Đà Nẵng:
Thành phố thừa đất tái định cư, sao không chịu trả cho dân?
(Dân trí) - TP Đà Nẵng đã xác định quỹ đất tái định cư có hạ tầng còn lại chưa bố trí là 9.128 lô. Trong khi đó nợ đất tái định cư của dân là 1.751 lô. Sau khi xử lý hết các trường hợp đang nợ, quỹ đất còn lại là 7.377 lô.
Đó là một phần trong nội dung báo cáo tại hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp thứ 10 và 11 của HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 được tổ chức ngày 8/10.
Theo nội dung báo cáo được ông Phùng Tấn Viết – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – trình bày: Qua kết quả rà soát số hộ nợ và số lô đất nợ tại 3 quận gồm Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang có 1.389 hộ với tổng số số lô đất nợ bố trí thực tế là 1.751 lô.
Theo ông Phùng Tấn Viết, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có quyết định thành lập tổ giải quyết thủ tục giao quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân giải tỏa (thuộc diện nợ đất tái định cư (TĐC) thực tế) của các quận huyện. Qua đó, tổ chức họp dân, giải thích thông báo chủ trương xử lý trả nợ đất cho dân.
Sau khi ông Phùng Tấn Viết báo cáo, không khí hội trường đã nóng lên với những câu hỏi của các đại biểu về tình trạng đất dư nhưng người dân lại bị nợ đất TĐC. Đại biểu Phan Thị Thúy Linh đặt vấn đề đất TĐC thực tế có hạ tầng thừa không bố trí cho dân trong khi ngân sách của thành phố phải bỏ ra mỗi năm 18 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thuê nhà ở trong khi chờ bố trí TĐC. Vậy ai chịu trách nhiệm việc này?
Đại biểu Nguyễn Đăng Hải đặt câu hỏi: Nhân dân rất muốn biết đất nền dư nhiều thế mà sao lại nợ như thế? Sao giữ đất lâu mà không bố trí cho người dân? Đại biểu Thái Thanh Hùng đặt tiếp câu hỏi: Dư hơn 9 ngàn lô đất mà vẫn nợ hơn 1.700 lô, trách nhiệm thuộc về ai? Đại biểu Thái Thanh Hùng cũng thắc mắc, vì sao đất hướng Bắc, hướng Tây thì bố trí cho dân ở nhiều, đất còn thừa thì toàn hướng đẹp như hướng Đông, Nam?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Phùng Tấn Viết cho biết: Từ khi thành phố thực hiện giải tỏa để mở rộng thành phố đến nay đã hình thành 17 ban quản lý dự án, công ty tham mưu cho UBND TP thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí TĐC. Đã có hơn 200 dự án được triển khai với gần 100 ngàn hộ dân giải tỏa.
“Để xảy ra tình trạng này là lỗi của UBND TP, tiếp đến là người đứng đầu các ban quản lý, công ty thực hiện nhiệm vụ của UBND TP giao. Trong đó có trách nhiệm của Mặt trận và đoàn thể chưa giám sát, phản ánh hết việc trên địa bàn”, ông Phùng Tấn Viết giải trình.
Bổ sung ý kiến, ông Phạm Việt Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng - cho rằng do suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến thành phố nên thiếu vốn đầu tư hạ tầng đất tái định cư. Dân bức xúc không phải vì đất để làm nhà mà là vì đất được bố trí thêm, đất để dành...
Sau khi nghe ý kiến bổ sung của ông Hùng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - ông Trần Thọ nói: "Với tư cách người chủ trì tôi không thông, không biết là dân có thông không? Hãy dũng cảm nhận trách nhiệm. Đất còn ở đó mà anh không bố trí cho dân chứ không phải do suy thoái kinh tế".
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng cho rằng, đất đường 5,5m đã có sẵn đến 80% rồi. Sở Xây dựng không nắm được nhu cầu đất TĐC, không biết thừa thiếu ở đâu. Sở KH-ĐT nắm không chắc, cân đối vốn không đúng với dự án TĐC đang cần vốn. Cách giải thích quanh co không thấy trách nhiệm của đơn vị mình, trách nhiệm cá nhân mình trước nhân dân.
Ông Trần Thọ cho biết một số quận như Ngũ Hành Sơn đã có đất thực tế tại sao không tham mưu bố trí đất cho dân? Năm 2012, thành phố phải bỏ ra 28 tỉ để hỗ trợ dân thuê nhà ở trong khi chờ đất, năm 2013 số tiền là 17 tỉ; từ đầu năm 2014 đến nay TP bỏ ra 18 tỉ. Giá như các sơ quan tham mưu bố trí đất cho dân thì sẽ tiết kiệm được số tiền hỗ trợ dân thuê nhà.
Bổ sung ý kiến của lãnh đạo các sở ngành, ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - giải thích, do đặc thù của từng dự án có thể ở địa phương này dư đất nhưng không thể bố trí TĐC cho người ở địa phương khác. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng hứa từ nay đến cuối năm 2014 sẽ bố trí đất TĐC cho dân.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng cho rằng số nợ 1.751 lô đất đã rà soát hết chưa? Ông đề nghị rà soát lần cuối cùng, từ đó mới có phương án sử dụng đất đúng mục đích. “Việc nợ đất TĐC kéo dài nhiều năm, HĐND, UBND và các ngành đã kiểm tra. Tình trạng đất chờ dân, dân chờ đất đã giải quyết cơ bản để dân có đất làm nhà, thành phố không phải trả tiền thuê nhà nữa. Các tổ chức, cá nhân có liên quan phải phê bình một cách nghiêm túc. Lãnh đạo phải nhận khuyết điểm, thiếu sót”, ông Trần Thọ nói.
Ông Trần Thọ cho rằng, để xảy ra tình trạng thừa đất mà không bố trí cho dân thì trách nhiệm trước hết của lãnh đạo thành phố. Chủ tịch HĐND TP nhận trách nhiệm của mình trong việc này. Tuy vậy, trách nhiệm chính vẫn là các ban giải tỏa đền bù. Tại sao đất TĐC thừa mà không tham mưu bố trí cho dân, đã thực sự lo cho dân chưa? Nếu tham mưu tốt thì dân vừa có đất làm nhà, thành phố không bị thiệt hại về ngân sách hỗ trợ tiền thuê nhà.
“Chỉ giải tỏa, đền bù khi đã có đất TĐC trước, ngoại trừ bố trí TĐC tại chỗ và những dự án đặt biệt mà đích thân Chủ tịch UBND TP quyết định”, ông Trần Thọ phát biểu.
Công Bính