Thành phố nước bao vây tứ bề
(Dân trí) - Sự cố vỡ bờ bao đã làm nước triều dâng lên trên khắp các hướng của TPHCM. Khắp nơi từ Thủ Đức, Hóc Môn, Quận 12, Bình Chánh, quận 8, quận 7 đến Bình Thạnh, quận 2... nơi nào cũng ngập nước.
Sau sự cố vỡ bờ bao ở nhiều quận ngoại thành TPHCM, người dân thành phố ở những quận gần giáp trung tâm tự dưng chứng kiến cảnh nước ngập, điều mà trước đây họ chưa thấy ở khu vực này.
Ngày 28/10, thủy triều bắt đầu dâng lên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) ngay từ lúc 5 giờ chiều, ngập nhiều nhất là đoạn gần cầu Bà Tàng. Người dân ở nơi này cho biết từ trước đến giờ nơi này không có ngập nước. Mới có 7 giờ tối, khi mà các con đường khác nước chỉ mới xâm xấp bánh xe thì nơi này nhiều xe đã chết máy.
Khu vực ngập nước là xóm Đạo lại thêm chiều chủ nhật có nhiều người đi lễ nên càng nhiều xe chết máy, phải dắt bộ gần cây số.
Con đường Trần Xuân Soạn, quận 7 lâu nay hiếm khi ngập nước mà giờ đây nước sông ăm ắp. Những xà lan chở cát, thuyền lớn cập dọc theo đường. Khoảng cách chỉ là một mét, người ta phải dùng thanh gỗ chống ra xa. Những ghe nhỏ chở trái cây từ miền Tây nằm xếp lớp, ghếch mũi ghe vào tận sát con đường để người dân vận chuyển dừa, chuối…
Khu vực quận 6, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, từ 5 giờ chiều, nước từ các lỗ cống bắt đầu tràn lên các tuyến đường Phạm Văn Chí, Nguyễn Văn Luông, An Dương Vương, Kinh Dương Vương, bến xe Miền Tây, quốc lộ 1A…
Tại ngã tư đường Phạm Văn Chí và Phạm Phú Thứ phường 4, Q.6, nước nhanh chóng ngập cao đến 40-50 cm. Nhiều xe máy qua lại tuyến đường này bị chết máy, nước ngấp nghé tràn vào nhà dân. Triều cường lên cao tại khu vực này khiến xe cộ qua lại rất khó khăn. Có lúc, dòng nước ở đây chảy mạnh đến mức đánh lạc tay lái các xe taxi dạt vào lề đường.
7 giờ tối, dọc tuyến đường Kinh Dương Vương từ ngã tư Phú Lâm đến ngã tư An Lạc, các phương tiện lưu thông trên đường trong tình trạnh “bì bõm”. Nước ngập sâu, xe chết máy gây nên tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ.
Nhiều hộ gia đình ven đường phải dùng bao cát ngăn nước tràn vào nhà. Nhiều trạm bán lẻ xăng dầu phải nghỉ bán do nước phong tỏa các lối vào. Tại cầu Phú Lâm, xuất hiện nhiều thanh niên đẩy xe thuê chèo kéo những người có xe chết máy.
Ngâm mình trong nước giữa thành phố!
Đó là cảnh mà người dân ở phường Hiệp Bình Chánh và Bình Phú, quận Thủ Đức đang phải gánh chịu nhiều năm nay.
Năm nào cũng vậy, người dân ở đây đều phải chịu từ hai đến ba lần nước ngập đầy nhà mình. Mỗi lần như vậy họ phải sống chung với nước từ 5 đến 7 ngày có khi cả nửa tháng. “Có năm mới mồng 1 tết đã phải sống chung với nước rồi”, chị Tâm, một hộ dân ở đây cho biết.
Cứ mỗi lần triều cường lên hay mưa lớn là họ lại nơm nớp lo sợ và kê sẵn đồ đạc lên cao, người thì lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tư thế để chạy nạn nước ngập. Thiệt hại về của cải hàng năm là rất lớn.
Nhà ông Hai On năm nào cũng bị nặng nhất xóm, bao nhiêu mai ông trồng để bán dịp tết đều ngập trong nước. Còn nhà thì hư hại, xuống cấp nặng nề, nhiều vết nứt lớn xuất hiện trên tường nhà, cửa nhà và giường, tủ bị mục hoặc là nát hết. Trong trận triều cường vừa qua mặc dù đã hai ngày nhưng nhà ông vẫn chìm sâu trong nước, nước lên đến quá gối và đồ đạc trôi nổi khắp nơi. Nặng nhất là vườn mai của ông hơn 2.500 mét vuông bị ngập nước đang có dấu hiệu bị chết.
Căn nhà ngập nặng thứ hai là căn nhà của vợ chồng anh Thuỵ, đến sáng nay anh và gia đình vẫn phải đi ở nhờ một nhà hàng xóm bởi nước vẫn chưa chịu rút đi. Cái tủ thờ nhà anh cũng bị sụp hư mất một bên. “Nước vào nhanh quá không kịp làm gì chỉ kịp bế đứa con chạy sang bên nhà chị Tâm để lánh, hôm tối nước lên tới rốn luôn”, vợ anh Thuỵ kể lại.
“Trong vòng bán kính một cây số ở đây nhà nào cũng bị nước tràn vào cả, chúng tôi đã sống như vậy nhiều năm nay rồi. Năm nay là năm ngập nặng nhất, đời sống dân ở đây khổ sở lắm, cũng muốn nâng nền nhà lên nhưng mà tiền đâu mà làm. Với lại không hiểu sao cái bờ bao người ta làm thế nào mà năm nào cũng bị vỡ dẫn đến dân phải chịu cảnh như vậy”, Anh Nguyễn Khắc Linh tổ trưởng khu phố cùng nhiều người khác tỏ ra bức xúc cho biết.
Khi được hỏi bị ngập như vậy chính quyền có xuống thăm hỏi, giúp đỡ gì không, tất cả mọi người đều trả lời là không. Bà Sáu Đạo sống ở đây hơn chục năm tâm sự: “Hồi trước kia khi bị như thế này thì cũng có một vài cán bộ vào thăm hỏi tình hình. Thế nhưng những năm gần đây không thấy một cán bộ Phường hay Quận xuống thăm hỏi chúng tôi cả. Thiệt hại nhiều lắm mà chẳng thấy ai giúp đỡ bồi thường. Bờ bao vỡ thì dân ở đây cũng tự đắp lấy, ai có tiền thì đóng tiền, ai không có tiền thì góp công đi làm”.
Hầu hết đồ đạc của các gia đình ở đây như bàn, ghế, giường, tủ và các vật dụng khác đều bị nước làm cho hư hỏng hết. Nhiều ngôi nhà cũng bị xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ bị lún và sập. Đặc biệt ở khu vực này người dân trồng mai rất nhiều và vườn của nhà nào cũng bị ngập nặng cả. Mai bị chết hoặc rụng lá nở sớm làm người dân không thể bán được vào dịp tết dẫn đến lỗ cả trăm triệu đồng.
Người dân ở đây đang mong mỏi chính quyền có thể quan tâm tới họ nhiều hơn, giúp họ có thể thoát khỏi tình trạng phải sống trong nước như thế này. Thậm chí như đợt vỡ bờ bao này nước ngập đã hai ba hôm nay mà vẫn chưa thấy được bóng dáng cán bộ, người có trách nhiệm ở đâu.
Và họ vẫn đang thấp thỏm chờ đợi đợt nước ngập tiếp theo, bởi bờ bao mặc dù đã được đắp lại nhưng người ta lại dùng cát để đắp và trên bờ bao đã xuất hiện nhiều vết nứt. Ra coi bờ bao xong một người dân chạy về nói với cả xóm: “Mọi người chuẩn bị tinh thần nước sẽ vào nữa đó”.
Đã 2 ngày trôi qua kể từ khi nước tràn, có những nơi nước vẫn ngập đến đầu gối. |
Đồ đạc trong phòng ngủ nhà ông Hai On cũng không kịp sơ tán. |
Hai mẹ con trong ngôi nhà ngập nước. |
Tủ thờ nhà anh Thuy bị mủn, sập một bên chân. |
Ông địa được thờ... trên không |
|
Lũ trẻ vui chơi trong điều kiện nước ngập tràn xóm. |
Bờ bao được đắp lại bằng những bao cát và đã xuất hiện những vết nứt. |
Lê Mỹ - Trình Anh - Hiếu Hiền - Nguyên Tuấn