Thanh Hóa sẽ có 13 sân golf, 47 đô thị
(Dân trí) - Ngày 27/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo quy hoạch, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn; dịch vụ logistics; du lịch; giáo dục đào tạo; y tế chuyên sâu; văn hóa và thể thao; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ Quốc.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa sẽ tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với đó là phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho người dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển.
Về kinh tế, quy hoạch đề ra, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 10,1% trở lên. Đến năm 2030, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.
Quy hoạch cũng đề ra, đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo… Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Về phương án quy hoạch xây dựng, Thanh Hóa phấn đấu xây dựng 5 vùng liên huyện và phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, cùng các hành lang kinh tế; phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với mục tiêu đến năm 2030, quy hoạch, sắp xếp, bố trí 100% hộ dân đang sinh sống trong vùng ảnh hưởng bởi thiên tai và những hộ dân sống rải rác, dân di cư tự do trên địa bàn các huyện miền núi. Rà soát, bố trí các quỹ đất để giao đất cho các hộ chưa có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất và các hộ không có đất ở, thiếu đất ở.
Về phương án phát triển đô thị, đến năm 2025 toàn tỉnh có 47 đô thị các loại, trong đó có một thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, một đô thị loại IV, 43 đô thị loại V. Đến năm 2030 có 47 đô thị, trong đó có một thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương; 40 đô thị loại V.
Tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.
Sau năm 2030, phát triển mới thêm 2 khu công nghiệp với diện tích 872ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.200ha. Giai đoạn sau năm 2030 gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.800ha.
Trong lĩnh vực văn hóa thể thao, giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành dự án trung tâm đào đạo bóng đá Thanh Hóa; giai đoạn 2026 - 2030, hoàn thành sân vận động 30.000 chỗ ngồi, xây dựng trung tâm đào tạo vận động viên Thanh Hóa quy mô Bắc Miền Trung; phát triển 13 sân Golf gắn với phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái cao cấp.
Quy hoạch cũng phân bố không gian phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, truyền thống canh tác, chăn nuôi. Đồng thời đề ra phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai.
Về du lịch, đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính là du lịch biển; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử.