1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Tham nhũng còn những “tảng băng chìm”

Mới đây, website Thanh tra Chính phủ lần đầu tiên công bố kết quả “bình chọn” <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/skphapluat/2007/1/160502.vip">10 vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn</a> trong năm 2006. Tuy nhiên, “tham nhũng trong thực tế còn “ẩn hiện” nhiều hơn cái đã lộ ra. Cái lộ ra thì người ta dễ thấy, nhưng còn những tảng băng chìm thì hiện nay chưa có dịp khui ra, phát hiện và xử lý...”.

Phó tổng thanh tra Chính phủ kiêm Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Mai Quốc Bình đã nói như thế khi trao đổi xung quanh việc bình chọn này.

 

Ông nói: “Thật ra đây là sự bình chọn dựa trên cơ sở ý kiến của người dân phản hồi thông qua website chính thức của Thanh tra Chính phủ. Cho tới nay, Thanh tra Chính phủ chưa có chỉ đạo chính thức nào trong việc xếp hạng và bình chọn thứ tự các vụ tham nhũng như vậy”.

 

Theo ông, kết quả bình chọn trên website Thanh tra Chính phủ có phản ánh đầy đủ thực tế tham nhũng đang diễn ra tại các ngành, các địa phương?

 

Tôi nghĩ kết quả đó cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng tham nhũng. Tham nhũng trong thực tế còn “ẩn hiện” nhiều hơn cái đã lộ ra. Cái lộ ra thì người ta dễ thấy, nhưng còn những “tảng băng chìm” thì hiện nay chưa có dịp khui ra, phát hiện và xử lý. Cho nên kết quả thăm dò đó chưa hẳn đã là đại diện, nhưng qua đó cũng có thể đánh giá.

 

Một số địa phương, bộ ngành không báo cáo và số địa phương, bộ ngành báo cáo không phát hiện tham nhũng, nên chăng việc này cũng cần được cụ thể hóa trong bảng “xếp hạng” tình hình tham nhũng?

 

Những địa phương chưa có báo cáo, chúng ta cũng không vội kết luận rằng nơi đó không có hoặc không phát hiện được tham nhũng. Ở đây, theo tôi, là do việc chúng ta khởi động, vận hành chưa đều, chưa đồng bộ, các địa phương chuyển động cũng chưa đồng bộ. Tuy nhiên, về phía Thanh tra Chính phủ sẽ có một tổ công tác nghiên cứu, đánh giá kỹ vấn đề này. Tôi tin mỗi địa phương đều có những “ẩn hiện” của tham nhũng, có điều họ chưa phát hiện, không phải là không có hay không phát hiện được tham nhũng. Sau quá trình khởi động này, sẽ tìm cách phối hợp và thúc đẩy, giúp các địa phương phát hiện tham nhũng tốt hơn.

 

Có ý kiến đề xuất nên xây dựng hệ tiêu chí và chỉ số đánh giá mức độ tham nhũng của các bộ ngành, địa phương để “đo” quyết tâm và nỗ lực phòng, chống tham nhũng. Ý kiến của ông ra sao?

 

Tôi nghĩ rằng có thể đánh giá sự nỗ lực phòng chống tham nhũng của các địa phương, nhưng còn đánh giá về mức độ tham nhũng của từng địa phương là cần hết sức cân nhắc. Ở đây cần phân định rõ hai vấn đề: đánh giá nỗ lực là một chuyện, nhưng đánh giá mức độ tham nhũng lại là một chuyện khác, nhất là khi đề cập tới những vi phạm, tham nhũng ở từng bộ ngành, địa phương.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ xem xét kỹ vấn đề này, nhưng chủ yếu là nghiêng về hướng các nỗ lực của địa phương trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng. Tất nhiên, không loại trừ có những nơi có tham nhũng mà ban chỉ đạo ở đó vì những lý do nào đó mà chưa triển khai một cách tích cực thì chúng tôi cũng tổng hợp đánh giá để báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng để có chỉ đạo cụ thể hơn.

 

Khi nào Thanh tra Chính phủ có thể đưa ra được tiêu chí đánh giá nỗ lực phòng chống tham nhũng của các bộ ngành, địa phương, thưa ông?

 

Chúng tôi đang bắt đầu khởi động trong năm 2007 và Thanh tra Chính phủ giao cho Cục Chống tham nhũng chủ trì. Tuy nhiên, việc này phải làm hết sức thận trọng.

 

Thực tế cho thấy ngành, địa phương nào bị “bêu dương” về mức độ tham nhũng, tiêu cực, buộc các ngành, địa phương đó phải tìm cách chấn chỉnh, cải tổ lề lối làm việc?

