Thăm chợ hoa “trên bến dưới thuyền” ở TPHCM
(Dân trí) - Trong 68 điểm chợ hoa Tết năm nay được tổ chức ở TPHCM, đặc sắc nhất có lẽ vẫn là các hàng hoa bố trí dọc tuyến bờ kè Bến Bình Đông (quận 8) với điều kiện đặc thù của vùng sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền”.
Bến thuyền hoa giữa phố thị
Dù đến ngày 3/2 thì chợ hoa Tết mới chính thức khai mạc nhưng trong những ngày này, hàng trăm ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây đã theo dòng sông Vàm Cỏ hoặc sông Nhà Bè rồi vào kênh Tàu Hủ, chuyển hàng chục vạn chậu hoa cảnh tập kết về chợ hoa bến Bình Đông để cung cấp cho thị trường hoa Tết ở TPHCM.
Tính đến ngày 31/1 đã có hơn trăm gian hàng hoa được tập kết tại bến này. Từ sáng đến chiều vẫn có thêm nhiều thuyền hoa ghé về đậu bến, từng chậu hoa được chuyển lên bờ, sắp ngay ngắn theo từng lô đã đăng ký để chờ khách du xuân.
Kênh Tàu Hủ năm xưa là con kênh huyết mạch vận chuyển gạo từ miền Tây về Sài Gòn. Xưa kia, khu vực tuyến đường Bến Bình Đông hiện nay vốn là bến tập kết lúa gạo lớn nhất Sài Gòn, hai bên dòng kênh là hai con đường với những chành (kho chứa) lúa, nhà máy xay xát cung cấp gạo cho cả thành phố. Bởi thế, khu này được ví von là “bao tử của miền Nam”.
Trong sách Lịch sử khẩn hoang miền Nam, cố nhà văn Sơn Nam miêu tả về kênh Tàu Hủ: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi”.
Nay Bến Bình Đông không còn là bến tập kết lúa gạo nữa, những khu nhà máy xay xát đều đã không còn. Thế nhưng, cảnh sắc sông nước vẫn còn đó, tuyến đường thủy này vẫn còn giá trị thông thương. Mỗi năm, khi xuân về Tết đến, hàng trăm tàu ghe các tỉnh miền Tây lại tấp nập ghé về đây, chuyển những chậu cây hoa cảnh, những gốc mai vàng về bán cho người thành phố, tạo thành chợ hoa lớn nhất Sài Gòn…
Hoa nhiều, giá rẻ
Đã bước qua những ngày cuối tháng Chạp, không khí mua bán tại đây bắt đầu sôi động, dù không tấp nập lắm nhưng kẻ bán người mua đã khá đông đúc với đủ các loại hoa cảnh từ bình dân đến cao cấp.
Đa phần, hoa tết, cây cảnh tại bến này đến từ “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn (Bến Tre), một số chủ hàng khác đến từ miệt Tiền Giang. Theo các chủ hàng, giá bán hoa cảnh chưng Tết năm nay không cao so với năm trước vì sợ không có người mua, dòng hàng chủ lực vẫn chỉ có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, rất ít sản phẩm cao cấp có giá vài triệu đến hàng chục triệu.
Bác Nguyễn Văn Hà, chủ hàng hoa đến từ Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Hôm nay tôi chở lên thêm một ghe hoa nữa để bán. Hai ngày sau, tôi thuê ghe lớn hơn chở nốt số còn lại. Năm nay, lượng hoa tương đối phong phú, nhiều giá lắm nhưng đa phần giá bình dân, cho mọi người dễ mua”.
Chú Bến, cũng là một chủ vựa hoa đến từ Bến Tre cho biết: “Năm ngoái tôi bán được 4 cặp mai cỡ đại. Năm nay chỉ dám đem lên 1 cặp bán thử xem sao. Mỗi cặp có giá đến 25 triệu đồng, khó bán lắm! Nếu bán không được phải chở về thì lỗ chết”. Cả ghe mai của chú chỉ có 1 cặp mai đại này, còn lại tất cả đều là những chậu mai nhỏ có giá từ 100.000 – 200.000/chậu.
Còn với người mua, sắm được 1 chậu hoa trưng Tết với giá rẻ lại là một niềm vui. Cô Nguyễn Thị Tuyết, một khách hàng ở quận 8 vui vẻ cho biết: “ Hoa tết, cây cảnh năm nay tương đối rẻ, giá hợp túi tiền với người lao động như tụi tôi. Hôm qua tôi mới mua một cây mai giá 200.000 đồng, ông xã thấy rẻ nên bảo ra mua thêm một cây nữa cho đủ cặp”.
Mặt dù lượng khách mua chưa đông nhưng những chuyến thuyền hoa Tết từ khắp các tỉnh miền Tây vẫn đang đều đặn đổ về Bến Bình Đông. Thuyền cập bến, tiếng hò nhau bắt nhịp để chuyển hoa, hình ảnh những người nông dân tất bật chuẩn bị sắp đặt hàng hoa bên bờ dòng kênh thoáng mát với hàng cây xanh chạy dài… không khỏi khiến người ta liên tưởng đến bến thuyền tấp nập năm xưa.
Tùng Nguyên - Minh Kiệt - Cát Minh