1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thăm ngôi miếu thờ 20 hành khách bỏ mạng trên dòng Lam

(Dân trí) - Đã 2 tháng trôi qua kể từ ngày đau thương nhất trong lịch sử lũ lụt miền Trung: một chiếc xe khách bị cuốn trôi, 20 người phải bỏ mạng. Chiếc miếu thờ được dựng bên bờ sông Lam như nhắc nhở về một nỗi đau thương mất mát khôn cùng.

Thăm ngôi miếu thờ 20 hành khách bỏ mạng trên dòng Lam - 1
Một ngôi miếu thờ đã được dựng lên chính nơi lực lượng chức năng trục vớt chiếc xe khách cùng thi thể các nạn nhân.
 
Những ngày đầu năm 2011, chúng tôi trở lại dòng Lam, nơi đây vào đầu tháng 10/2010 đã xảy ra vụ lũ cuốn xe khách định mệnh, lấy đi sinh mạng của 20 con người. Một nỗi khắc khoải cứ bám lấy những tài xế xe khách mỗi khi đi ngang qua đây. Rất nhiều tài xế và hành khách mỗi khi qua đây đều dừng lại thắp nén hương tưởng nhớ những người xấu số. 

Chiếc miếu thờ và ông chủ quán

Sông Lam ngày đầu năm mới 2011, nước sông nhuộm một màu đỏ quạch của ráng chiều, dòng nước lững lờ trôi, lặng lẽ bồi đắp phù sa cho hai bờ như thể nó đã hoàn toàn quên sạch ký ức đau thương mới cách đây vẻn vẹn 2 tháng.

Trong số 20 hành khách bỏ mạng trên dòng Lam, có hai thi thể đã vĩnh viễn nằm lại lòng sông, hòa tan thành những hạt phù sa màu mỡ bồi đắp cho ruộng đồng.

Thăm ngôi miếu thờ 20 hành khách bỏ mạng trên dòng Lam - 2

Với mong muốn để linh hồn các nạn nhân đỡ cô đơn, người đàn ông này đã dựng lên chiếc miếu thờ chung.

Chính nơi lực lượng chức năng trục vớt chiếc xe khách bị nạn và tiến hành khâm liệm thi thể của các nạn nhân xấu số, một chiếc miếu thờ đã được dựng lên. Những nén hương thơm tưởng nhớ linh hồn các nạn nhân đỏ suốt ngày đêm. Một chiếc xe khách biển số 47 dừng lại. Hành khách trên xe lặng lẽ xuống, đến bên miếu thờ thắp những nén hương với gương mặt thành kính. Anh Nguyễn Văn Ninh - huyện Krông Buk, Đăk Lăk - tâm sự: "Những hành khách trên chiếc xe này đều đến từ Đăk Lăk. Đi qua đây, chúng tôi thấy ngôi miếu thờ nên xuống thắp nén nhang tưởng nhớ linh hồn những người xấu số và cầu mong chuyến xe bình yên, đi đến nơi, về đến chốn".

Chúng tôi gặp anh Trần Văn Thành (thôn 2, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - người đã xây nên ngôi miếu thờ này với mong muốn "linh hồn nhưng nạn nhân đỡ cô đơn".

Thăm ngôi miếu thờ 20 hành khách bỏ mạng trên dòng Lam - 3

Hàng ngày, anh Thành dậy thật sớm, quét tước ngôi miếu cho khách thập phương dâng hương.

Vừa thu nhặt những đồng tiền âm phủ mà những người khách qua đường rải quanh miếu, dọn dẹp chiếc bàn thờ, châm thêm hương vào lư, anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xây miếu của mình.

"Sau khi thi thể các nạn nhân được khâm liệm và đưa về quê mai táng, một am thờ nhỏ được một người dân Hà Nội dựng lên ngay chỗ khâm liệm các nạn nhân. Chiếc am quá nhỏ trong khi lượng người đến viếng quá đông. Nhiều hôm hoa quả, bánh kẹo không có chỗ để, mọi người phải trải ni lông lên đất để cúng. Tôi lấy xi măng, cát xây một cái bàn dài ngay trước chiếc am để làm chỗ đặt đồ cúng", anh Thành cho biết.

