1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thăm dòng họ cao lênh khênh ở Hà Nam

Thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ, Phủ Lý (Hà Nam) được nhiều người gọi là "làng cao kều" bởi nơi đây có nhiều người cao lênh khênh. Nổi bật là hai anh em tuyển thủ bóng chuyền Ngô Văn Công và Ngô Văn Kiều, thuộc dòng họ Ngô trong thôn.

Dòng họ lênh khênh

Thăm dòng họ cao lênh khênh ở Hà Nam - 1
Gia đình VĐV Ngô Văn Kiều.
 
Ông Ngô Văn Quả, thuộc dòng họ Ngô, tự hào cho chúng tôi biết, trong họ có lẽ ông là người thấp nhất. “Con trai tôi hiện đang học đại học trên Hà Nội cũng cao 1,8m, trong khi đó tôi chỉ cao có 1,69m”, ông Quả nhìn vào mình cười.

Ông Trương Trung Kiên, trưởng thôn Đình Tràng cho biết, thực ra người cao trong thôn chỉ tập trung vào một hai dòng họ, trong đó nổi trội là dòng họ Ngô Văn. Trong dòng họ này, "khổng lồ" nhất là 4 anh em trai Ngô Văn Ca, Ngô Văn Canh, Ngô Văn Công và Ngô Văn Kiều. Người thấp nhất trong 4 anh em cũng tới 1,85m.

Ông Kiên chỉ đường cặn kẽ để chúng tôi tìm nhà bà Ngô Thị Cà, người mẹ của 4 người con được coi là rất cao kia, trong đó có hai vận động viên bóng chuyền xuất sắc Ngô Văn Công và Ngô Văn Kiều.

Gần buổi trưa nên bà Ngô Thị Cà đang lúi húi làm cơm trong bếp. Anh Ngô Văn Ca, con cả, cao 1,9m tiếp chúng tôi. Khi đề cập đến chiều cao, anh tự hào cho biết: “Riêng trong 4 anh em, tôi là người cao thứ ba trong nhà, thấp nhất là cậu Ngô Văn Cảnh, cũng ngót nghét 1,85m. Cao nhất là Kiều, giờ có khi cậu ta phải cao 1,97m”.

Lý giải về chiều cao lý tưởng của gia đình, anh Ca cho biết: "Hầu như anh em tôi đều thừa hưởng từ gen bố mẹ. Mẹ tôi, các anh thấy đó, bà cũng rất cao, tới 1,8m. Do đó, anh em chúng tôi cao thế này cũng là chuyện bình thường".

Kết thúc câu chuyện với anh Ca cũng là lúc bà Ngô Thị Cà (mẹ anh) lo xong bữa cơm trưa. Vừa gặp chúng tôi, bà cười hiền nói: "Gia đình nhà tôi ai cũng cao lắm. Bố mẹ tôi sinh được 9 người con, tôi là thứ ba trong nhà. Anh em chúng tôi đều cao trung bình khoảng 1,80m".

Rồi bà kể thêm, những người trong gia đình bà có chiều cao vượt trội từ nhiều đời trước. Bà ngoại cũng cao 1,8m, ông nội cao 1,78m. Bà Cà cao 1,8m, nên mấy cậu con trai cao như thế là chuyện cũng dễ hiểu.

Ngồi bên cạnh, em gái bà Cà thêm vào: "Trong họ tôi cũng có tới 20 người cao trên 1,8m. Phụ nữ như tôi cũng đã cao 1,76m…".

Vui buồn chiều cao vượt trội

Thăm dòng họ cao lênh khênh ở Hà Nam - 2
Anh Ngô Văn Ca (trái) một trong 4 anh em của VĐV Ngô Văn Kiều.
 
Theo anh Ngô Văn Ca, trong cuộc sống hàng ngày, với chiều cao của mình, đôi khi rất có lợi, nhưng ngược lại, chính chiều cao quá mức nhiều khi cũng cảm thấy bất lợi nhiều hơn.

Vừa dứt lời, anh chạy vào trong nhà lấy ra đôi giầy hàng ngày anh đi cho chúng tôi xem. “Ở đất Hà Nam này thì kiếm đâu ra đôi giầy to ngoại cỡ như thế này? Đó cũng là điều rất bất tiện cho những người có chiều cao như chúng tôi”, anh Ca chia sẻ.

Bần thần lúc lâu anh nói thêm: "Ngay như quần áo mình mặc hàng ngày, tất cả đều phải đặt may. Chiếc giường mình nằm cũng phải đặt riêng. Thế nhưng, khi chú Kiều về thì chiếc giường này lại ngắn quá, nên chú ấy đành phải ngủ dưới đất".

Nhớ lại tuổi thơ của các con, bà Cà buồn rầu kể: mấy người con của bà theo nghiệp thể thao đến nay đã 11 năm rồi. Ngày đó, nhà bà nghèo, mấy người con buổi đi học, buổi về giúp mẹ làm cám đánh tôm. Bà nhìn mấy đứa con ngồi giã cám cho mẹ, đầu gối đứa nào đứa nấy cao quá tai, gầy như cây sậy thì sốt ruột lắm. Cũng may là dù ăn uống kham khổ, song mấy người con đều khỏe mạnh, cao lớn.

Nhớ lại cái ngày người bác ruột, công tác trong tận miền Nam, ra ngoài này đưa các con vào trong đó theo nghiệp vận động viên, bà Cà kể vui: “Thực ra, thằng Kiều nhà tôi đá bóng tốt hơn chơi bóng chuyền, nhưng khi bác đưa vào đó thì khổ một nỗi chân nó to quá, đi giầy đá bóng không vừa nên đành phải để nó theo nghiệp bóng chuyền".

Vừa kết thúc câu chuyện cũng là lúc cậu bé con anh Ca đi học về. Thấy cháu, bà Cà nói: "Cháu mới 3 tuổi nhưng đã cao đến 1,5m rồi các chú ạ. Không biết sau này có nối nghiệp được chú nó không?”.

Theo Thanh Lê
VTC News