Tham vấn nhà khoa học về báo cáo thực hiện mục tiêu tài nguyên- môi trường
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa chủ trì Hội nghị tham vấn các nhà khoa học cho Dự thảo báo cáo “Đánh giá thực hiện mục tiêu về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm, nguyên nhân, mục tiêu giai đoạn 10 năm tới” mà Bộ sẽ trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu điều hành hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kể từ khi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) được ban hành, đến nay, các nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường luôn được quán triệt và tiếp tục được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc, Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương; tiếp đó được thể chế hóa trong hệ thống văn bản pháp luật và thực tiễn quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Tổng kết, đánh giá những nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được đề ra trong chiến lược, kế hoạch cho thấy có được những thành tựu đạt được, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, yếu kém với những lý do chủ quan và khách quan.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, từ nay cho đến khi Dự thảo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ luôn nhận được những đóng góp ý kiến, những phản biện dựa trên những kinh nghiệm, kiến thức của các nhà khoa học.
Ông Hà mong các nhà khoa học đóng góp trí tuệ của mình để góp phần đưa ra những chính sách mới đồng bộ, nhất quán trong thời gian tới trên tinh thần đổi mới tư duy, sáng tạo. Những góp ý tham luận dựa trên nền tảng khoa học của các chuyên gia sẽ khẳng định được vấn đề việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường chính là nền tảng quan trọng và hài hòa để cân bằng với việc phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận định về sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời đại mới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng hy vọng sẽ nhận được những xu hướng mới, của ngành công nghệ 4.0 từ các nhà khoa học để từ đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng những mô hình kinh tế tuần hoàn trong thời kỳ đổi mới, cũng như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà khoa học thẳng thắn đưa ra những ý kiến để trong dự thảo báo cáo của Bộ sẽ nhận diện đầy đủ những hạn chế, yếu kém, bất cập, khiếm khuyết trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từ đó có cơ sở quản lý, phân bổ, sử dụng, tiết kiệm hiệu quả và bền vững nguồn lực tự nhiên theo các nguyên tắc, quy luật thị trường; chủ động giám sát, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phòng chống thiên tai và đáp ứng các cam kết quốc tế; đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đều nhận định, trong bối cảnh phát triển mới cần quán triệt rõ các quan điểm, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030).
Các nhà khoa học cũng đã cùng nhau trao đổi, thảo luận tập trung vào những vấn đề như: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, là nguyên lý để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước trong bối cảnh của biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở cách tiếp cận dựa vào thị trường; chú trọng phát huy vai trò của Nhà nước trong phân bổ, điều tiết nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và giải quyết các khiếm khuyết của thị trường; phân định rõ vai trò quản lý với vai trò sử dụng tài nguyên thiên nhiên,…
Nhiều nhà khoa học cũng đề nghị, bên cạnh vấn đề bảo vệ môi trường cần gắn chặt với bảo tồn thiên nhiên; tăng cường tìm kiếm những nguồn tài nguyên mới, đặc biệt là tài nguyên về năng lượng. Việt Nam phải hướng đến nền kinh tế không phụ thuộc vào tài nguyên nữa, mà phải xây nền kinh tế với nền tảng tài nguyên quan trọng và phát triển mạnh mẽ là tài nguyên con người - nhân tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cùng các thành viên Tổ soạn thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải trao đổi, tham vấn, cùng làm rõ những vấn đề của các nhà khoa học đưa ra để xây dựng được Dự thảo báo cáo của Bộ trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa mang tính khoa học, vừa đầy đủ những mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
T.K