Tháng Năm về với "quê của muôn quê"
(Dân trí) - Dù là lần đầu tiên hay nhiều lần về với Làng Sen, ai cũng thấy thân thuộc như về với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Với mỗi người Việt Nam, Kim Liên đã trở thành quê chung, là "quê của muôn quê".
Lời hẹn tháng Năm
Không giống với mọi năm, tháng Năm này tiết trời bỗng trở nên dịu mát. Từng dòng người nối nhau trong hành trình trở về với quê chung, giữa bát ngát hương sen hòa quyện hương lúa chín và trăm hoa đua nở - món quà của nhân dân khắp mọi miền cả nước gửi về quê Bác Hồ kính yêu.
Những khuôn mặt rưng rưng niềm thành kính, đứng rất lâu dưới mái nhà tranh vách nứa, bên vườn khoai, vườn lạc, cây bưởi, hàng cau... Với họ, về với quê Bác ít nhất một lần trong đời là ước mong cháy bỏng. Để mỗi tháng Năm, vào dịp sinh nhật Bác kính yêu, lời hẹn ước ấy lại thôi thúc những người con phương xa trở về, đúng như nhà văn Nicolais (Rumani) đã từng nói "Ngôi nhà lá đơn sơ trong cái làng nhỏ bé là quê hương, tâm hồn của cả dân tộc Việt Nam".
Ông Đào Xuân Huế (trú huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) tay ôm bó hoa sen và hoa cúc vàng, rảo bước dưới hàng cây rợp bóng mát, hướng vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An).
Đây là lần đầu tiên ông Huế về thăm quê Bác, dù ước mơ này luôn thường trực trong ông nhiều năm liền nhưng vì hoàn cảnh gia đình và công việc đồng áng, vẫn chưa thực hiện được. Cùng đi với ông là vợ chồng người con trai và đứa cháu nội. Bước chân người đàn ông hơn 70 tuổi như ríu lại vì xúc động khi được đứng trước mái nhà tranh, nơi Bác Hồ kính yêu đã trải qua quãng thời gian thơ ấu.
Chị Lê Thị Hà - thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên, trong tà áo dài màu sen, tay cầm chiếc nón bài thơ xứ Nghệ "thay gia đình Bác tiếp khách". Qua từng mẩu chuyện của chị Hà, mỗi hiện vật trong căn nhà mái lá đơn sơ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đều có hồn riêng, gắn với cuộc đời thanh bạch, một lòng lo nghĩ cho dân, cho nước. Chính lối sống khiêm nhường, giản dị, tấm lòng thanh bạch, một lòng vì dân, vì nước của cụ Phó bảng và truyền thống quê hương xứ Nghệ đã góp phần làm nên một con người vĩ đại, một tấm gương đạo đức cao cả, một cuộc sống trong sáng, giản dị, một nhân cách yêu nước thương nòi - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lắng nghe từng lời thuyết minh về những hiện vật gắn liền với thời thơ ấu của Bác và những người thân trong gia đình, thỉnh thoảng ông Huế lại lén lau nước mắt. "Xem nhiều qua ti vi, báo đài rồi nhưng chứng kiến trực tiếp thấy xúc động vô cùng vì nơi Bác Hồ sống lại đơn sơ, mộc mạc như thế này", ông Huế tâm sự.
Đây là lần thứ 5, ông Thái Sỹ (Hà Nội) trở về thăm quê Bác, lần này đặc biệt hơn bởi sau 16 năm nghỉ công tác, ông mới có dịp quay lại. "Lần này về với quê Bác, nhìn đâu cũng thấy rưng rưng. Quê hương Bác đang đổi thay từng ngày nhưng mái nhà tranh, chiếc bàn gỗ, liếp cửa... vẫn như cách đây nhiều năm tôi trở về. Thực sự cảm ơn tỉnh Nghệ An và Ban quản lý Khu di tích Kim Liên đã giữ gìn nguyên vẹn từng hiện vật gắn với cuộc đời của Bác, để mỗi dịp trở về, nhìn vào đó, chúng tôi thêm yêu kính Bác", ông Sỹ xúc động nói.
Yêu kính Bác, nguyện học Bác suốt đời
Từ Thủ đô, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những người con ưu tú của phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) về thăm Kim Liên - nơi đã sinh ra và nuôi nấng người con ưu tú của cả dân tộc. Khuôn mặt cựu chiến binh Dương Văn Tiến (nguyên giảng viên Trường sỹ quan Hậu cần) ánh lên niềm tôn kính vô hạn khi đứng trước tượng đài Bác trong Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Đây là lần thứ 3 tôi về thăm quê Bác, lần nào cũng dâng trào cảm xúc, như trở về quê hương của chính mình", ông Tiến chia sẻ.
Với ông Tiến, về với quê Bác là mỗi dịp để tự soi sửa mình, thấy được trách nhiệm của mình đối với thành quả cách mạng mà Bác đã dành trọn đời để chăm lo. Bởi vậy, yêu kính Bác, phải gắn liền với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người, không ngừng rèn luyện phấn đấu, trong quân ngũ hay đã nghỉ hưu, để mãi mãi xứng đáng là người lính cụ Hồ.
Cũng như ông Tiến, học tập Bác là động lực phấn đấu suốt đời của nhà giáo Thái Sỹ. "Khi còn đi dạy, tôi truyền đạt cho thế hệ trẻ về lịch sử quê hương, đất nước, về cuộc chiến đấu và những gian khổ, hi sinh của lớp lớp cha ông đi trước để có được hòa bình, độc lập hôm nay, để biết trân trọng quá khứ và sống có trách nhiệm hơn. Nay đã nghỉ hưu, tôi vẫn tiếp tục học theo Bác từ những cái nhỏ nhất, thực chất nhất. Tuy tuổi đã cao nhưng tôi luôn noi gương Bác, còn sức là còn cống hiến, tham gia đóng góp quê hương, nơi cư trú, xây dựng phong trào cựu giáo chức và phong trào khuyến học...", ông Thái Sỹ tâm sự.
Dẫu đã nhiều lần về thăm quê Bác nhưng mỗi lần đặt chân đến "Hoàng Trù quê Mẹ và Làng Sen quê Cha", em Hoàng Trà My (lớp 7A, Trường THCS Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn nguyên vẹn cảm xúc rưng rưng. Dâng lên bàn thờ Bác bó sen tươi thắm, thay mặt các bạn đội viên, em hứa luôn cố gắng để là con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.
Tháng Năm, về với Kim Liên là về với Quê Chung, về với nguồn cội yêu thương và thấm đẫm tình người, tình đất, tình nước.