1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa đầu tư tiếp gần 80 tỷ đồng cho cây cầu chậm hơn 10 năm

Trần Lê

(Dân trí) - Sau hơn 10 năm xây dựng cầu Bến Kẹm nhưng chưa hoàn thành, mới đây, tỉnh Thanh Hóa lại phê duyệt gần 80 tỷ đồng để tái khởi động dự án này.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mới có quyết định về việc phê duyệt dự án Xây dựng hoàn thành cầu Bến Kẹm, huyện Bá Thước. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa làm chủ đầu tư; công trình thuộc địa phận các xã Điền Lư, Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa đầu tư tiếp gần 80 tỷ đồng cho cây cầu chậm hơn 10 năm - 1

Đến thời điểm dừng thi công, cầu Bến Kẹm đã hoàn thành 45% khối lượng công việc với số tiền đã bỏ ra là 30 tỷ đồng.

Tổng chiều dài cầu và đường hai đầu cầu khoảng 1.425m. Tổng mức đầu tư công trình được phê duyệt lần này là gần 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện không quá 3 năm (từ năm 2021 - 2023). UBND huyện Bá Thước được giao làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, ngày 29/10/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Bến Kẹm dài hơn 276 m bắc qua sông Mã, thuộc địa bàn huyện Bá Thước. Dự án được giao cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 75 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Đến ngày 4/11/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình: Đường giao thông ngã ba Điền Lư - Lương Ngoại - Lương Trung - Lương Nội - Cẩm Quý, thuộc dự án đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 108 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, công trình có mức đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn còn dở dang, nhiều máy móc, các hạng mục bị bỏ hoang mặc cho nắng mưa bào mòn...

Trong khi đó, từ ngày phà Bến Kẹm dỡ bỏ để nhường chỗ cho việc thi công dự án, người dân và phương tiện tham gia giao thông trên tỉnh lộ 523B qua sông Mã phải đi nhờ cầu giao thông trên đập của công trình thủy điện Bá Thước 2.

Trước thực trạng chậm tiến độ, ngày 2/10/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT nghiêm khắc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan đến việc quản lý dự án để chậm tiến độ thi công cầu Bến Kẹm, ảnh hưởng đến thời gian tích nước hồ chứa Nhà máy thủy điện Bá Thước 2.

Thời điểm trên, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng không giải quyết các chi phí phát sinh do thay đổi biện pháp thi công các hạng mục công trình liên quan đến kế hoạch tích nước hồ chứa Nhà máy thủy điện Bá Thước 2. Dự án sau đó tiếp dục "dậm chân tại chỗ".

Đến ngày 30/7/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản cho phép tạm dừng thực hiện một số gói thầu, dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Theo đó, cầu Bến Kẹm chỉ được phép tạm dừng thi công sau khi đã thi công trụ T3 đến cao trình hơn 41 m theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Đến thời điểm dừng thì công trình có 45% khối lượng đã thực hiện với số tiền đã bỏ ra là 30 tỷ đồng.

Sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, đến ngày 25/5/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản về việc quyết toán và điều chỉnh giá hợp đồng gói thầu xây dựng cầu Bến Kẹm. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng về quyết toán dự án.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở GTVT căn cứ nội dung cam kết tại hợp đồng và các quy định liên quan, thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng do điều chỉnh giá nhân công và giá nguyên, nhiên, vật liệu; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả điều chỉnh của mình.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đoàn Khả Phú, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa cho biết, ngày trước công trình được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu và các nguồn huy động hợp pháp khác. Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã cân đối nguồn vốn và cho phép đầu tư lại công trình này để hoàn thành.

Cũng theo ông Phú, công trình thi công từ năm 2011, đến năm 2013 tạm dừng. Từ đó đến nay công trình không được triển khai là do không bố trí được nguồn vốn. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào quý IV năm 2021.