1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cần Thơ:

Thành phố trực thuộc TƯ 10 năm loay hoay tìm chỗ... đổ rác!

(Dân trí) - Đầu năm nay, người dân Ô Môn kiên quyết không cho đổ rác ở địa bàn quận. Cần Thơ đưa rác qua Vĩnh Long được một thời gian ngắn thì cũng bị tỉnh này "cấm cửa". 2 tháng nay rác lại được đưa qua quận Cái Răng đổ khiến người dân ở đây than trời...

Dân kêu trời không thấu

Bà Nguyễn Thị Chuỗi ở số nhà 247, khu vực Thạnh Thắng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết: “Mỗi ngày có hàng trăm xe vào đây đổ rác gây ô nhiễm môi trường. Xe chạy 4h sáng đến 22h đêm giống như công trường đang hoạt động. Rác của cả thành phố đổ dồn về đây gây hôi thối. Dân chúng tôi phản ứng rất quyết liệt nhưng họ vẫn đổ, tới nước này có lẽ chỉ còn cách chặn đầu không cho xe rác vào chứ chịu hết nổi rồi”.
 
Bãi rác đổ ngay khu dân cư, ruồi bay vào nhà dân dày đặc
Bãi rác đổ ngay khu dân cư, ruồi bay vào nhà dân dày đặc
 
Bà Chuỗi cũng cho biết, gia đình bà đã ở đây mấy chục năm trên đất ông cha để lại. Cách đây mấy năm, Cần Thơ công bố quy hoạch vùng đất này thành Khu công nghiệp Hưng Phú 2 nhưng không có tiền đền bù giải tỏa cho dân khiến mọi sinh hoạt của dân luôn bị “treo”. 2 tháng nay, khu công nghiệp “treo” này trở thành bãi rác bất đắc dĩ.
 
Bãi rác đổ ngay khu dân cư, ruồi bay vào nhà dân dày đặc
Bà Chuỗi cho biết bà đặt 6 miếng keo diệt ruồi như thế này trong căn nhà khoảng 100m2 của mình, sau 1 tiếng đồng hồ 6 miếng keo đều dày đặc ruồi
 
Ông Phan Văn Sáng, nhà ở cách bãi rác hơn 100m cho biết: "Từ khi ở đây trở thành bãi tập kết rác của Cần Thơ, mỗi lúc soạn bàn ăn ruồi nhiều hơn thức ăn, người dân không thể nào chịu nổi nên  phản ứng quyết liệt, chính quyền địa phương cho xịt thuốc giảm được một vài bữa ruồi lại xuất hiện. Nhiều người đã phát bệnh vì chịu không nổi mùi hôi thối từ bãi rác mới hình thành này".

Tương tự ông Sáng là bà Nguyễn Thị Ngọc Sen, nhà gần bãi rác, cho biết: “Từ khi xe chuyển rác vào đây làm môi trường ô nhiễm kinh khủng không ai chịu nổi, nước thì đen thui. Đứa con gái của tôi hết bị sổ mũi lại viêm họng vì quá ô nhiễm. Bây giờ nhà cửa ở đây không biết chạy đường nào để trốn… rác”.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, PV Dân trí có mặt để tìm hiểu vụ việc, ở đầu cửa ra vào bãi rác có 2 bảo vệ đứng canh sẵn nhưng không đeo bảng tên ra ngăn phóng viên vào tác nghiệp, dù PV đã xuất trình thẻ và giấy tờ đầy đủ. Sau khoảng 10 phút đôi co, anh bảo vệ nói gọn: “Sếp đã quy định dân được vào bãi rác, còn nhà báo thì không được vào”.
Hai người mặc đồng phục bảo vệ đứng canh từ ngoài cổng bãi rác, không cho phóng viên vào tác nghiệp
Hai người mặc đồng phục bảo vệ đứng canh từ ngoài cổng bãi rác, không cho phóng viên vào tác nghiệp
 
Đúng như lời anh bảo vệ nói, hôm sau phóng viên trong vai người dân, xin chạy xe vào bãi rác thì được chạy thẳng vào. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt phóng viên là bãi rác lộ thiên nằm trong Khu công nghiệp Hưng Phú 2 với hàng chục xe lớn, nhỏ đang tập kết rác, cứ khoảng 5 phút là có một xe vào bãi rác.
 
