1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thăm đảo cò và vạc “đổi ca” nhau

(Dân trí) - Nằm cách thành phố Hải Dương chừng 30km, đảo cò Chi Lăng Nam (thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện) nổi giữa lòng hồ An Dương rộng trên dưới 4ha, mang trong mình những truyền thuyết lạ kỳ.

Thăm đảo cò và vạc “đổi ca” nhau  - 1
Cảnh cò và vạc đổi ca nhau mỗi buổi sớm mai.
 
Trong khi những vườn cò như vườn cò Lạng Giang (Bắc Giang), vườn cò Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đều do những cá nhân sở hữu và đang gặp không ít khó khăn về bảo tồn thì tại Hải Dương lại tồn tại một đảo cò “độc nhất vô nhị” ở huyện Chi Lăng Nam, được chính quyền địa phương và nhân dân bảo tồn cực kì nghiêm ngặt.

 

Người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau câu chuyện nửa thực nửa hư rằng, vào khoảng thế kỷ 15, nơi đây vẫn còn là những đồng ruộng trũng mênh mông, nổi trên giữa cánh đồng trũng ấy là một gò cao, bên trên có dựng một ngôi đền cũng không biết có từ bao giờ. Bỗng một năm, nước lũ lớn chưa từng có làm vỡ đê sông Luộc, nước tràn vào ngập trắng cả một vùng. Xung quanh gò đất nhô cao giữa cánh đồng trũng bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ. Qua một đêm, ngôi đền trên đỉnh gò cao đó bỗng dưng biến mất. Nước không bao giờ rút nữa tạo thành một hồ lớn, nơi trước kia là ngôi đền hình thành một đảo nhỏ. Người dân coi đây là vùng nước thiêng, không bao giờ tát được cạn nên không biết nó sâu như thế nào.

 

Cách đây khoảng mấy chục năm, cò và vạc bắt đầu đến trú ngụ ở đảo rồi đến mỗi ngày mỗi nhiều. Vì đây là vùng đất bỏ hoang nên những người săn cò kéo đến ngày càng đông. Để bảo vệ đảo cò, chính quyền địa phương đã quyết định cấm săn bắn cò, xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên đảo cò kỳ thú.
 
Thăm đảo cò và vạc “đổi ca” nhau  - 2
Câu cá trên hồ nơi cò và vạc sinh sống, sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên thật yên bình

 

Ông Đào Ngọc Phong - Phó phòng văn hóa huyện Thanh Miện - cho biết: “Từ ngày chính quyền địa phương chính thức thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đảo cò này, cò vạc kéo về đông không kể xiết. Đặc biệt vào mùa đông, lượng cò vạc gồm hàng chục loại lên đến hàng chục vạn con đậu kín hết đảo. Chúng tôi phải thường xuyên trồng bổ sung các khóm tre cho cò trú đậu. Trước đây, trong khu vực đảo cò có 7 hộ dân sinh sống. Nhưng chúng tôi đã tiến hành di dời các hộ dân và tỉnh đã phê duyệt qui hoạch đảo cò lên đến 70 hecta trong nay mai”.

 

Thời điểm hấp dẫn nhất để chiêm ngưỡng đảo cò Chi Lăng Nam là buổi sáng sớm và chiều tối. Vào thời điểm này sẽ diễn ra sự “đổi ca” giữa cò và vạc. Nghĩa là buổi sáng vạc kiếm ăn về, còn cò lúc đó mới đi kiếm ăn. Có một điều đặc biệt là dù những buổi đổi ca này vô cùng nhộn nhịp nhưng rất trật tự. Cò và vạc không bao giờ tranh giành nhau thức ăn và chia phiên nhau để trông giữ đảo, tránh mọi kẻ thù như chuột, cú mèo. Vì thế không một kẻ thù nào đến được gần đảo để bắt chim non và trứng.

 

Dù đảo cò rất gần với những vườn cây um tùm của những hộ dân xung quanh nhưng không một chú cò nào “đậu nhầm” vào các vườn cây khác. Rất nhiều hộ dân muốn cò đậu vào vườn nhà để lấy may bằng cách trồng cây cao sát tường vây nhưng cũng không “mời” được cò về nhà.
 
Thăm đảo cò và vạc “đổi ca” nhau  - 3
Đảo cò hớp hồn du khách.

 

Góp phần bảo vệ đảo cò quí giá này, ngoài chính quyền địa phương còn có công sức không nhỏ của người dân nơi đây. Bởi họ coi đảo cò là điềm lành, là vùng đất thiêng liêng của cả làng.

 

Ông Nguyễn Thanh Tấn, một người dân trong làng chia sẻ: “Đảo cò này là may mắn của cả làng tôi. Từ khi cò về ở ngày càng đông thì trẻ nhỏ tròng làng học hành tấn tới, người già ít đau bệnh, nhà nào cũng ăn nên làm ra, vì thế chúng tôi kiên quyết bảo vệ đảo cò”.

 

Du khách đến đảo cò Chi Lăng Nam chỉ mất 6.000 đồng cho một chuyến đò đi vòng quanh cả đảo, được tận mắt chứng kiến cả “rừng cò”, những ổ trứng cò san sát và cò con tập truyền cành tíu tít trong những búi tre. “Chúng tôi mở cả dịch vụ câu cá ở hồ tự nhiên này. Du khách đã bắt đầu đổ về ngày càng đông”, ông Đào Ngọc Phong hồ hởi cho biết thêm.

 

Ngoài ra, vì hồ An Dương rộng mênh mông và chưa bao giờ cạn nước nên ở đây có những con cá khổng lồ. Năm ngoái, người dân địa phương đã bắt được con cá măng nặng hơn 30 kg. Đầu năm nay, một du khách từ Hà Nội đến hồ lại câu được một con trắm đen nặng xấp xỉ 30 kg. Ngoài ra, nguồn cá tôm trù phú trong hồ là nguồn thức ăn vô tận giúp bảo tồn đảo cò quí báu này.

 

Thế Cường