1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Thần tài” bán vé số xuyên Việt

(Dân trí) - 65 tuổi, hơn 20 năm hành nghề bán vé số nhưng “dấu ấn” khác lạ của ông Trương Minh Tấn với những “đồng nghiệp” là ông luôn khoác lên mình bộ áo “thần tài”. Ông Tấn cũng không bán vé số mãi trên 1 địa bàn mà đi khắp từ tỉnh này đến tỉnh khác.

Bước chân mưu sinh

Đã 5 ngày nay trên địa bàn thành phố Huế xuất hiện một người khoác trên mình bộ áo “thần tài” đi bán vé số khiến nhiều người ngạc nhiên. Đó là ông Trương Minh Tấn ở TPHCM nhưng có những chuyến hành trình dài ngày mưu sinh qua các tỉnh và được gọi với cái tên “thần tài vé số”.

“Bán tỉnh này ít ngày rồi lại đi qua tỉnh khác chứ ở một nơi không bán mãi được. Vì họ mua không trúng đến hôm sau gặp lại “thần tài” sẽ không mua nữa nên phải bán tỉnh này ít bữa, tỉnh kia ít bữa thì mới có ăn”, ông lão họ Trương tâm sự.

Do có sự khác biệt với những người đi bán vé số khác bởi bộ áo quần và thân hình được trang điểm “thần tài” nên ngày nào ông cũng bán được rất nhiều vé số. Từ sáng đến chiều đi khắp các con đường, ngõ phố, ông bán được khoảng 400 đến 500 tờ với số tiền hoa hồng lên đến 200 - 250.000 đồng.

Mỗi ngày ông thường thức dậy từ rất sớm để “trang điểm” cho giống “thần tài”. Khi hỏi về “đồ nghề” , ông kể: “Bán thì cũng được nhiều nhưng phải mất tiền mua mỹ phẩm để trang điểm, cùng với 5 bộ thần tài để mặc. Bên cạnh đó tiền ăn, tiền thuê nhà trọ... nên cũng ngốn hết 150.000 đồng/ngày rồi”.

Ông Tấn kể: “Sài Gòn lớn và phát triển hơn Huế nhiều nhưng tui ra đây với bộ áo quần này đã thu hút được rất nhiều người Huế mua vé số. Bán được nhiều thế này chắc phải ở đây đến khi nào không thể cầm cự được nữa thì lại hành trình ra Hà Nội để mưu sinh”.

Xây dựng thương hiệu “thần tài”

Vừa từ Sài Gòn ra nhưng ông Tấn đã xây dựng cho mình một thương hiệu bán vé số ở Huế. Mấy ngày ông đi khắp mọi con đường, quán hàng để bán, đi đâu người ta cũng gọi với cái tên “thần tài vé số”.

“Thần tài” bán vé số xuyên Việt - 1
  

Bộ dạng khác lạ khiến nhiều người mua vé số của ông Tấn.

“Có rất nhiều người đi bán vé số, trong khi người mua ít đi nên tui phải có sáng tạo mới.  Muốn cho người ta mua vé số của mình, không phải chỉ đăm đăm mời chào nhiệt tình, mà phải có một chút thu hút đập vào mắt để họ mua” - ông Tấn nói.

Nhìn ông đi ngang qua một quán cóc ở bên đường mà có rất nhiều chạy lại mua và nói chuyện vì lần đầu tiên họ thấy cảnh tượng như thế này ở Huế. Phục trang thần tài khiến một nắm vé số to tướng mà chỉ cần đi từ đầu đến gần cuối đường Nguyễn Trường Tộ (nơi có nhiều quán cà phê cóc nhất TP Huế) đã vơi hết.

Cầm nắm vé số còn mấy cái ông Tấn vui cười: “Mặc áo này vừa bán được nhiều vé số lại có nhiều lúc đã lắm, có hôm tui đang đi bán như mọi ngày, thấy người ta gọi lại rồi cho cả cục tiền rồi cảm ơn rối rít làm tôi ngạc nhiên, cuối cùng mới biết là hôm qua họ mua vé của tui và trúng số”.

Bộ áo quần và thân hình trang điểm “thần tài” chính là một thương hiệu cho ông Tấn trong mấy ngày qua trên địa bàn Huế và các tỉnh, nơi ông đã từng đặt chân đến cũng như nhiều vùng khác ông sẽ đến, tiếp theo trong hành trình mưu sinh của mình.

Đắc Thành - Viết Long