1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thăm “hotel chó, mèo” độc nhất vô nhị Hà thành

Từ đường Trương Định ồn ào, xô bồ, đi chừng mấy chục mét là tới nhà ông- người được mệnh danh là “ông vua” nuôi chó, mèo đất Hà thành, chủ một diện tích rộng tới 3.000m2, nơi cư ngụ của cả trăm chú chó, mèo dưới những tán cây rợp bóng.

Chưa hết “ồ” vì giữa đất Hà thành nội đô chật chội, đông đúc lại có một mảnh đất rộng đến thế, tôi lại thêm “à” khi được chủ nhà Nguyễn Bảo Sinh, giải thích: “Đây là mảnh đất thuộc địa phận 2 quận (Hai Bà Trưng và Hoàng Mai) và 3 phường (Trương Định, Hoàng Mai và Tương Mai)”.

 

“Độc nhất vô nhị”

 

Đập mắt du khách là cổng vào “Ao Phật- tề đồng vật ngã” (có nghĩa là người vật đều bình đẳng). Phía hồ sen, một pho tượng Phật Bồ Tát cao dễ chừng 5m, rồi Tiên đồng, Ngọc nữ phía sau. Chủ nhà còn xây cả Cửu trùng đài, tượng 18 vị La Hán xếp thành hàng hai bên tường rào. Một không khí thiền Phật.

 

Hotel chó, mèo rải vòng quanh ao. Các chú khuyển, miu đều có khoang riêng, rộng chừng 2 mét vuông, hàng ngày được chăm sóc cẩn thận nên chú nào nom cũng mượt lông.

 

Chó ở đây nhiều loại, nhỏ bé như loại Phốc, to lớn như Doberman, loại được săn đón nhiều như Béc- giê, Rottweiler.... Chó được chọn nuôi xem xét trước tiên ở sự trong sạch của dòng máu (lý lịch ông bà, bố mẹ chó), kế đến là tiêu chuẩn vóc dáng (ví như chó béc- giê đẹp nhất là cao không quá 60cm, cân nặng không dưới 40kg), với tiêu chuẩn như vậy thì chủ nhân có thể điều khiển dễ dàng, bởi chế độ ăn kết hợp cả hiện đại (thịt hộp, thức ăn khô...) và cổ điển (thịt, cá, rau...) tốn rất nhiều tiền.

 
Thăm “hotel chó, mèo” độc nhất vô nhị Hà thành - 1

Một góc khách sạn chó, mèo của ông Sinh. 
 

Ông Sinh cho biết, giá thành chó cũng nhiều loại, cao nhất trên thị trường hiện nay là khoảng... 200 triệu đồng, “mèng” cũng dao động từ 40-50 triệu. Hà Nội hiện nay có khoảng 5 người là chủ nhân những chú chó béc- giê giá 100 triệu đồng.

 

Rõ ràng, muốn sở hữu một chú chó cảnh đẹp thì đương nhiên phải nhiều tiền. Các đại gia ngoài sở hữu biệt thự lộng lẫy, xe hơi đời mới cũng không thể thiếu một chú chó làm sang! Từ năm 2000 lại đây, có mốt các quý cô thích chơi mèo cảnh như mèo Ả rập trên dưới 2 triệu đồng, mèo xù các loại chừng hơn 1 triệu.

 

Tôi lại thoáng giật mình khi  thấy những ngôi mộ chó, mèo với những tấm bia nho nhỏ đề Elber (2001-2008), Nhit (2005-2008)... trong nghĩa trang chó, mèo mà ông Nguyễn Bảo Sinh dựng lên dưới bóng cây râm mát. Được biết, “cụ” chó thọ nhất của ông là Pitơ, 20 tuổi. Nghĩa trang này ông dựng lên vì muốn tỏ lòng tưởng nhớ những con vật thân thiết.

 

Năm 2006, ông Sinh đã từng tổ chức ngày giỗ thứ 30 của A-mi, con chó béc-giê nổi tiếng của ông những năm thập niên 70- 80 của thế kỷ trước, được ông coi như tổ ngành nuôi chó kinh doanh. Một chú chó màu trắng, to cao nhất VN thời đó, mà ông đã mua với giá 1 cây vàng (số tiền có thể mua được 2.000 mét vuông đất Hà Nội thời điểm bấy giờ).

 

Tôi ngờ, đây là nghĩa trang chó, mèo duy nhất ở Việt Nam !

