Thành lập Vườn Quốc gia Sông Thanh

Công Bính

(Dân trí) - Chiều 23/12, tỉnh Quảng Nam công bố quyết định thành lập Vườn Quốc gia Sông Thanh trên cơ sở toàn bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh với diện tích trên 76 ngàn ha.

Sông Thanh là Vườn Quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam với tổng diện tích hơn 76 ngàn ha trải rộng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Nam Giang và Phước Sơn - hai huyện miền núi phía Tây thuộc khu vực biên giới Việt - Lào; phía Nam giáp tỉnh Kon Tum.

Thành lập Vườn Quốc gia Sông Thanh - 1

Ông Hồ Quang Bửu (bên phải) - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - trao quyết định thành lập Vườn Quốc gia Sông Thanh cho ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Vườn

Vườn Quốc gia Sông Thanh có vị trí đặc biệt quan trọng khi nằm ở điểm kết thúc của dãy Trường Sơn Bắc và là nơi bắt đầu của dãy Trường Sơn Nam, trên vùng núi thấp và trung bình, địa hình chia cắt phức tạp, có độ dốc lớn, tạo nên lưu vực đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn do hai nhánh sông Bung và sông Cái hợp thành, chảy theo hướng Tây - Đông đổ ra biển Đông tại Cửa Đại - Hội An.

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Sông Thanh có những giá trị bảo tồn mang tầm quan trọng cấp quốc gia và toàn cầu. Các cứ liệu khoa học đã khẳng định khu bảo tồn này là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học toàn cầu (Global 200), là vùng chim quan trọng (IBA) và vùng chim đặc hữu (EBA) của thế giới, là vùng đa dạng sinh học trọng điểm (KBA). Sông Thanh là nơi hiếm hoi còn lại của Việt Nam có trên 70% diện tích rừng nhiệt đới thường xanh liền vùng gần như còn nguyên vẹn.

Thành lập Vườn Quốc gia Sông Thanh - 2

Trạm bảo vệ Vườn Quốc gia Sông Thanh

Trên địa bàn các xã vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh hiện có hơn 5.500 hộ gia đình với gần 20.000 nhân khẩu, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc bản địa Cơtu, Giẻ Triêng và Mơ Nông (chiếm khoảng 95%).

Đây là các cộng đồng địa phương có sinh kế gắn liền với sử dụng tài nguyên rừng, có những tác động nhất định lên tính đa dạng sinh học của khu vực. Các giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên nơi đây có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Việc nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn Quốc gia sẽ giúp cho tỉnh Quảng Nam nâng cao được năng lực bảo tồn đa dạng sinh học.

Thành lập Vườn Quốc gia Sông Thanh - 3

Cây cổ thụ trong Vườn Quốc gia Sông Thanh

Theo ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Vườn Quốc gia Sông Thanh, việc thành lập Vườn Quốc gia SÔng Thanh nhằm tăng cường bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học thuộc lâm phận rừng đặc dụng Sông Thanh và vùng giáp ranh, bao gồm quản lý ranh giới, kiện toàn các lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, tăng cường hợp tác cộng đồng bảo vệ rừng, kiểm soát săn bắt, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép và phòng cháy chữa cháy rừng.

Đẩy mạnh phục hồi sinh thái rừng, nâng cao ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm các hành động như cải tạo rừng nghèo kiệt, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cây bản địa trên đất chưa có rừng để thành rừng; trồng rừng và phục hồi sinh thái rừng trên đất trống.

Xây dựng và thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, hoàn thiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và đẩy mạnh giáo dục môi trường, trong đó tìm kiếm các cơ hội hợp tác với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái-văn hóa gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế-xã hội địa phương…

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay: Khu bảo tồn Sông Thanh là một khu rừng đặc dụng có diện tích lớn, với hơn 76 ngàn ha chứa đựng nhiều giá trị đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử và văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Tây Quảng Nam.

"Việc chuyển hạng Khu bảo tồn Sông Thanh thành Vườn quốc gia là một trong những cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn động thực vật quý hiếm. Vườn quốc gia Sông Thanh ra đời không chỉ có ý nghĩa trong bảo tồn mà còn tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các loài động vật quý hiếm khu vực Trung Trường Sơn, đồng thời là cơ hội để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng sống tại huyện Nam Giang, Phước Sơn và các vùng lân cận" - ông Hồ Quang Bửu phát biểu.