1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tham nhũng ở Việt Nam đến mức báo động

19 ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận về tham nhũng trong Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ (CG) chiều 9/6 đều nhận định như vậy. Nguy cơ một số nhà tài trợ sẽ thu hồi vốn ODA đã cho vay nếu phát hiện có tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra.

Đại sứ Thụy Điển Anna Linstedt khẳng định, nếu Việt Nam (VN) không cho thấy rõ kết quả của công tác chống tham nhũng trong thời gian tới, có khả năng các nhà tài trợ sẽ đối xử tương tự như với Campuchia là thanh tra hàng loạt dự án. “Thậm chí nếu tình hình nghiêm trọng, không chỉ có Ngân hàng Thế giới mà cả những nhà tài trợ khác cũng sẽ rút vốn đã cho vay”, bà Anna Linstedt nhấn mạnh.

Các nhà tài trợ cũng đồng thanh yêu cầu VN ngoài quyết tâm chống tham nhũng còn phải có chương trình hành động cụ thể, mang lại kết quả cụ thể nhằm tạo niềm tin cho nhà tài trợ trong việc sử dụng hiệu quả vốn ODA.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận việc các nhà tài trợ nước ngoài cho rằng tình hình tham nhũng của VN đang ở mức báo động. Tất cả nhà tài trợ đều yêu cầu Chính phủ VN ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng và triển khai chương trình hành động cụ thể, phải cho biết kết quả thực tế là đã làm gì và làm như thế nào.

Theo ông Phúc, đây là lần đầu tiên CG bàn nhiều đến vấn đề chống tham nhũng tại VN, so với các kỳ hội nghị thường niên khác.

Bản thân Phó tổng thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng cũng tỏ ra hết sức bức xúc trước tình hình tiêu cực trong sử dụng vốn ODA hiện nay.

Ông Thắng cho rằng, tham nhũng ở VN không làm thất thoát tiền của các nước tài trợ, mà chính là làm nghèo đi nguồn thu nhập của dân Việt. “Nói cho cùng đó là món nợ chúng ta phải trả ở thế hệ sau”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, việc giảm sút tài trợ ODA trong tương lai, nếu có, không phải do vụ PMU 18 đưa đến mà phụ thuộc cách hành xử của Chính phủ trong đấu tranh chống tham nhũng và kết quả xử lý vụ việc đó như thế nào.

Chính phủ đã có kế hoạch đấu tranh chống tham nhũng, trước hết ở những khu vực nhạy cảm như đất đai, mua sắm tài sản công, sử dụng ngân sách, xây dựng cơ bản và sắp tới sẽ thêm những nội dung khác.

“Chừng nào mà còn với quan chức này khi vi phạm thì xem xét kiểu này, quan chức khác xem xét cách khác, thì chúng ta chưa chống tham nhũng được. Chống tham nhũng cũng phải bình đẳng, xử lý như nhau”, ông Thắng khẳng khái nói.

Tuy nhiên, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã phần nào làm yên lòng các nhà tài trợ, khi công bố kết quả thanh tra Ban quản lý các dự án số 1 (PMU1) của Bộ Giao thông Vận tải sau 2 tháng làm việc vừa qua. ADB không có dự án tại PMU18, nhưng có đầu tư vào PMU1.

Kiểm tra Ban quản lý dự án 1, ADB cho rằng sổ sách tài chính tại PMU này thực hiện đúng pháp luật và không tìm thấy sai phạm. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án 1 cũng có những vấn đề chưa hợp lý về mua sắm, quản lý, có nhiều tầng lớp hành chính phức tạp... nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. “Không phải PMU nào cũng tiêu cực như PMU 18”, đại diện ADB kết luận.

Theo Báo cáo chung của các nhà tài trợ về phát triển VN 2006, năm ngoái, Tổ chức minh bạch Quốc tế đã xếp hạng VN ở mức 2,6 điểm (thang 10 điểm) về chỉ số nhận thức chống tham nhũng, chỉ trên Philippines (2,5 điểm) và Indonesia (2,2 điểm).

Tuy nhiên theo Điều tra môi trường đầu tư thì VN lại được xem là nước có tham nhũng ít trầm trọng nhất so với các nước đang phát triển trong khu vực, trừ Malaysia. Bản thân các nhà tài trợ cũng đặt dấu hỏi: “Liệu kết quả xếp hạng ngược lại này có đáng tin?”

Lý giải điều này, các nhà tài trợ cho rằng có khả năng là các doanh nhân VN đơn giản là đã học cách sống với tham nhũng, đến nỗi không còn thấy đó là một hạn chế nữa. Tổng số hối lộ mà các doanh nghiệp VN chi trả không cao so với các nước đang phát triển khác nếu xét trình độ phát triển của VN.

Theo Phan Anh
VnExpress