 

Chân dung “ông vua chó, mèo”

 

Ông Sinh vừa thượng thọ 70 tuổi, người tầm thước, khá hoạt khẩu. Những câu thơ ông  khắc trên đá vòng quanh ao Phật làm cho không ít người giật mình. Thơ lục bát của ông, cứ tưng tửng mà triết lý đáo để, kiểu như “Khi mê bùn chỉ là bùn/Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”... Đôi khi lại có yếu tố thiền mà Nguyễn Huy Thiệp đã mượn thơ ông vận vào vở kịch “Sang sông”: “Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến người đang trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/Sang về chẳng biết mình về hay sang”. Sang - về đã không đơn thuần là thực tại nữa mà khái quát đi - về của cuộc đời. 

 
Thăm “hotel chó, mèo” độc nhất vô nhị Hà thành - 2
Chân dung ông chủ. 
 

Nhiều người xếp ông vào dòng thơ dân gian, gần gũi với Bút Tre, đề cập nhiều vấn đề cuộc sống, nhưng không thiếu vỉa tầng triết lý, vui vui mà cũng chua cay, xót xa đấy. Ông thì tự nhận thơ mình là “tuý luý quyền”, có cái nghiêng ngả, ngất ngưởng của một thế võ. Ông đưa cho tôi xem cả tập thơ, ký (dạng bản thảo) ông viết về Hà Nội những năm chiến tranh, những kỷ niệm về thành phố thân yêu. Ông chỉ viết chơi chơi, cho bạn bè đọc vui mà chẳng muốn in ấn làm gì. Ông tự nhận “Làm thơ, nuôi chó, chọi gà/Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ”.

 

Thực ra, ông Bảo Sinh đã sống bằng nhiều nghề. Ông đã từng là võ sĩ quyền anh, người lính, giáo viên trường sỹ quan lục quân... Từ trước năm 1975, ông sống chủ yếu bằng nghề truyền thần, năm ngoái, ông đã tổ chức hẳn một triển lãm tranh truyền thần và đến giờ, ông vẫn còn cửa hàng truyền thần ở 51 Hàng Đào. Nhưng, nuôi chó mới là nghề ông gắn bó nhất và phất lên cũng từ nghề này. Trên gương mặt ông vẫn còn những vết sẹo khi là chú bé lên 5 trong một lần chăm sóc chó nhà mới đẻ, bị chó  mẹ tấn công.

 

Nuôi chó cũng có cơ duyên. Hồi còn bộ đội, ông đã nuôi 5-7 chú chó. Từ năm 1970, sau khi giải ngũ, ông đã lập ra trang trại chó tại tư gia, ban đầu có vài con. Những năm chiến tranh, nuôi chó bị cấm. Có lần bị kiểm tra, ông và chó trốn dưới ao cả tiếng đồng hồ, phát kinh vì đỉa bu đầy người. Nghe ở đâu có chó đẹp là ông sẵn sàng săn lùng, thậm chí “phi” xuống tận Hải Phòng rồi về ngay trong đêm 2-3 giờ sáng rét mướt.

 

Sau năm 1975, tình hình có đỡ hơn và từ năm 1986, dân nuôi chó Hà thành thở phào, có thể kinh doanh công khai. “Tôi phất lên nhờ nuôi chó nhưng tôi không chạy theo kinh tế, chỉ là vui chơi có thưởng thôi”- ông Sinh bộc bạch. Chả thế,  năm 1990, khi người ta đổ xô vào nuôi chó Nhật thì ông vẫn bình tĩnh  đầu tư với một số lượng vừa phải,  nên không sạt nghiệp như nhiều người.

 

Tới nay, địa chỉ 167 Trương Định, Hà Nội không chỉ là nơi cung cấp, phối giống chó, mèo mà còn là điểm đến khám chữa bệnh “mát tay” cho chó, mèo. Nhiều người đi vắng, đã yên tâm gửi gắm con vật thân quen vào “hotel chó, mèo” của Nguyễn Bảo Sinh.

 

Ông Sinh cười khà khà tiễn tôi ra cửa “Tôi chả bao giờ tự ái khi người ta gọi tôi là “Sinh chó” hay “nhà cẩu học”. Ơ hay, cái nghề của tôi là vậy, nuôi chó rất tốt đẹp chứ sao...”.

 

Theo Nguyên Trường

Nhân dân