Thần chết lơ lửng trên đầu
Trên địa bàn TPHCM đang có hơn 43.000 công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hàng loạt tai nạn thương tâm từ điện.
Nguy hiểm chết người, vẫn xây!
Dọc quốc lộ 50, nhiều nhà xây dựng cạnh đường dây 15kV bằng vật liệu dễ cháy, khung nhà bằng kim loại nhưng lại không có dây tiếp đất; nhiều trường hợp treo bảng biểu quảng cáo bằng kim loại sát đường dây điện; có nhà trồng trụ, đà kế đường dây vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (BVATLĐCA).
Ngành điện cho biết những loại đường dây dẫn điện trên không với cấp điện áp 15kV rất nguy hiểm khi người hoặc vật vi phạm khoảng cách an toàn (đến gần hoặc cách dây điện, thiết bị điện dưới 0,7 m). Riêng cấp điện áp 110kV - 220kV - 500kV người và vật sẽ bị phóng điện khi vi phạm khoảng cách an toàn dưới 1,5 m, 2,5 m và 4,5 m. Tuy nhiên, tại Bình Hưng (Bình Chánh), Củ Chi, quận 4, 7, Thủ Đức... hàng loạt công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng khoảng cách an toàn này.
Theo các đơn vị điện lực, đa số người dân bị lập biên bản vi phạm hành lang an toàn từ nhẹ đến nặng đều trả lời rằng “không biết nên xây bừa”. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp người dân cố tình vi phạm, bị ngành điện lập biên bản rồi vẫn tiếp tục vi phạm. Thậm chí có trường hợp chính quyền địa phương còn ký cấp phép xây dựng cho các hộ vi phạm hành lang BVATLĐCA.
Hầu hết các trường hợp vi phạm là nhà xây dựng không có giấy phép, lấn chiếm lộ giới, xây cất nhà ở bao quanh trụ điện cao thế.
Xử lý không nghiêm
Trưởng phòng kỹ thuật an toàn lưới điện Lê Công Trình (Công ty Điện lực TPHCM) bức xúc: các đơn vị quản lý lưới điện phát hiện vi phạm nhưng chỉ được phép lập biên bản, không được xử phạt hay đề nghị tháo dỡ mà chỉ báo cáo hiện trạng này “đến chính quyền địa phương, đến khi chính quyền địa phương xử phạt được thì nhà cũng đã cất xong rồi”.
Có trường hợp khi ngành điện phát hiện vi phạm thì chủ nhà mới cất lầu 1, sau khi báo UBND phường, lúc phường đi kiểm tra thì đã xây đến lầu 2. Phường báo lên quận, quận có văn bản yêu cầu ngưng xây dựng thì chủ nhà đã thi công đến lầu 3. Đến khi quận có quyết định cưỡng chế giải tỏa thì nhà đã xây hoàn chỉnh.
Một lãnh đạo ngành điện cho biết thời gian chờ các cấp trả lời việc xử lý các vi phạm nặng có khi đến... tám tháng. Đơn cử có lần ngành điện đề xuất xử lý buộc giải tỏa trên 100 trường hợp, lên đến trên cân nhắc cho rằng nên xem xét làm điểm khoảng 50 trường hợp, rồi lại kéo xuống còn 20, còn 10 và cuối cùng còn 5 trường hợp. Nhưng đến nay việc xử lý 5 trường hợp này vẫn hết sức khó khăn.
Nhiều chuyên viên trong ngành thật sự lo lắng không biết bao giờ TP mới có thể xử lý được trên 43.000 trường hợp vi phạm vì biện pháp xử lý tối ưu vẫn là tháo dỡ công trình vi phạm, mà rõ ràng cho đến nay TP vẫn chưa thể làm được.
Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm các qui định về hành lang BVATLĐCA vẫn chưa nghiêm, nhiều địa phương còn quá lơ là việc xử lý và kiểm tra kết quả xử lý. Mặt khác chính quyền địa phương lại chỉ phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng chứ không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động điện lực theo nghị định 74 của Chính phủ.
Giải pháp nào?
Công ty Điện lực TPHCM cho biết đã đề nghị Sở Công nghiệp TP có ý kiến với các đơn vị liên quan khi cấp phép xây dựng nhà, công trình có thể ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện phải yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện (theo qui định của Luật điện lực).
Đồng thời đề nghị Sở Công nghiệp kiến nghị UBND TP ban hành chỉ thị cho phép công ty ngưng bán điện cho các hộ dân xây dựng hoặc cơi nới nhà, công trình vi phạm hành lang BVATLĐCA. Công ty cũng đề nghị Sở Công nghiệp có ý kiến với Bộ Công nghiệp, Chính phủ ban hành nghị định về bảo vệ an toàn lưới điện chung cho cả lưới điện cao áp và hạ áp.
Theo Sở Công nghiệp, sở này đã đề nghị UBND TP thành lập ban chỉ đạo, xây dựng dự thảo qui định xử lý vi phạm hành lang BVATLĐCA. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chỉ dừng ở mức độ... đề nghị và ngành điện vẫn phải tiếp tục chờ qui định xử lý các công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Theo Võ Hương
Tuổi Trẻ