1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thảm họa hố tử thần ở “vùng đất cửa địa ngục”

Bao nhiêu đời nay, người dân xã Ninh Dân (Thanh Ba, Phú Thọ) đã gắn bó và mưu sinh trên vùng đất yên bình của tổ tiên ông cha để lại. Thế rồi sự lạ cứ liên tiếp xuất hiện, “cướp trắng” sự yên bình của người dân nơi đây.

Các “hố tử thần” sâu hoăm hoẳm, rộng thênh thang cứ liên tục xuất hiện như cánh cửa địa ngục đã bị thế lực siêu nhiên nào đó mở ra. Nền nhà sụt thành hố rỗng tuếch, cửa rả ngả nghiêng, tường trong tường ngoài nứt toác, cây cối, vật nuôi và cả ao cá… đột nhiên biến mất dưới lòng đất hun hút. Cuộc sống của người dân nơi đây bỗng chốc rơi vào hoang mang bế tắc!
 
Đang đuổi gà ngoài sân, bị hố tử thần nuốt gọn
 
Những năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay, tại xã Ninh Dân liên tiếp xảy ra các sự cố nứt, sụt, lún đất rất nghiêm trọng. Các hố tử thần liên tục xuất hiện, “nuốt” tài sản, đe dọa tính mạng và cuộc sống của người dân. Các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc điều tra, lý giải nguyên nhân của sự cố trên, giúp dân giải quyết khó khăn. Các khu di dân tái định cư đã được thiết lập, hơn 80 hộ dân cũng đã bắt đầu cuộc sống ở vùng đất mới. Và còn hàng chục hộ dân khác vẫn phải sống trên vùng sụt lún, hàng ngày thấp thỏm đối diện với “tử thần”.
 
Thảm họa hố tử thần ở “vùng đất cửa địa ngục”
Cuộc sống gia đình anh Quảng bỗng chốc hoảng loạn khi hố tử thần bằng cả gian phòng xuất hiện ngay trong đêm.
 
Câu chuyện xảy đến bất ngờ khiến gia đình anh Gia (khu 3) đến giờ vẫn còn sợ hãi, ám ảnh. Cậu con trai nhỏ của anh đang chạy trên sân đuổi mấy con gà vào chuồng trước khi trời tối thì đất dưới chân cậu bé rung chuyển rồi sụt thành hố lớn. Cậu bé bị nuốt vào lòng hố khổng lồ, toàn thân bị đất vùi lấp đến tận cổ. May mắn thay, cậu bé được gia đình phát hiện kịp thời rồi giải thoát. Gia đình anh nằm trong danh sách hơn 80 hộ dân di chuyển đợt 1, lúc sự việc xảy ra, ngôi nhà ở khu tái định cư chưa hoàn thành nên gia đình anh mới phải ở lại nhà cũ, suýt nữa tử thần đã bắt mất đứa con trai yêu quý của anh. Như thế, nguy hiểm vẫn đang từng ngày, từng giờ rình rập những người dân còn sống trên vùng đất này.
 
Lại có nhà nuôi được ao cá to sắp đến ngày thu hoạch, sáng hôm sau tỉnh giấc, cả nhà tá hỏa đi tìm ao nhà mình. Ở chỗ cái ao giờ chỉ còn là bãi đất trống, bị sụt lún thành hố sâu hoắm, hút sạch sành sanh cả nước lẫn cá xuống thẳng “địa ngục”.

Nửa đêm giờ tí canh ba nghe tiếng đất lở ầm ầm ở Ninh Dân là chuyện xảy ra như cơm bữa. Sáng tỉnh dậy, cây bàng hàng chục tuổi trước nhà biến mất dưới hố sâu, chỉ còn nhìn thấy mỗi ngọn cây. Đang đêm tỉnh giấc vì tiếng động lớn gõ cộc cộc vào nền nhà, bẩy một hòn gạch lên mới biết cả gia đình mình đang nằm trên cái miệng hố lớn bằng cả gian phòng - đó là sự việc đáng sợ đến giờ vẫn xảy ra ở rất nhiều gia đình ở xã Ninh Dân, như gia đình ông Bạch Hữu Vũ, ông Vũ Đức Cường, Đặng Văn Mót… ở khu 3.

Anh Bạch Hồng Quảng (con ông Bạch Hữu Vũ) kể lại: “Đang đêm chúng tôi nghe tiếng ùm ùm, sáng ra đi lại thấy sàn nhà phát ra tiếng bùm bụp, lấy xàbeng cậy thử thì cái xàbeng nó tụt luôn xuống dưới. Nếu không có lớp ximăng dày ở trên, chắc cả gia đình tôi đã tụt xuống cái hố sâu gần chục mét ấy…”

Gia đình bà Đỗ Thị Thành ở đầu khu phố được coi là khu vực an toàn hơn các gia đình kia, vậy mà, cuối năm 2012, đất sụt ầm ầm, một hố lớn chình ình xuất hiện giữa tầng 1 ngôi nhà cao tầng khiến gia đình bà hoang mang lo lắng. Bà Thành khóc lóc, nghi vấn: “Đất này cha ông để lại cho chúng tôi ở nhiều đời rồi, có việc gì đâu? Nếu con người không tác động đến, không nổ mìn phá đá thì làm sao đất sụt lún khủng khiếp thế này được? Tôi đã tích cóp cả đời để xây dựng dinh cơ hơn 1.000m2 đất, thế mà giờ họ bảo chúng tôi dời đi, cấp cho 100m2 đất, đền bù cho ít tiền, chúng tôi biết sống ra sao?”. Giải pháp bất đắc dĩ của gia đình bà Thành cũng như nhiều gia đình khác ở Ninh Dân là chấp nhận “sống chung với lũ”, san lấp các hố tử thần rồi tiếp tục sống ở đó mà không biết số phận sẽ đưa mình đi về đâu.

Những câu chuyện, những hình ảnh chúng tôi bắt gặp ở Ninh Dân bi hài đến mức khó tin. Hiếm có nơi nào, người ta lại lấy dây thừng buộc giữ tường, lấy cột chống giàn giáo cốp pha để chống đổ nhà như ở nơi này. Chị Lan là giáo viên tiểu học lâu năm, hai vợ chồng chị tích cóp mãi mới xây được ngôi nhà vững chãi tử tế, coi như “của để dành”. Thế rồi, sự cố sụt lún ở đâu bay đến vùng đất này, ngôi nhà ba tầng khang trang mà gõ vào nền gạch hoa nghe tiếng côm cốp như gõ vào chiếc thùng rỗng. Hố sụt xuất hiện ngay trong phòng ngủ, mà gia đình chị Lan chưa được di dời đi, chị đậy kín miệng hố lại rồi lặng lẽ sống trong sợ hãi ngay ở “cửa địa ngục”.

Gia đình hàng xóm chung tường, chung sân với gia đình chị Lan đã được hỗ trợ 100% giá trị tài sản và di dời ra khu tái định cư. Nhưng gia đình chị sẽ chỉ nhận được đền bù 50% giá trị vật chất kiến trúc nhà ở theo quyết định mới của UBND tỉnh Phú Thọ, sau khi có cuộc khảo sát địa chất lần hai và kết luận mới về nguyên nhân sụt lún ở Ninh Dân. Chị Lan cùng hàng chục hộ dân trong khu đang lo lắng, bần thần như những người “mất sổ gạo”.
 
Ninh Dân sẽ thành vùng đất chết?
 
Trong khi UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản yêu cầu các ban, ngành có liên quan phải hoàn thành việc di dời các hộ dân tại vùng sụt lún trong năm 2012 thì đến nay (giữa tháng 3.2013), 25 hộ dân của khu 3, xã Ninh Dân vẫn nơm nớp lo sợ sống trong khu vực cực kỳ nguy hiểm. Các vết nứt xuất hiện khắp nơi trong ngôi nhà của họ, từ trên trần nhà, trên tường đến sàn nhà…
 
Thảm họa hố tử thần ở “vùng đất cửa địa ngục”
Người dân bức xúc vì việc doanh nghiệp khai thác đá không đứng ra chịu trách nhiệm trước hiện tượng sụt lún nghiêm trọng ở Ninh Dân, dù cái hồ khai thác đá của họ đã sâu đến vài chục mét.
 
Nguy hiểm hơn, mỗi ngày, các vết nứt lại có dấu hiệu “há” to ra. Mùa mưa sắp đến, nguy cơ nhà cửa bị các hố tử thần “nuốt chửng” là rất lớn. Các hộ gia đình bà Vi Thị Dân, Phạm Thị Sản, Ma Thị Đào (khu 3)… đã “bỏ của chạy lấy người”. Họ để lại “cái xác nhà” nứt toác tiềm ẩn nhiều nguy cơ chết chóc kia, rồi phải bế con bồng cháu, khuân vác soong nồi bát đĩa đi thuê nhà ở trọ, sống vất vưởng ngay trên mảnh đất cha sinh mẹ đẻ của mình.