Hôm đó khi đang xây bệ thì một người đàn bà lạ mặt tới làm lễ. Biết ý định của anh, bà góp 2 triệu đồng, bảo: "Anh cho tôi góp ít tiền để xây chiếc miếu rộng hơn làm chỗ hương khói cho các nạn nhân".

Thăm ngôi miếu thờ 20 hành khách bỏ mạng trên dòng Lam - 4

Anh Thuận - hàng xóm của anh Thành coi sóc ngôi miếu mỗi khi anh Thành có việc bận.

Cầm 2 triệu đồng của người đàn bà lạ, anh bàn với vợ đóng góp thêm tiền để xây chiếc miếu thờ và đảm đương luôn nhiệm vụ của một "ông từ". Mỗi sáng, anh dậy thật sớm ra quét dọn bàn thờ, thay những bông hoa đã héo, rót thêm nước vào những chiếc chén đã cạn, gom những đồng vàng mã đốt xuống cho người cõi âm. Nhưng lúc anh bận, chị Thủy vợ anh và một người hàng xóm tốt bụng vừa thay anh hương khói vừa bảo vệ ngôi miếu khỏi đàn bò đang mùa thả rông vào phá.

Chỉ vào chiếc hòm công đức để bên cạnh, như sợ chúng tôi hiểu nhầm, anh phân trần: "Những người khách qua đường thường không chuẩn bị kịp hương hoa, bởi vậy theo gợi ý của một người khách tôi đã dựng hòm công đức ở đây. Số tiền mọi người công đức tôi dành hoàn toàn để hương khói cho ngôi miếu này. Mình chỉ thay những người khách có tấm lòng tưởng nhớ người đã khuất thôi".

Câu chuyện về cây đa bên miếu thờ

Ngay sau ngôi miếu thờ, một cây đa trắng vừa được trồng. Đất ở gốc cây vẫn chưa kịp bạc đi nhưng vượt qua thời tiết khắc nghiệt của mùa đông nơi đây, cây đa vẫn tươi tốt. Những cành lá của nó đã bắt đầu vươn ra ôm trọn ngôi miếu thờ.

Xách nước tưới cây đa anh Thành kể: "Một hôm tôi đang chuẩn bị đồ thờ thì một người đàn ông đưa cây đa đến và nhờ tôi trồng hộ. Anh ấy ở bên thành phố Vinh sang. Anh ấy nói trong một lần qua đây, sau khi thắp hương, anh có hứa với linh hồn các nạn nhân là sẽ dâng một cây đa trồng ở đây để lấy bóng mát cho ngôi miếu đỡ cô quạnh.

Bẵng đi chục hôm, vì bận quá nhiều việc anh quên mất lời hứa của mình. Nhưng trong những giấc ngủ lời hứa hôm nào vẫn trở lại nhắc nhở nên anh đã quyết đi kiếm một cây đa tức tốc chở sang đây trồng. Điều anh áy náy mãi là chỉ tìm được cây đa trắng chứ không phải cây đa đỏ như anh đã hứa".

Thăm ngôi miếu thờ 20 hành khách bỏ mạng trên dòng Lam - 5
Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách qua đường dừng lại để viếng linh hồn các nạn nhân xấu số trong vụ lật xe khách tháng 10/2010 vừa qua.

Ngôi miếu mới chỉ hoàn thành từ một tháng nay, cây đa được trồng sau một chút. Mặc dù mới được hình thành nhưng đây dường như đã là mảnh đất thiêng đối với hành khách có dịp đi qua con đường này. "Không phải duy tâm nhưng từ khi có ngôi miếu, đoạn đường ni không có bất kỳ một vụ tai nạn mô xảy ra. Mọi người đã ý thức hơn trong khi tham gia giao thông rồi", anh Thành chia sẻ.

Màn đêm đang dần bao phủ, dòng Lam tím sẫm một màu. Ánh đỏ của những nén hương đang cháy dở sáng rõ trong đêm. Anh Thành hy vọng lắm, rằng ngôi miếu thờ này sẽ là lời cảnh tỉnh chân thực nhất cho những ai đang cầm vô lăng, nắm giữ sinh mạng sống của chính mình và biết bao con người.

Nguyễn Duy - Quang Anh