1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tham nhũng nghiêm trọng, nhưng nhiều nơi 5 năm... “trống” án

(Dân trí) - “Số vụ án tham nhũng được điều tra, xét xử trong 5 năm qua có xu hướng giảm trong khi tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Nhiều nơi, 5 năm qua không phát hiện được vụ nào” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.

Sáng nay 7/3, Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về Phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 khai mạc. Báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trình bày nêu nhiều mâu thuẫn, nghịch lý  trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Chưa có thực tế cán bộ từ chức do trách nhiệm
Tham nhũng nghiêm trọng, nhưng nhiều nơi 5 năm... “trống” án
3 ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.

Báo cáo khái quát, kết quả thực hiện Nghị quyết được chỉ ra cụ thể như về xử lý trách nhiệm nguời đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Trong 5 năm (2007-2011) cả nước có 652 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 97 trường hợp, xử lý kỷ luật 555 trường hợp. Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu gặp nhiều khó khăn, số trường hợp được xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Nhưng điều này cũng đã có tác dụng răn đe nhất định.

5 năm qua cũng đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch tài sản, thu nhập và trả lương qua tài khoản. Đến nay cả nước đã chuyển đổi vị trí công tác của 147.292 cán bộ, công chức, viên chức. Số đơn vị, cơ quan thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 54%. Việc kê khai tài sản, thu  nhập cũng được triển khai. Đây được coi là một trong số biện pháp để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

5 năm qua đã có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị, tổ chức với tổng giá trị gần 1,8 tỉ đồng. Việc công khai, minh bạch trong họat động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng đã đựoc đẩy mạnh, nhất là ở các lĩnh vực trọng điểm.

Tuy nhiên, tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ vẫn còn nghiêm trọng; nạn “chạy chức, chạy quyền” vẫn gây bức xúc. Chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” chưa đi vào cuộc sống. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm, nhiều nơi né tránh. Việc kê khai tài sản chưa có tác dụng do chưa được công khai rộng rãi, nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản và các tài sản có giá trị khác.

Ngoài ra, công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng vẫn còn yếu kém. Số vụ án tham nhũng được điều tra, xét xử trong 5 năm qua có xu hướng giảm trong khi tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Nhiều nơi 5 năm qua không phát hiện được vụ nào. Việc giải quyết các vụ án tham nhũng hay xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần; một số trường hợp hoãn xử, đình chỉ, cho tại ngoại thiếu căn cứ. Có xu hướng giảm nhẹ dần về tội danh cũng như đánh giá thấp tính nghiêm trọng của tội phạm. Số miễn xử lý hình sự hoặc cho hưởng án treo chiếm tỉ lệ cao.

Kỳ vọng quy định kiểm soát thu nhập cán bộ
Tham nhũng nghiêm trọng, nhưng nhiều nơi 5 năm... “trống” án

Đánh giá kết quả công tác PCTN nhiệm kỳ qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhận định chưa đạt yêu cầu và chưa đạt mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng vẫn cao và diễn biến phức tạp như đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, ngân hàng..

Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới, tham nhũng tiếp tục là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, đấu tranh PCTN vẫn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Tình hình trên đòi hỏi Đảng phải tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp mà Nghị quyết TƯ 3 đã đề ra; kiên quyết ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng.

Từ kết quả hạn chế, khiêm tốn của 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN dự kiến thời gian tới cần có những điều chỉnh, đổi mới. Theo đó, phải quyết liệt nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu, coi PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến trong nhiệm kỳ Đại hội XI. Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên, cán bộ, trước hết là người đứng đầu phải thực sự tiên phong trong PCTN, cam kết công khai trước dân về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng của mình.

Về cơ chế chính sách, báo cáo nhấn mạnh yêu cầu sớm ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng; bổ sung quy định nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, bảo đảm việc thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có. Thực hiện công khai danh tính những người tham nhũng, bất kể chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu.
 

Công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng đã được đẩy mạnh trong 5 năm qua. UB Kiểm tra TƯ Đảng đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý kỷ luật 4 ủy viên TƯ Đảng trong nhiệm kỳ X, 17 Bí thư, Phó Bí thư, ủy viên Ban cán sự Đảng UBND các tỉnh thành, các bộ ngành; 2 bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐQT tập đoàn kinh tế Nhà nước.

5 năm qua thanh tra các cấp, ngành đã triển khai gần 63.000 cuộc thanh kiểm tra, đã kết thúc trên 52.600 cuộc. Qua đó đã kiến nghị xử lý luật hành chính đối với 1.600 tập thể, gần 12.000 cá nhân; phát hiện thiếu sót, sai phạm về tài chính gần 52.000 tỷ đồng, trên 7 triệu USD. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can, truy tố trên 1.600 vụ, gần 3.900 bị can…

P.Thảo