“Tham vọng lớn” của Bộ trưởng Nhạ và ngành giáo dục Việt Nam

Thái Anh

(Dân trí) - Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khơi tham vọng các nước ASEAN xây dựng nền tảng giáo dục số hóa dùng chung tại hội nghị trực tuyến của lãnh đạo nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chiều 30/7.

Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC) diễn ra tại Nhà Quốc hội Việt Nam, theo sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên đề được tổ chức để xem xét, thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa nhằm phát triển bền vững khu vực ASEAN theo những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc.

Việc đưa ra sáng kiến này cũng nhằm mục đích tạo ra diễn đàn mang tính thường niên để mỗi nghị viện thành viên AIPA giữ vai trò Chủ tịch sẽ chọn một trong 17 mục tiêu của chương trình nghị sự 2030 thuộc mối quan tâm của quốc gia cũng như các nghị viện thành viên khác để cùng trao đổi, tìm ra các biện pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu này trong khu vực ASEAN.

“Tham vọng lớn” của Bộ trưởng Nhạ và ngành giáo dục Việt Nam - 1

Lần đầu tiên một hội nghị chuyên đề được tổ chức tại AIPA, theo sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam.

Cơ chế liên thông trình độ, công nhận bằng cấp trong ASEAN?

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong những năm qua, hợp tác giáo dục và văn hoá giữa các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và thúc đẩy, đạt nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục trong khối ASEAN hiện vẫn gặp một số trở ngại như: khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên  vẫn còn khá lớn về chất lượng, trình độ quản lý, ngân sách dành cho giáo dục..., thiếu tính kết nối giữa các hệ thống đào tạo khác nhau, việc công nhận bằng cấp của nhau và quốc tế hoá bằng cấp trong khu vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị nêu cao vai trò của nghị viện trong việc xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc công nhận chất lượng giáo dục và liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực, cơ chế hợp tác trong phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19, việc huy động và phát huy các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

“Tham vọng lớn” của Bộ trưởng Nhạ và ngành giáo dục Việt Nam - 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển chủ trì hội nghị.

Tham luận của đoàn Việt Nam tại hội nghị nhấn mạnh, giáo dục từ xa, trực tuyến và mở được coi là các phương thức giáo dục quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG4 và đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo đoàn Việt Nam, các nước đang phát triển đều đứng trước các thách thức về tri thức cần thiết, về năng lực thực hiện và về hạ tầng kỹ thuật. Một trong những giải pháp chính  để vượt qua các thách thức này là đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục, trước hết là hội nhập khu vực về giáo dục.

Liên quan vấn đề này, đại diện đoàn Thái Lan cho biết, nước này có dự án truyền hình giáo dục từ xa được khởi động từ năm 1995 nhằm loại trừ sự bất bình đẳng về giáo dục. Dự án này cung cấp dịch vụ giáo dục, học tập và giảng dạy với chât lượng như nhau ở các trường tham gia dự án. Dự án này đã thành công trong hơn 20 năm nay. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid- 19, việc đóng cửa trường học là một trong số các biện pháp nhằm kiểm soát và kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Dự án nêu trên đã được được lựa chọn và giới thiệu tới trẻ em Thái Lan ở mọi cấp như là một hệ thống học tập thay thế trước khi kỳ học mới bắt đầu vào tháng 7.

“Tham vọng lớn” trong giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày một “tham vọng lớn” là các nước trong khu vực cùng nhau xây dựng một nền tảng giáo dục số hóa dùng chung, giúp cho sự hiểu biết đa văn hóa của người học được nâng lên trong khi các chuẩn mực về chất lượng giáo dục vẫn được đảm bảo. Các công nghệ tiên tiến về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu cũng cần được áp dụng nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, đánh giá ngành và dự báo về giáo dục đào tạo.

Người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam nói về bối cảnh, nửa năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho ngành giáo dục. Việc đối mặt với thách thức chung, tăng hiệu suất giáo dục và khai thác cũng như phát huy tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực là điều kiện để “kích hoạt” tham vọng lớn của ngành giáo dục.

Bộ trưởng Nhạ xác định, hai giải pháp quan trọng để thực hiện “tham vọng lớn” là thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông giáo dục trong khu vực.

“Tham vọng lớn” của Bộ trưởng Nhạ và ngành giáo dục Việt Nam - 3

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phùng Xuân Nhạ khơi gợi "tham vọng lớn" về nền giáo dục liên thông trong ASEAN.

Với chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ trưởng Nhạ cho biết, không chỉ trong trong khi đại dịch bùng phát và lan rộng, mà trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Bộ Giáo dục và đào tạo đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình và hướng dẫn công nhận kết quả dạy học trực tuyến.

“Qua những trao đổi nội khối về kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục, tôi nhận thấy chúng ta đều đang chứng kiến việc các trường học bắt đầu ứng dụng công nghệ. Đó có thể là thay thế lớp học truyền thống bằng các công cụ livestream.Có thể là giao bài về nhà trên các nền tảng giáo dục trực tuyến. Hoặc ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, hầu hết các trường học có thể duy trì dạy và học online toàn phần hoặc bán phần trong giai đoạn giãn cách xã hội” - ông Nhạ phát biểu.

Cuộc khủng hoảng Covid-19, theo đó, mang tới những bài học quan trọng trong chuyển đổi mô hình giáo dục trong tương lai, về những điều mà các quốc gia cần chuẩn bị tốt hơn cho viễn cảnh giáo dục trong thế kỷ XXI.

Thực tế, Việt Nam đang tập trung số hoá các nội dung giảng dạy có chất lượng, mang tính ứng dụng thực tiễn cao để hoàn thiện Kho học liệu mở giáo dục quốc gia với 5000 bài giảng E-learning và 2000 video bài giảng trên truyền hình. Ngành giáo dục Việt cũng đang trong quá trình xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá người học trực tuyến nhằm giúp giáo viên xác định nhu cầu học tập cá nhân của học sinh dựa trên dữ liệu thời gian thực để từ đó kịp thời đa dạng hoá phương pháp giảng dạy.

Nói về liên thông trình độ trong khu vực ASEAN, theo Bộ trưởng việc để một người lao động, một sinh viên, một học sinh tốt nghiệp ở một đất nước này có thể tiếp tục học tập và làm việc ở một nước thành viên khác mà không mất thời gian gián đoạn chuyển tiếp không chỉ giới hạn trong liên thông giáo dục, mà nó nằm trong một câu hỏi lớn hơn, làm thế nào để tối ưu hóa nguồn nhân lực trong khu vực?

Theo ông  Nhạ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo.  Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở trình độ cao (MRAs), trình độ trung bình và thấp (MRS).Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuận của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, cho tới nay đã phát triển bao gồm 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước, trong đó có 2 trường đại học của Việt Nam. Đây là một dấu mốc lớn trong công nhận một cách công bằng về chất lượng lao động giữa các quốc gia trong nội khối ASEAN.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam nhận định, còn nhiều việc phải làm, nhiều rào cản cần vượt qua như làm thế nào đảm bảo ngang bằng về chất lượng đào tạo, trong việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo cũng như xây dựng cơ chế giám sát chung hài hoà, thống nhất…