cho hộ thiếu đất sản xuất…

3. Về quỹ An sinh xã hội, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước hiện quỹ này có hơn 3.547 ha nhưng thời điểm thanh tra địa phương chưa ban hành quy chế hoạt động của quỹ. Nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với ngân sách nhà nước vẫn chưa rõ ràng.

 

Theo Nguyễn Đức - Hoàng Dương
Pháp luật TPHCM