Hơn hai chục hộ dân còn lại liều mình “đánh đu trên sợi tóc”, kiên quyết bám trụ vì quyền lợi và sự công bằng của mình. Ngôi nhà cao tầng của gia đình bà Ngô Thị Toan ngả nghiêng, nứt nẻ đến kỳ dị, từ ngoài đường lớn nhìn vào, ngôi nhà lớn như bị ai đó dùng xàbeng bẩy ngửa về phía sau. Bà Toan bức xúc: “Tổng kiểm kê tài sản của gia đình tôi lên đến hơn 1,5 tỉ đồng, bây giờ họ chỉ bồi thường cho 50%, lại tạm ứng không quá 250 triệu thì chúng tôi chỉ xây được cái nhà tạm để ở, cuộc sống càng không đảm bảo…”.

Sau khi được chính quyền xã lập biên bản kiểm đếm, giá trị tài sản của nhiều gia đình ở Ninh Dân lên đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng. Trước đây, khi Viện Mỏ địa chất - khoáng sản tiến hành khảo sát và kết luận nguyên nhân chủ yếu của sụt lún là do việc nổ mìn khai thác đá của Công ty ximăng Sông Thao đã tác động mạnh mẽ vào địa tầng kết cấu đá vôi vốn đã yếu của vùng này, doanh nghiệp khai thác đá đã phải đứng ra bồi thường 100% giá trị tài sản cho hơn 80 hộ dân để họ di dời đến khu tái định cư. Tuy nhiên, sau cuộc khảo sát lần hai, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã có kết luận nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún là do “thiên tai”, kết cấu địa hình của vùng xung yếu, dễ nhạy cảm với tai biến sụt đất… nên doanh nghiệp khai thác đá ximăng sông Thao đã trở thành “vô can”, không nhận trách nhiệm, đứng ngoài hàng loạt khó khăn và nguy hiểm đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây. Việc di dời và đền bù tài sản cho các hộ dân còn lại đến nay đã hoàn toàn trở thành trách nhiệm của nhà nước(?!).

Việc UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định ngày 29.11.2012 ghi rõ: “Hỗ trợ xây dựng nhà ở mới tại khu tái định cư số 02: Mức tạm ứng bằng 50% giá trị vật chất kiến trúc nhà ở… nhưng tối đa không quá 250 triệu đồng một hộ” có phần chưa thỏa đáng, bởi số tài sản của nhân dân là rất lớn, là mồ hôi công sức cả đời phấn đấu mới có được. Họ cần được đền bù xứng đáng khi mảnh đất của họ xảy ra “sự cố” không ai mong muốn này.

Trong khi người dân nóng lòng chờ đợi Thủ tướng Chính phủ ban hành một cơ chế chính sách đặc thù cho dân vùng sụt lún thì việc đưa ra quyết định tạm ứng kinh phí như trên đã làm người dân xã Ninh Dân không khỏi bất bình. Họ “vác” đơn thư đi gõ cửa khắp các phòng ban của huyện, tỉnh, mong muốn chính quyền sớm ra tay “cứu” họ khỏi vùng đất tử thần. Thế nhưng, họ chỉ nhận được những câu trả lời lấp lửng hoặc lời từ chối tiếp xúc.

Thiết nghĩ, dù Ninh Dân là vùng đất yếu, nhưng nếu không có sự tác động mạnh của con người thì hiện tượng sụt lún đất cũng không nghiêm trọng đến mức làm tan tác cả một vùng dân cư trù phú, đông đúc như Ninh Dân, người dân cũng không “bơ vơ” trong hiểm nguy như hiện nay. Việc doanh nghiệp khai thác đá không đứng ra nhận trách nhiệm với các hộ dân còn lại ở Ninh Dân quả thực là điều khó chấp nhận được và cần phải xem xét lại.

Cách khu 3, khu 4 của xã Ninh Dân không xa là khu vực khai thác đá (trực thuộc Nhà máy ximăng sông Thao) nay đã thành lòng hồ sâu đến 40 - 50m, hệ thống máy bơm nước hoạt động liên tục 24/24 giờ để bơm nước ra khỏi lòng hồ, tạo mặt bằng khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất ximăng. Những tiếng nổ xé trời của hàng tấn thuốc nổ “đánh đá” vang lên mỗi ngày khiến đất đai rung chuyển, nhà cửa nứt toác, bụi đá bốc lên mù mịt, trẻ con giật mình khóc thét... và hàng chuỗi những hậu quả đã nhìn thấy được mà bà con Ninh Dân đã phải gánh chịu hàng năm qua vẫn chưa một ngày nào giảm đi mức độ nguy hiểm của nó.

Câu hỏi được đặt ra là lợi ích của một doanh nghiệp có đáng để đánh đổi bằng sự an toàn tính mạng của hàng trăm hộ dân, môi trường sinh thái bị hủy hoại, sự ô nhiễm âm thanh và không khí của cả một vùng dân “an cư lạc nghiệp” bao nhiêu đời nay hay không? Câu trả lời xin được nhường lại có các cơ quan chức năng.
 
Theo Đức Vân
Lao động