1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tham nhũng: “Báo động đỏ” từ những Tổng công ty Nhà nước

Kết quả thanh tra các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị tại những Tổng công ty 90, 91 do Thanh tra Chính phủ tiến hành gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thất thoát tài sản công tại các tổng công ty nhà nước mạnh nhất nước...

Tuy chưa có số liệu phân tích cụ thể nhưng theo một cán bộ Thanh tra Chính phủ, sai phạm về kinh tế tại các Tổng công ty 90, 91 chiếm phần lớn trong các sai phạm mà toàn ngành thanh tra đã phát hiện ra.

Xét về doanh số, giá trị sản xuất và đóng góp cho nền kinh tế thì Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam là Tổng Công ty 91 mạnh nhất nước. Tuy nhiên, đây lại là Tổng công ty gần như cũng đang dẫn đầu về số bị can (18 bị can) trong một đường dây tham ô đặc biệt nghiêm trọng.

5 năm phát hiện 12.300 cán bộ tham nhũng.

Tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng trong các năm 2000-2004 của 46 tỉnh, thành phố và 20 bộ cho thấy: đã phát hiện và xử lý 8.808 vụ tham nhũng với trên 12.300 người.

Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra là 2.266 tỷ đồng, 6,9 triệu USD, 5.142 chỉ vàng, 4.900 ha đất và nhiều tài sản có giá trị khác.

Có 9.662 cán bộ có hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính.

Chỉ qua việc thực hiện 2 dự án thuộc loại nhỏ và trung bình, 8 bị can, trong đó có một nguyên Phó Tổng giám đốc đã làm thất thoát và chiếm đoạt 54,7 tỷ đồng.

Trước đó, tại Tổng công ty lớn thứ hai trên phạm vi cả nước - Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) - cũng đã xảy ra hàng loạt sai phạm, trong đó có những sai phạm diễn ra tại một số đơn vị thành viên lớn như Bưu điện Hà Nội. Trong số hàng chục bị can của vụ án, có hai vị giám đốc bưu điện tỉnh đã bị bắt.

Đến lúc này, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) - tổng công ty lớn thứ 3 ở phạm vi toàn quốc - đang được đánh giá là còn trong sạch so với “hai ông anh” trên. Dẫu vậy, tham ô, lãng phí, thất thoát trong dự án đầu tư, cải tạo lưới điện Hà Nội, Hải Phòng... cũng không nhỏ.

Theo một vị cán bộ Thanh tra Chính phủ, chỉ có qua thanh tra mới có thể khẳng định được EVN có sai phạm, tham nhũng hay không, vì số dự án của ngành này được thanh tra trong thời gian qua là ít. Nhưng, ông này cho biết, trong vụ mua bán lòng vòng 4.000 tấn thép đường dây 500 kV trước đây, Bộ trưởng Bộ Năng lượng khi đó, 1 Thứ trưởng, 2 Phó tổng giám đốc đã bị truy tố do tham nhũng.

Còn tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, số tiền tham ô của một thành viên chủ chốt của Tổng công ty này có khả năng đạt mức kỷ lục trong các vụ án tham ô đang được điều tra. Đó là chưa kể đến những khuất tất khác về đầu tư, tài chính ở Tổng công ty này sẽ được cơ quan thanh tra tiếp tục làm rõ.

Trước đây, những tổng công ty lớn như Than, Giấy, Xi măng, Hàng hải... cũng đều đã “có chuyện” khi cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra “viếng thăm”. Dĩ nhiên, hoạt động thanh tra không phải chỉ nhằm khui ra các trường hợp tham nhũng và không phải cứ có đoàn thanh tra “vào là đơn vị có chuyện”.

Song, kết quả thanh tra vừa qua cho thấy tham nhũng không chừa bất cứ nơi nào. Đơn vị rất mạnh, rất giàu cũng có tham nhũng; đơn vị đang phất cũng có tham nhũng; đơn vị kinh doanh loại “từ từ mà tiến” cũng có tham nhũng; mà đơn vị đang đi đến phá sản thì càng có tham nhũng. Sự việc đang diễn ra ở Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); ở đơn vị thành viên của Vinaconex; ở Seaprodex... là những ví dụ sinh động.

Các tổng công ty 91 là được xem là những “quả đấm” của nền kinh tế. Các tổng công ty 90 cũng là những doanh nghiệp chủ lực, sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng, là nơi quản lý khối tài sản khổng lồ của nhà nước.

Các tổng công ty này cũng là nơi được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, được ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, được tiếp nhận nhiều nguồn đầu tư lớn. Vậy nhưng sai phạm trong lĩnh vực này diễn ra nhiều; số tiền tham ô, thất thoát lớn tại sao? Và danh sách các tổng công ty 90, 91 có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực chưa dừng lại...

Theo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm