1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thảm họa quốc gia

(Dân trí) - Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 37 người chết vì tai nạn giao thông, mỗi năm cả nước mất 3,9% GDP cho riêng tai nạn đường bộ. Chi phí cho thương tích và tử vong vì tai nạn giao thông trở nên “nặng gánh” với các gia đình và cả nền kinh tế.

Bởi thế tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2007 diễn ra vào hôm nay, 22/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên: Tai nạn giao thông đã trở thành “thảm họa quốc gia”!

Tai nạn gia tăng một cách đáng sợ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề: “TNGT là nỗi bức xúc của toàn xã hội, từng gia đình. Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cũng vì con người nhưng nếu để xảy ra nhiều người chết do TNGT thì nhiệm vụ của các cơ quan chức năng đã hoàn thành chưa? Chúng ta phải thực hiện nghiêm. Đến lúc này, đại biểu nào còn băn khoăn trong việc thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì xin mời vào Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Theo thống kê của UBATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2007 cả nước xảy ra 7.669 vụ TNGT, làm chết 6.910 người, bị thương 5.919 người. So với 6 tháng đầu năm 2006, tăng cả 3 tiêu chí với 86 vụ tai nạn (1,1%), tăng 464 người chết (7,2%), tăng 42 người bị thương (0,6%). 

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân khiến tình hình TNGT đang ngày một trở nên phức tạp: Công tác tuần tra kiểm soát, thanh tra, đang kiểm, đào tạo sát hạch lái xe xảy ra nhiều tiêu cực. Hiện tượng lái xe vi phạm tốc độ xảy ra phổ biến. Việc xóa bỏ các điểm đen trên các tuyến đường, xử lý còn chậm, thiếu trách nhiệm. TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô chở khách, xe container, xe mô tô vi phạm tốc độ, tránh vượt, lấn làn đường, vượt đường ngang đường sắt trái quy định.

Sẽ áp dụng biện pháp mới trong xử lý vi phạm TTATGT

Mất 3,9% GDP mỗi năm vì TNGT đường bộ

 

Theo thống kế của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trung bình cứ 100 nghìn người Việt Nam thì có tới 14 nạn nhân TNGT, chi phí cho thương tích và tử vong vì tai nạn trở nên “nặng gánh” với các gia đình và cả nền kinh tế.

 

Tác động về kinh tế của TNGT đường bộ tại Việt Nam được tính toán tương đương 3,9% tổng thu nhập quốc nội (GDP). Trong đó, mất mát về nguồn lực lao động "ngốn" 0,27% GDP, mất mát do thương tật và giảm sản lượng lao động làm mất đi 2,16% GDP, tác động lên hệ thống y tế tương đương 0,79% GDP...

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, hiện nay TNGT xảy ra trên các tuyến đường nông thôn tỉnh lộ, huyện lộ chiếm 50% TNGT trên cả nước. Ý thức của người tham gia giao thông trên các tuyến đường này cũng rất kém, trong khi đó lực lượng CSGT không đủ sức để tuần tra kiểm soát. Vì thế việc nhân rộng mô hình lực lượng công an xã tham gia xử lý vi phạm, mô hình mà Thanh Hóa đang áp dụng, cần được nhân rộng.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trung tướng Phạm Văn Đức và nhiều đại biểu khác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, PCT UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng hình ảnh lưu trữ; xử dụng camera cố định, di động làm tư liệu pháp lý xử lý vi phạm vì hình thức tuần tra kiểm soát của lực kượng CSGT và TTGT đã không theo kịp với những thực tế đang diễn ra.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của đại biểu các địa phương Hà Nội, TPHCM…

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, tình trạng phổ biến là người dân ngang nhiên vi phạm khi lực lượng CSGT vắng mặt. Theo đó, bà Hồng kiến nghị Chính phủ cần cho phép một số thành phố có quy chế riêng về xử lý vi phạm để phù hợp với vai trò, quy mô từng thành phố. Đặc biệt là trong khi chờ Chính phủ có quy định cụ thể, đề nghị cho phép TPHCM sử dụng phương pháp xử lý vi phạm ATGT bằng camera.

Ngoài ra, bà Hồng cũng kiến nghị Chính phủ nên giao thêm quyền cho Chủ tịch UBND thành phố giải quyết các vấn đề về ATGT bởi hiện tại các địa phương mất khá nhiều thời gian chờ đợi các biện pháp từ các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, cũng cần tăng mức bồi dưỡng cho lực lượng tuần tra kiểm soát ATGT bởi 700 nghìn theo quy định hiện nay là quá thấp. “Từ 2-3 năm nay, TPHCM đã chủ động chi cho anh em 1 triệu đồng/người/tháng” - bà Hồng cho biết.

Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Đảng có chỉ thị, Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết, các địa phương cũng có nghị quyết nhưng hiệu quả giảm thiểu TNGT chưa cao. TNGT thực sự trở thành “thảm họa quốc gia” vì thiệt hại mà nó gây ra không chỉ về người mà còn là tâm lý nặng nề của xã hội, trở thành gánh nặng của gia đình và cả xã hội.

Về việc các địa phương kiến nghị việc xử phạt bằng camera, Phó thủ tướng cho rằng muốn xử phạt phải có văn bản. Phải sửa văn bản, hòan thiện văn bản cho phù hợp với tình hình hiện tại. Đề nghị các đơn vị nghiên cứu ngay để chỉnh sửa. “Tôi sẵn sàng ngồi làm việc tới 12 giờ đêm, bất kể thứ bảy chủ nhật với các bộ ngành để giải quyết những vấn đề đó”- Phó thủ tướng nhấn mạnh. 

Làm thế này, kiểu gì chả tai nạn!

 

Đọc tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ nhiệm UBATGT tỉnh Đăklăk cho biết, 6 tháng đầu năm tại địa phương này có 61 ngàn phương tiện, trong đó có gần 60 ngàn xe máy đăng ký mới nhưng chỉ có khoảng 30 ngàn người được cấp GPLX. Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Vậy có nghĩa là còn hàng chục nghìn người không có bằng vẫn chạy xe. Thái độ của địa phương ra sao? Đã có biện pháp gì?

 

"Thưa Phó thủ tướng, số người chưa có giấy phép lái xe, Ban ATGT và lực lượng giao thông sẽ... tuần tra xử lý nghiêm. Địa phương cũng chỉ đạo cơ sở phối hợp các huyện xã làm tốt công tác tuyển sinh, đào tạo lái xe".

 

- "Nhưng nếu người không có bằng lái cứ ra đường thì sao?"

 

"Lực lượng tuần tra phát hiện thì phải xử lý. Nếu họ trốn thì… báo cáo Phó Thủ tướng, chỉ thông qua vận động tổ chức ký cam kết tại các gia đình và các cơ sở…"

 

"Gút" lại vấn đề, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói: "Các đồng chí ở địa phương phải bàn với nhau, có kế hoạch rất kiên quyết, tích cực chứ cứ như thế này thì làm gì chả tai nạn".  

Phúc Hưng