Phía trong bãi rác có 3 lò đốt rác nhỏ đốt khói bay mịt mù, toàn bộ số rác gần như được đổ trong bãi rồi dùng tấm bạt nhựa đậy lại nhìn từ xa như dãy núi. Bãi rác ở đây không những ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân mà các công ty bên cạnh cũng bị liên lụi.
Hai người mặc đồng phục bảo vệ đứng canh từ ngoài cổng bãi rác, không cho phóng viên vào tác nghiệp
Rác được đổ trong bãi rồi dùng tấm bạt nhựa đậy lại nhìn từ xa như dãy núi bốc lên mùi hôi thối nồng nặc
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cái Răng cho biết: “Bãi rác tạm trong Khu công nghiệp Hưng Phú 2 được UBND TP Cần Thơ giao cho phòng quản lý đô thị quận tiếp nhận san ủi, xử lý. Ban đầu dự kiến sẽ đổ rác tạm trong 2 tháng để chờ bãi rác ở quận Ô Môn hoàn thành, nhưng do trục trặc trong khâu giải phóng mặt bằng nên có thể kéo dài hơn 2 tháng”.

“Bí” chỗ đỗ rác nên về “ké” khu công nghiệp!

Năm 2004, khi tỉnh Cần Thơ chia tách thành TP Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang, toàn bộ rác nội ô TP Cần Thơ đều được đổ tại bãi rác Tân Long (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Bởi trước đó nơi đây được quy hoạch bãi rác chung cho cả tỉnh Cần Thơ cũ. Người dân tỉnh Hậu Giang rất nhiều lần phản ứng vì không chịu nổi mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Cần Thơ sau 10 năm trực thuộc Trung ương vẫn bí chỗ đỗ rác nên đưa vào khu công nghiệp đổ ké!
Cần Thơ sau 10 năm trực thuộc Trung ương vẫn "bí" chỗ đỗ rác nên đưa vào khu công nghiệp đổ ké!
 
Đến năm 2014, bãi rác Tân Long đầy, buộc phải đóng cửa, toàn bộ rác của TP Cần Thơ mỗi ngày hàng trăm tấn bị dồn ứ chỉ tìm cách đi đổ “ké” hết nơi nay đến nơi khác. Đầu năm 2014, người dân quận Ô Môn (TP Cần Thơ) phản ứng quyết liệt, chặn đầu xe không cho xe rác vào đổ.

Khi không còn chổ đổ rác, TP Cần Thơ lại tìm cách đổ rác “ké” ở nơi khác. Ban đầu hợp đồng với một công ty chở qua bãi rác Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đổ tạm. Được vài bữa lại gặp cảnh dân Vĩnh Long chặn đầu xe.

Vậy là Công ty công trình đô thị TP Cần Thơ phải chạy khắp nơi tìm chổ đổ rác với khối lượng hàng trăm tấn mỗi ngày, chờ bãi rác ở huyện Cờ Đỏ và bãi rác ở quận Ô Môn xây dựng xong.

Ông Nguyễn Hữu Xuân –Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cái Răng - cho biết thêm, mỗi ngày có khoảng 200 tấn rác chuyển vào bãi rác tạm tại Khu công nghiệp Hưng Phú 2 nhưng chỉ có khoảng 30 tấn được đốt, còn lại đều được đổ lộ thiên gây ô nhiễm mỗi trường.
 
“Đây là khó khăn chung của TP Cần Thơ nên bây giờ chỉ còn cách tổ chức đoàn vận động, năn nỉ dân sẽ đổ rác tạm ở nơi đây thêm 1 thời gian nữa chờ bãi rác ở quận Ô Môn đưa vào hoạt động. Khi đó sẽ chuyển toàn bộ số rác về trên đó”, ông Xuân nói.

Vấn đề rác thải đã được lãnh đạo UBND TP Cần Thơ nhiều lần họp bàn nhưng hiện tại Cần Thơ vẫn loay hoay tìm chỗ đổ rác, xây dựng nhà máy xử lý rác xứng tầm với đô thị trực thuộc trung ương.

Phạm Tâm - Minh Giang