“Tham nhũng ngàn tỷ, nhận án tử hình cũng chưa công bằng cho xã hội”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận bức xúc vì đất nước khó khăn, nhiều công trình, dự án dân sinh như kè chống sạt lở, chống lũ lụt, thiên tai… không có tiền để làm thì những vụ tham nhũng dễ dàng thổi “bay” hàng ngàn, thậm chí chục ngàn tỷ đồng. Hành vi gây thất thoát đó, dù có nhận án cao nhất là tử hình, theo đại biểu cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa đảm bảo công bằng cho xã hội.

Ma tuý tấn công toàn xã hội

“Tham nhũng ngàn tỷ, nhận án tử hình cũng chưa công bằng cho xã hội” - 1

Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu con số, chỉ riêng tháng 4/2019, hơn 6 tấn ma túy đã bị phát hiện, bắt giữ.

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng 30/5, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) thể hiện sự vui mừng trước các kết quả kinh tế đạt được trong năm 2018. Song kinh tế tăng trưởng mà xã hội nhiều bất an khiến nhân dân rất lo lắng, khi chỉ mới trong vài tháng của năm 2019, hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan đến ma túy, ngáo đá đã xảy ra.

Đại biểu nhắc tới những vụ án điển hình như vụ cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại, vụ một cán bộ ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An, vụ 3 bà cháu bị sát hại bởi chính con đẻ, bố đẻ ở Long An và gần đây nhất là vụ con trai ra tay sát hại mẹ cùng những người thân trong gia đình ở TPHCM.

Bên cạnh đó, ông Hạ nhận định tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, thủ đoạn và hoạt động hết sức tinh vi. Chỉ trong quý I/2019 mà số vụ ma túy phá được lên tới hơn 6.500 vụ (lớn hơn cả năm 2018), trong đó có những vụ án lớn như vị triệt phá tập đoàn ma túy thu hơn 1 tấn ma túy ở TPHCM, vụ cả tấn ma túy đá bị vứt bên lề đường ở Nghệ An. Tính riêng tháng 4/2019, hơn 6 tấn ma túy đã bị phát hiện, bắt giữ.

Đáng lo hơn, thời gian qua, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an công bố việc phát hiện nhiều chất ma tuý mới chưa phát hiện ở Việt Nam, trong đó có chất gây ảo giác cực mạnh. Bằng thủ đoạn tinh vi, có những đối tượng dùng dẫn chất khác phối trộn với ma tuý, để khi thuốc đưa vào cơ thể thì mới phát tác tác động của ma tuý.

Ông Tạ Văn Hạ cho rằng, nhân dân đánh giá cao lực lượng công an và các cơ quan chức năng đã nỗ lực hết mình, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, xương máu, kiên quyết đấu tranh với tội phạm ma túy. Các cấp, các ngành phối hợp triển khai nhiều giải pháp đấu tranh phòng chống ma túy, pháp luật cũng quy định khung hình phạt cao nhất với tội phạm này, có những vụ án ma túy số người bị kết án tử hình lên tới cả chục người.

“Vậy tại sao cả hệ thống chính trị nỗ lực như vậy, sự trừng phạt của pháp luật nghiêm khắc là thế mà tội phạm ma túy diễn biến phức tạp? Nguyên nhân chính là do đâu?” – đại biểu nêu câu hỏi.

Đại biểu Hạ muốn Chính phủ có giải pháp nào căn cơ, hiệu quả hơn và có cam kết trước cử tri về việc đẩy lùi vấn nạn này. Đồng thời đề nghị Quốc hội cần tổ chức hoạt động giám sát về công tác phòng chống ma túy trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) bức xúc, liên tiếp những vụ tai nạn giao thông kinh khủng vì lái xe sử dụng ma tuý xảy ra thì cơ quan chức năng mới tính đến việc rà soát về tình trạng lái xe “ngáo đá”. Cùng với nhiều vụ án mạng nghiêm trọng liên quan tới ma tuý bộc lộ thời gian qua, công tác đấu tranh với loại “tội phạm của tội phạm” này càng cần cấp thiết tập trung.

Quan chức tham nhũng chấp nhận ngồi tù mấy chục năm cho vợ con sung sướng?

“Tham nhũng ngàn tỷ, nhận án tử hình cũng chưa công bằng cho xã hội” - 2

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu tại Quốc hội 

Về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề cập thực tế, việc thu hồi triệt để tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng còn hạn chế . Nghịch lý là khi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết  ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

“Các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh”, đại biểu Cà Mau nói. Song theo ông, hành vi gây thất thoát ấy, dù có phải nhận bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội. Với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng thì chúng ta sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua.

Vì thế, ngoài chế tài nặng thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đặt chuyện phòng chống tham nhũng trong công tác cơ cấu, sắp xếp đổi mới lại cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn. Theo đại biểu, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng thực tế, hoạt động này vẫn còn những điểm hạn chế.

Đại biểu Giang dẫn chứng, năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 doanh nghiệp hoàn thành; 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020, chiếm 23%, và 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, theo đại biểu còn có nguyên nhân chủ quan, đó là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, nhưng việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời.

 Việc cổ phần hóa còn thiếu công khai, minh bạch, "lợi ích nhóm", có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật, ông Giang đánh giá.

Sau đó, Phó chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật dẫn hàng loạt những sai phạm cụ thể trong quá trình cổ phần hóa. Đơn cử như với Cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ nêu rõ Bộ Giao thông vận tải với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinalines chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy nhơn không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt. 

Trong chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần cảng Quy nhơn, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành 2 văn bản cho phép Vinaline bán cho công ty hợp thành 75,01% cổ phần tại Cảng Quy nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ hủy bỏ 2 văn bản và kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy nhơn đã bán cho Công  ty Hợp Thành.

Ông Giang cũng nhắc lại sai phạm ở Tổng Công ty rượu bia, nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam…  Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ, "với cách làm trên đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước".

P.Thảo