Đồng Nai:

Thành cổ hàng trăm năm tuổi mòn mỏi chờ ngày “hồi sinh”

(Dân trí) - Nằm bên trong khuôn viên của Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai, tòa thành cổ Biên Hòa với lịch sử hàng trăm năm trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, “thoi thóp” chờ ngày “hồi sinh”.

“Giữ chân” thành cổ

Toà thành cổ Biên Hoàn đã xuống cấp theo thời gian
Toà thành cổ Biên Hoàn đã xuống cấp theo thời gian

Trong cuốn “Biên Hòa sử lược” của tác giả tác giả Lương Văn Lựu viết, Thành được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) tại địa hạt thôn Bàn Lân (thôn Tân Lân) huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũng với tên gọi là "thành Cựu" do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Thành có 4 cửa và một kỳ đài. Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào.


(Thực hiện Video: Trung Kiên - Thy Ngân)

Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong trên nền thành cũ và đổi tên thành thành Biên Hòa. Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ, thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn. Tháng 12/1861, thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp.

Thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vi thành còn 1/8 so với trước. Hết kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, thành Biên Hòa lại thêm những năm tháng thăng trầm, lặng lẽ chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất Đồng Nai và mang thêm trên mình những vết sẹo của những năm tháng khói lửa chiến tranh.

Hòa bình lập lại, mảnh đất Biên Hòa lại trở mình với những năm tháng thay da đổi thịt. Phố sá dần dần tiến sát, thành cổ dần dần bị thu mình giữa ngôi nhà bằng bê tông mọc lên từng ngày rồi lọt thỏm giữa khu đô thị sầm uất.

Tòa thành quy mô ngày nào nay chỉ còn lại tòa biệt thự hướng Tây - Bắc, tòa hướng Tây - Nam, hai lô cốt và những đoạn tường thành bằng đá ong bao bọc khu đất rộng hơn 10.000m2. Nhận thấy tầm quan trọng về nhiều mặt của tòa thành cổ duy nhất còn sót lại trên quê hương cũng như trên cả miền Nam, đến năm 2008, tỉnh Đồng Nai đã có quyết định công nhận và xếp hạng thành cổ Biên Hòa là Di tích lịch sử cấp tỉnh và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2013.

Chờ ngày thành cổ “hồi sinh”

Việc trùng tu toà thành cổ Biên Hoà đang hết sức cấp bách
Việc trùng tu toà thành cổ Biên Hoà đang hết sức cấp bách

Di tích thành cổ Biên Hoà được Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh tiếp nhận từ hậu cần công an tỉnh Đồng Nai và được xếp hạng di tích văn hoá cấp tỉnh vào năm 2008, lúc này tòa thành đã xuống cấp hết sức nghiêm trọng. Ngay khi được sếp hạng, UBND tỉnh Đồng Nai đã lập kế hoạch trùng tu khu thành cổ Biên Hoà, tuy nhiên trong quá trình lập hồ sơ dự án gặp một số khó khăn liên quan đến quy hoạch chi tiết của TP. Biên Hoà và các tư liệu về toà thành cổ.

Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi được xếp hạng di tích cấp tỉnh, đơn vị này chủ yếu tập trung kinh phí vào việc chống không cho di tích tiếp tục xuống cấp, hư hỏng thêm.
 
“Nếu không giữ gìn, gia cố thì thành cổ đã hư hỏng rất nhiều. Khi mới tiếp nhận, chúng tôi đã dọn hàng trăm xe rác, đốn hạ cây cổ thụ đè lên toà thành phía Tây. Toà nhà phía Đông chúng tôi đã phải thuê một số đơn vị bỏ tiền ra làm trước hay việc dò phá bom mìn nhằm phục vụ cho việc trùng tu cũng phải nhờ Lữ đoàn công binh 25 tiến hành. Đến nay các bên đều chưa được thanh toán bởi vì lập dự án chưa xong” - Ông Dũng chia sẻ.

Một mặt tường bị bào mòn bởi thời gian
Một mặt tường bị bào mòn bởi thời gian

Cũng theo ông Dũng, dự án hiện nay đã được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí trùng tu thành cổ Biên Hoà vào khoảng trên 40 tỷ đồng. Sau khi được phê duyệt, Ban Quản lý di tích đã chia thành các giai đoạn để trùng tu làm nhiều năm. Trong 2 năm tới, sẽ tập trung khôi phục lại toà thành cổ phía Tây với mức kinh phí được UBND tỉnh cấp là 15 tỷ đồng.

Trong lúc đợi cơ quan chức năng thống nhất các phương án trùng tu và “giải ngân”, di tích thành cổ Biên Hòa vẫn đang trong tình trạng báo động, không biết sẽ sụp đổ lúc nào. Thành cổ Biên Hoà, một di tích cấp quốc gia đang mòn mỏi chờ ngày “hồi sinh”.

Hình ảnh những "vết thương" trên toà thành cổ:

Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng
Trung Kiên - Trung Dũng

Trung Kiên - Trung Dũng