Thắng “cổ vật” và con sư tử độc nhất vô nhị
(Dân trí) - Bỏ lại đằng sau sự nghiệp điêu khắc dang dở, hơn 20 năm nay, anh Nguyễn Quyết Thắng mải mê đi tìm “thời gian đã mất”. Những đồ vật giản dị như bình vôi, bát vỡ… với anh lại là nhân chứng lịch sử, văn hóa vô giá của một thời...
Lâu nay, người dân Nghệ thường gọi anh là Thắng “cổ vật” (ở khối 8 phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An). Gia đình thường nói đùa: Anh ham mê cổ vật hơn cả vợ con. Trong bộ sưu tập của mình có hơn 1.000 cổ vật quý hiếm, nhiều cổ vật được các chuyên gia đánh giá cao. Trong số đó có một con sư tử bằng gỗ lụa âm đầy huyền bí.
Mê cổ vật hơn... vợ con
Căn nhà ba tầng của anh Thắng “cổ vật” dù rất rộng rãi vẫn không đủ để trưng bày các loại cổ vật được anh dày công săn lùng, được đánh đổi bằng cả sự nghiệp, thời gian và tiền bạc. Có những món đồ cổ, anh nhìn mê quá, vay nóng tiền, trả lãi ngày để “rước nàng về rinh”.
Vốn là một nhân viên của nhà máy in Nghệ An, hàng ngày tiếp xúc với khung chữ nhưng trong lòng anh vẫn đau đáu niềm đam mê sưu tập đồ cổ. Đầu năm 1988, anh giấu vợ xin nghỉ việc ở cơ quan, bắt đầu những chuyến đi lang thang, rong ruổi; nghe ở đâu có cổ vật lạ là anh mò tới “chinh phục” bằng được.
Tuy nhiên sau mỗi chuyến đi dài, tài sản anh mang về khi chỉ là chiếc bát bể, lúc là khay đựng trầu sứt hay chiếc bình vôi cũ kỹ; vợ anh rất buồn, thậm chí có lúc chị nghĩ anh “có vấn đề” về thần kinh.
Sau một thời gian dài đi lượm nhặt, đến nay bộ sưu tập của anh Thắng đã hơn 1.000 đồ cổ vật quý từ nhiều đời khác nhau như đá cổ, đất nung, đồng cổ, gốm sứ, chum rượu, rìu đá và ngọc trai... là những loại cổ vật bị chôn vùi ở khắp các làng quê Việt Nam.
Anh Thắng khoe anh đang sở hữu những đồ vật quý như Nôi Tháp Lý Hoa Nâu có hai con chim hạc đang tung cánh bay; ấm Nâu (hai loại cổ vật từ đời Lý); đôi Tháp Đất (thời Đông Sơn) được vẽ 14 tầng hoa văn lộng lẫy; món đồ Ngọc thời Lý - Trần. Ngoài ra anh Thắng còn sưu tập được một bộ đồ vật rất quý hàm chứa giá trị văn hoá của người Việt là hàng chục chiếc bình vôi từ cổ đến hiện đại.
Con sư tử gỗ lụa âm độc nhất vô nhị
Trong nhà anh Thắng có đến hàng trăm thước đồ gỗ nghệ thuật mang hình dáng các con vật khác nhau, có dáng vẻ độc đáo và có sức thu hút kỳ lạ. Trong số những tác phẩm quý giá đó, anh Thắng ưu ái nhất con sư tử bằng gỗ lụa âm.
Kể về mối lương duyên với báu vật này, anh Thắng bật mí: “Thật may mắn như có một điểm tương đồng giữa vật báu và người ưa thích nó. Trong chuyến đi của tôi dọc biên giới Việt - Lào thuộc địa phận Kỳ Sơn (Nghệ An), trời bỗng dưng đổ mưa lớn, nước sông Nậm Mộ dâng cao và chảy cuồn cuộn. Tôi bỗng phát hiện một phần khối gỗ nhô lên trên một thớ đất bị nước lũ cuốn trôi. Khối gỗ vừa to vừa nặng lại chôn chặt dưới đất. Tôi phải quay về bản thuê 8 thanh niên người dân tộc Thái đến đào. Sau hai ngày đào bới, khối gỗ mới được đưa lên khỏi mặt đất. Trước mặt tôi hiện lên khúc gỗ giống hệt hình một con sư tử rất đẹp. Toàn bộ từ đầu cho đến chân giống một con sư tử dù chưa hề có sự can thiệp của con người”.
Anh Thắng bên chú sư tử "tri kỷ"
Nhìn bề ngoài nó giống một con sư tử đang ngồi, trong lòng chú sư tử giống như một hang động trầm tích hàng nghìn năm tuổi, có khe nước chảy và có hai con chim chầu mỏ vào nhau rất tình tứ. Những đường vằn của thớ gỗ giống hệt da sư tử, chiều cao con sư tử là 1,16m, bề ngang 1,16m. Theo anh Thắng thì vào những ngày thời tiết thay đổi, da chú sư tử cũng chuyển màu. Ngày nào anh cũng vuốt ve, âu yếm, tâm tình với chú sư tử như với một người bạn tri kỷ.
Nhiều nhà sưu tầm đồ cổ khi được tận mắt ngắm chú sư tử này đều nhận định đó là một báu vật có một không hai ở Việt Nam. Chỉ xét về hình dáng bên ngoài cũng đã rất giống một chú sư tử ngồi xoải mình trông rất thích thú. Nhiều tay chơi đồ cổ đã ngỏ ý mua lại với giá cao nhưng anh Thắng không bán. Mới đây có hai vị khách người Trung Quốc đến trả giá gần nửa tỷ nhưng anh Thắng vẫn lắc đầu. Anh tâm sự không muốn để vật báu quý này lọt ra nước ngoài.
Minh San