1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thăm gia đình 6 chị em mồ côi

(Dân trí) - Hàng ngày mấy đứa lớn theo dì đi nhặt ve chai, kiếm tiền nuôi mình, nuôi em. Tối về mấy chị em lại dắt nhau đến lớp học tình thương để thỏa ước mong đến trường.

Ngôi nhà xây dở...

 

Chúng tôi đến thăm gia đình sáu chị em mồ côi vào buổi chiều nắng gắt. Màu thâm lởm chởm của bức tường gạch vồ chưa kịp trát hút hết ánh sáng khiến căn nhà trở nên tù túng. Mất điện, căn nhà tối và thấp hầm hập nóng. Căn nhà này ba má các em phải vất vả chắt chiu mãi mới xây được. Xây chưa xong thì má mất, rồi ba cũng ra đi, để ngôi nhà cứ dang dở mãi...

 

Gia đình các em vốn là dân vạn chài sông An Cựu. Ba các em làm nghề đánh cá, mò ốc hến và đủ mọi nghề khác để kiếm tiền nuôi con. Má đêm đi đánh cá cùng ba, sáng mang lên chợ đổi gạo, chiều đi làm giúp cho người ta. Khi rỗi lại đi nhặt rác kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng như tất cả dân vạn đò khác, nhà lúc nào cũng túng thiếu. Năm đứa con lần lượt ra đời: Mai Thị Bé sinh năm 1987, Mai Thị Bê - 1989, Mai Thị Thi - 1992, Mai Thị Chuột - 1995 và Mai Văn Hòa - 1998.

 

Rồi dành dụm mãi, ba má cũng mua được miếng đất trên bờ ở số 2, kiệt 115, đường Tôn Quang Phiệt, thành phố Huế. Hai vợ chồng mừng lắm, gắng làm cái nhà giúp các con thoát cảnh sống lênh đênh. Nhưng rồi má sớm ngã bệnh do sông nước nhiều, làm lụng vất vả. Căn nhà chừng 32m2 vừa kịp thành hình thì má mất.

 

Để có người chăm lo cho đàn con nhỏ dại, ba đi bước nữa. “Tôi về năm 2001, vợ chồng gắng sức nuôi các con khôn lớn. Sau ba năm mới dám có thêm đứa con cho đẹp nghĩa ấm lòng. Vậy mà một năm sau anh ấy cũng mất, để lại đàn con nheo nhóc. Thực lúc đó tôi cũng không biết phải làm thế nào”, cô Hiệp, người vợ sau của ba, kéo vội chiếc quai nón chấm giọt nước mắt, tâm sự.

 

"Mồ côi tội lắm ai ơi!"

 

Trụ cột trong gia đình không còn, 6 đứa trẻ mồ côi và người mẹ kế cùng dựa vào nhau mà sống. 

 

Hàng ngày cô Hiệp đi nhặt ve chai nuôi con mình, con chồng; tối lại tranh thủ đi kéo cá sáng mai lên chợ bán. Các em, nhỏ thì theo phụ giúp dì, lớn đi làm thuê cho người ta nuôi các em. Bê, Thi có khuôn mặt đầy đặn, nhanh nhẹn, nhưng tuổi thơ đã sớm bó chặt trong lo toan cơm áo. Hai em xin phụ bán hàng ở chợ Bến Ngự, mỗi tháng được 500-600 ngàn đồng. 

 

Đã nghèo, mồ côi, con chữ khó có đường tìm đến. Hai cô con gái đầu không được đi học. Thi, Hòa khá hơn, được học ở lớp tình thương. Riêng Chuột được theo học như chúng bạn từ thời còn ba má. Thuận, người con của ba với dì Hiệp, nay mới đến tuổi mẫu giáo, vẫn ở nhà.

 

Tuy vậy, mấy chị em đều ham học và học khá. Chuột năm nào cũng đem giấy khen về nhà. Hỏi về ước mơ, Chuột bỡ ngỡ: “Em cũng không biết mình ước cái gì nữa, em không dám ước. Em chỉ thấy người đi học rất sướng nên cũng gắng học tốt sau này đỡ khổ”. Còn Thi tối nào cũng về ăn cơm vội rồi dắt em đến lớp. “Em chỉ mong học chữ để đỡ thua thiệt với bạn bè, đỡ bỡ ngỡ với cuộc sống, hy vọng sau này bớt cực hơn”.

 

Gia sản giá trị nhất trong nhà là cái xe đạp, ngoài ra còn có một cái tủ đã cũ, một nồi cơm điện Trung Quốc và một cái quạt điện. Cả 7 con người mà chỉ có một chiếc giường ngủ. Nằm chật thì trải chiếu xuống đất.

 

Cô Hiệp mới 31 tuổi nhưng khuôn mặt đã nám đi vì lo toan, sương gió. Cô quyết gạt những đam mê của một “phụ nữ tuổi 30” và “gái một con” để ở lại chăm lo cho 5 người con riêng của chồng. Người mẹ kế trẻ ấy ngậm ngùi: “Nhà tôi đã khổ rồi, mong ước làm gì cao sang cơ chứ. Mấy đứa lớn rồi cũng phải lấy chồng, thương mấy đứa nhỏ rồi đây không được đi học sẽ khổ”.

 

“Mấy đời bánh đúc có xương” - không bao giờ đám trẻ mồ côi mảy may nghĩ đến. Hay cái tâm của người nghèo, người khổ đã khiến câu ca dao xưa không còn giá trị trong hoàn cảnh này!

 

Vân Đình - Hoàng Quân