 

Theo tôi, nhận thức về phòng chống tham nhũng hiện nay đều có ở tất cả các cơ quan, đơn vị, đây là một thuận lợi cho quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhưng ở giai đoạn thứ hai - giai đoạn đi vào đấu tranh với tham nhũng, thực tế cho thấy có rất nhiều “ẩn hiện”. Do đó bước triển khai việc này đòi hỏi phải có một sự quyết tâm, kể cả những giải pháp mang tính tế nhị thuộc về từng ngành, từng lĩnh vực cần phải suy nghĩ. Đây cũng là yếu tố quyết định trong tiến trình thực hiện phòng chống tham nhũng.

 

Nhận thức về tham nhũng chắc ai cũng hiểu, nhưng khi đi vào chống cho bằng được tham nhũng thì lại không dễ. Nhiều khi biết nhưng chống rất khó. Ngay trong bản thân một con người biết rằng tham nhũng là sai nhưng khi có cơ hội, một số trường hợp vẫn cứ tham nhũng.

 

Qua các nguồn thông tin mà chúng tôi tổng hợp được, dư luận cho rằng có những người miệng nói chống tham nhũng quyết liệt, nhưng đôi khi nơi đó cũng là địa chỉ tham nhũng. Tham nhũng “ẩn hiện” trong cuộc sống là như vậy, vẫn có một khoảng cách.

 

Cục Chống tham nhũng xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên sắp tới là lĩnh vực đất đai. Ông có thể cho biết cục sẽ lưu tâm tới những vấn đề cụ thể gì?

 

Nói đến lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, người ta liên tưởng ngay tới đất đai. Nhưng nếu không mổ xẻ hết việc này thì rồi cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức chung chung. Qua thực tế ở một số đô thị thì đất đai thật sự là vấn đề đáng quan tâm. Vì sao? Cơ chế điều hành đã thiếu, ai cũng biết nhưng chưa ai đề xuất các giải pháp để thực hiện cơ chế đó nhằm thúc đẩy tính công khai, minh bạch. Chưa thể hiện một sự công khai, minh bạch nên dễ dẫn tới những vi phạm, tham nhũng dạng này cực kỳ phức tạp và rất khó phát hiện.

 

Ví dụ đối với mặt bằng có vị trí đẹp, ai là người được phép đầu tư? Nói một cách dân chủ, công bằng thì ai cũng có thể đầu tư vào đó. Nhưng thực tế khi duyệt, lựa chọn ai được đầu tư vào đó không phải là chuyện đơn giản. Ở đây tôi muốn nói đến cơ chế xin - cho đang ngự trị công khai hoặc tiềm ẩn dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

Ngoài lĩnh vực đất đai, trong năm 2007, Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ triển khai chống tham nhũng trên những “mặt trận” nào, thưa ông?

 

Nguồn thông tin đầu vào đối với chúng tôi có ý nghĩa quyết định rất lớn. Chúng tôi dự kiến sẽ có một trung tâm thông tin dữ liệu để tiếp nhận nhiều nguồn thông tin, gồm thông tin phản ảnh từ công dân; thông tin từ các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí; thông tin từ các đơn vị trong cơ quan Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở thông tin thu nhận được, chúng tôi sẽ báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trước khi triển khai thực hiện.

 

“Xếp hàng” 10 vụ tham nhũng đình đám nhất 2006

10 lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất 2005

 

1. Bùi Tiến Dũng và tiêu cực tại PMU18

2. Vụ chia đất Đồ Sơn

3. Vụ “biến nhà công thành nhà tư” ở Hà Nội

4. Vụ Nguyễn Đức Chi và dự án Rusalka

5. Vụ Nguyễn Lâm Thái và bưu điện 38 tỉnh, thành

 

6. Vụ ông Mạc Kim Tôn ở Thái Bình

7. Sai phạm ở Vietnam Airlines

8. Chia đất rừng ở Sóc Sơn, Hà Nội

9. Xà xẻo tiền cứu trợ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)

10. Gian lận trong thi cử ở Hà Tây.  

 

(*Nguồn: Kết quả “xếp hạng” các vụ tham nhũng lớn trong năm 2006 do website Thanh tra Chính phủ thực hiện)

1. Cơ quan địa chính nhà đất

2. Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu

3. Công an giao thông

4. Cơ quan, cán bộ tài chính, cán bộ thuế

5. Cơ quan quản lý/các đơn vị trong ngành xây dựng

 

6. Cơ quan cấp phép xây dựng

7. Y tế

8. Cơ quan kế hoạch và đầu tư

9. Cơ quan quản lý/các đơn vị trong ngành giao thông

10. Công an kinh tế

 

 

(*Nguồn: Kết quả điều tra tham nhũng do Ban Nội chính Trung ương thực hiện năm 2005)

 

Theo N.V.Hải - M.Quang
Tuổi Trẻ