Gia Lai
Thân già còm cõi mưu sinh ngày đầu năm
(Dân trí) - Dù đã bước sang tuổi "xưa nay hiếm", nhưng ngay sáng mùng 1 Tết, nhiều cụ ông, cụ bà vẫn phải lang thang khắp các nẻo đường ở phố núi Pleiku (Gia Lai) để mưu sinh.
Mới sáng mùng 1 Tết, ông Đoàn Tất Tuấn (78 tuổi, trú phường Hội Thương, TP Pleiku, Gia Lai) đã có mặt tại góc ngã tư đường Lê Lai - Trần Phú (TP Pleiku) đề bắt đầu một ngày "tìm kế sinh nhai", Ông Tuấn cho biết: Với ông, ngày nào cũng như ngày nào, sáng ra ăn cơm rồi đi làm không kể ngày Tết hay ngày thường, trừ những ngày ông đau ốm thì mới phải nằm nhà để nghỉ ngơi.
Ông Tuấn làm nghề chạy xe ôm mấy chục năm nay, bây giờ tuổi đã cao, ông chỉ chạy loanh quanh trong nội thành nên thu nhập rất ít, ngày nhiều thì kiếm được 100.000 - 200.000 đồng, nhưng cũng có ngày chẳng chạy được cuốc nào.
Ông tâm sự, cũng như bao nhiêu người khác, ngày Tết ông muốn được nghỉ ngơi, được sum họp bên mâm cơm cùng gia đình, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Khi được hỏi về gia cảnh, con cái... ông Tuấn ngậm ngùi, vẻ như muốn dấu. Ông chỉ cho biết vợ chồng ông đông con, nhưng chính xác là bao nhiêu người con thì ông ngập ngừng không nói. Và hiện tại, vợ chồng ông đang sống cùng 1 người con đã 38 tuổi nhưng bị bệnh tâm thần. Vợ ông tuổi cũng đã cao, chỉ ở nhà làm việc lặt vặt và chăm sóc đứa con bị bệnh. Vì vậy, gánh nặng cơm áo, gạo tiền của một gia đình 3 miệng ăn đều đổ dồn lên vai của cụ ông gần 80 tuổi này.
“Ông đông con nhưng giờ mỗi đứa sống mỗi nơi, không nhờ được đứa nào cả. Nói vậy, người ta cứ tưởng vợ chồng ông ăn ở không ra sao nên mới khổ vậy, nhưng hai vợ chồng ông sống trước nay chưa từng lừa gạt ai, luôn chăm chỉ làm lụng vậy mà vẫn cứ nghèo khổ mãi, chắc do duyên nghiệp kiếp trước gây nên kiếp này phải trả” - ông Tuấn rầu rầu tâm sự.
Bà Hòa (áo xanh) mưu sinh ngày đầu năm
Năm nay tròn 80 tuổi, nhưng bà Hòa (trú phường Ia Kring, TP Pleiku) vẫn phải lang thang khắp các nẻo đường để bán từng tờ vé số. Bà Hoa cho biết, bà cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng vì cuộc sống đầy khó khăn và nhiều nỗi buồn nên bà mới phải ra đường sáng sớm ngày 1 Tết để mưu sinh: “Bà không nhờ được con mình nên mới phải đi kiếm tiền như thế này, không đi thì không có tiền; với lại ở nhà cũng buồn lắm nên bà đi ra đường cho khuây khỏa, kiếm thêm ít đồng để lúc đau ốm còn có cái để tự xoay sở”, bà Hòa chia sẻ.
Bà Hoa xót xa chia sẽ về hòa cảnh của mình
Khác với bà Hòa, ông Tuấn, hoàn cảnh của bà Hoa (66 tuổi, quê Bình Định, tạm trú tại đường Thống Nhất, TP Pleiku) "thân phận" hơn. Bà Hoa mồ côi từ nhỏ, bà chưa một lần lập gia đình nên tới giờ bà vẫn sống cô đơn trong một căn nhà trọ thuê. Khi khỏe mạnh thì bà lang thang khắp các nẻo đường để bán vé số, lúc ốm đau thì một mình co ro trên giường bệnh.
Trên các nẻo đường, đều có thể bắt gặp các cụ già đi mưu sinh ngày đầu năm.
Bà Hoa tâm sự thêm, đã 66 tuổi, nhưng chưa một lần bà có được cái tết đầm ấm bên người thân. “Tôi là trẻ mồ côi, nhưng cũng có người thân, đó là những người bà con trong dòng họ... nhưng ai cũng khổ cả. Giờ tôi đang còn sức khỏe thì còn ráng làm, khi nào không còn sức thì đành phó mặc cho số phận chứ cũng không biết tính sao”,
Trong cái se lạnh của đầu Xuân của "phố núi", PV Dân trí tìm đến và lắng nghe những câu chuyện, trải lòng của những cụ ông, cụ bà trong độ tuổi "thất thập cổ lai hy"... sao mà thấy ghèn nghẹn và lòng như "chùng" hẳn lại...
Thiên Thư