1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thần tốc, chớp nhoáng giải phóng quần đảo Trường Sa

(Dân trí) - “Phải tranh thủ mọi thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa, một quần đảo giữ vị trí chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, kiên quyết không để lực lượng nào khác vào đánh chiếm đảo trước ta”.

Đó là quyết tâm chiến lược của Đảng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Hải quân trong chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Trường Sa - một phần không thể tách rời của Tổ quốc

Trường Sa là một quần thể gồm khoảng 120 đảo, bãi cạn, bãi ngầm nằm ở phía Đông – Đông Nam bờ biển Trung bộ nước ta, trong một vùng biển rộng khoảng 180.000km2. Đảo Trường Sa lớn cách đất liền nơi gần nhất (mũi Cà Ná – Ninh Thuận) khoảng 240 hải lý; đảo Song Tử Tây cách Đà Nẵng khoảng 480 hải lý. Khoảng cách giữa các đảo trong quần đảo tương đối xa nhau, gần nhất là từ Song Tử Tây đến Song Tử Đông khoảng 1,5 hải lý; xa nhất là từ Song Tử Tây đến An Bang khoảng 230 hải lý, các đảo còn lại đều cách nhau trên 10 hải lý.

Trên quần đảo Trường Sa vào thời điểm đầu năm 1975 có 11 đảo có người ở. Quân đội Đài Loan chiếm giữ đảo Ba Bình. Philippines đóng giữ 5 đảo (Thị Tứ, Vĩnh Viễn, Bến Lạc, Nam Côn, Song Tử Đông); Chính quyền Sài Gòn đóng giữ 5 đảo (Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn và mới đặt bia chủ quyền ở An Bang, chưa có người ở). Lực lượng quân đội Sài Gòn đóng giữ ở Trường Sa có khoảng 150 lính bảo an thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy, theo chu kỳ thay quân chốt giữ 3 tháng 1 lần.

Quần đảo Trường Sa là một phần không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta chủ trương đồng thời giải phóng quần đảo Trường Sa do ngụy quyền Sài Gòn đóng giữ, thu non sông về một mối. Đây cũng là một hướng tiến công chiến lược trên biển nhằm phối hợp với các hướng tiến công trên bộ vào Sài Gòn – sào huyệt cuối cùng của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa.

Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ rất quan trọng - giải phóng quần đảo Trường Sa cho Quân chủng Hải quân. Kiên quyết không để lực lượng khác lợi dụng sơ hở đến đánh chiếm đảo của ta, Bộ Tư lệnh Quân chủng lên phương án giải phóng Song Tử Tây trước, sau đó giải phóng Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa lớn…

Giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu

Giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu

Cuộc đổ bộ bí mật, bất ngờ

Theo kế hoạch tác chiến, ngày 9/4/1975, khi những cánh quân trên bộ của Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu tiến công mãnh liệt vào phòng tuyến của ngụy ở cửa ngõ phía Đông và phía Nam của Sài Gòn (Xuân Lộc – Đồng Nai và Tân An – Long An) thì Bộ tư lệnh Hải quân nhận được lệnh tiến đánh đảo Song Tử Tây.

3 tàu vận tải (673, 674, 675) của Trung đoàn 125 giả dạng làm tàu cá nước ngoài chở lực lượng của Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 được tăng cường một bộ phận của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5 từ quân cảng Đà Nẵng tiến ra Song Tử Tây.

Rạng sáng 14/4/1975, tàu ta áp sát Song Tử Tây. 3 mũi đặc công dùng xuồng bí mật đổ bộ, tiến công lên đảo. Bị đánh bất ngờ, địch hoang mang chống trả yếu ớt. Sau 30 phút vừa chiến đấu vừa gọi hàng, quân ta đã làm chủ toàn bộ hòn đảo, tiêu diệt 6 tên, bắt sống 33 tên. Khi bình minh vừa lên thì cũng là lúc lá cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam tung bay trên đỉnh cột trước bia chủ quyền của Tổ quốc ở Song Tử Tây.

Khi bị mất Song Tử Tây, chính quyền Sài Gòn đã điều 2 tàu chiến từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại nhưng vì nản lòng, nhụt chí chiến đấu trước những thất bại liên tiếp trên bộ khiến cho quân lính không dám đổ bộ lên đảo mà quay sang phòng thủ ở Nam Yết. Lực lượng hải quân Mỹ - Việt Nam Cộng hòa ở ngoài khơi hoạt đồng cầm chừng, chỉ lo tập trung vào kế hoạch di tản khỏi Sài Gòn nên bỏ mặc đồng đội trên đảo.

Trận đột kích đầu tiên thắng lợi, quân ta để một lực lượng ở lại làm nhiệm vụ giữ đảo, lực lượng còn lại về Quân khu 5 – Đà Nẵng bổ sung thêm vũ khí, lên kế hoạch đánh các đảo còn lại.

Rạng sáng 25/4/1975, Quân chủng Hải quân tiếp tục sử dụng 2 tàu vận tải (673, 641) của Trung đoàn 125 chở lực lượng của Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 và một số cán bộ của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5 đổ bộ lên đảo Sơn Ca. Địch chống cự yếu ớt. Sau 30 phút chiến đấu và gọi hàng, ta làm chủ đảo, tiêu diệt 2 tên, bắn bị thương 3 tên, bắt sống 17 tên, thu nhiều súng đạn.

Ngày 27/4/1975, đặc công ta đổ bộ lên đảo Nam Yết. Do địch bỏ chạy nên ta nhanh chóng làm chủ đảo. Phát huy khí thế tiến công thần tốc, quân ta nhanh chóng giải phóng đảo Sinh Tồn và đến sáng 29/4/1975 thì phân đội chiến đấu cuối cùng của Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 đã hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ và làm chủ đảo Trường Sa lớn.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân cho rằng, nhờ tận dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp nên mặc dù phương tiện đổ bộ của ta rất hạn chế (chỉ có 3 tàu vận tải, xuồng cao su chèo tay), lực lượng đặc công thì trang bị rất gọn nhẹ, chủ yếu là súng tiểu liên, lựu đạn, hỏa lực B40, B41, cối 82mm nhưng quân ta vẫn nhanh chóng tiến công giải phóng được quần đảo Trường Sa, hạn chế thấp nhất tổn thất.

“Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa trong đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng này vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự trong sự nghiệp xây dựng Quân chủng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, làm nòng cốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong tình hình mới”, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến khẳng định.

Ngô Công Quang