1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thái Nghi Đường - nơi giữ hồn Lân xứ Huế

(Dân trí) - Huế không chỉ đẹp và nổi tiếng với quần thể di tích cố đô mà ẩn sâu trong văn hoá Huế còn có nhiều nét đặc trưng. Múa lân ở Huế là một trong những nét văn hoá đặc sắc đó được lưu giữ và phát triển qua bao đời.

Những năm 30 của thế kỷ trước, ông Hồ Văn Nghi ở đường Phan Đăng Lưu đã tập hợp những người chơi lân xứ Huế, lập ra Thái Nghi Đường tạo ra một phong cách riêng "lân Huế".

Võ sư Hồ Văn Thái Sơn, con trai út của cụ Nghi cho biết: Theo như lời ông cha kể lại thì lân Huế cũng đã tồn tại cả trăm năm nay, là một môn nghệ thuật được du nhập từ Trung Quốc. Trước đây, múa lân là một món ăn tinh thần không thể thiếu của bậc đế vương trong các dịp đại lễ như đón năm mới, tế trời đất, mừng thọ vua, mừng thọ thái hậu và đưa đón đoàn sứ thần các nước.

Sau này, các đội lân cũng được các quan lại, nhà giàu có mời về biểu diễn trong những ngày tết nguyên đán và tết trung Thu, cưới hỏi, tân gia... nhằm chúc phúc cho gia chủ. Lân Huế xưa được chia thành nhiều đẳng cấp: Lân râu trắng là của đội múa lân đã có thâm niên trên 25 năm, lân râu đỏ trên 10 năm và lân râu đen là trên 5 năm.

Mỗi màn múa lân Huế bao giờ cũng có hai con là con kỳ và con lân (tức lân đực và lân cái) cùng ông địa tượng trưng cho sự hoan hỷ cầm quạt để xua đuổi tà ma. Người múa lân đòi hỏi phải là tay tinh thông về võ thuật, phải khổ luyện ít nhất là ba năm, có như vậy bộ pháp di chuyển mới nhanh, tấn trụ mới vững, thế đứng mới cứng cáp, lúc cương lúc nhu thể hiện được cái dáng vừa hùng vừa uyển chuyển của con lân khi di chuyển.

Múa lân Huế và múa lân Trung Hoa tuy có nhiều điểm tương đồng song múa lân Huế thường biểu diễn thấp, tấn bộ khoan thai, đĩnh đạc mang cái cốt cách sang trọng và quyền uy của bậc vương triều. Múa lân Huế mạnh về bài vở, trình tự, tuồng tích nên giàu tính cảm xúc.

Một bài lân Huế thường có 7 trường đoạn: thần lân xuất động, bát bộ liên hoa, phục lân, lân linh chi, lân tranh châu, lân lý kiều và lân hồi sơn. Bên cạnh đó, tiết tấu trống cũng mang âm sắc cung đình, âm không vang xa mà nén lại dồn thúc một cách mạnh mẽ oai hùng. Tất cả tạo nên những nét đặc trưng về múa lân Huế.

Sau khi cụ Hồ Văn Nghi mất, người con trai út là võ sư Hồ Văn Thái Sơn với niềm say mê lân cháy bỏng đã kế nghiệp cha, quyết tâm gây dựng lại nghiệp tổ của mình. Anh tiếp tục phát triển Thái Nghi Đường thành câu lạc bộ (CLB) múa lân dân gian Huế và làm chủ nhiệm CLB.

Theo anh Thái Sơn, để trở thành những người múa lân giỏi thì trước hết phải có cái tâm trước, lúc đó tài và tâm có hòa hợp thì người múa lân mới thể hiện được cái hồn của lân, mới đạt đến độ chín của nghề. Chính vì lẽ đó mà các thành viên trong CLB của anh đều phải trải qua thời gian ngặt nghèo rèn luyện cái tâm, cái tính trước rồi mới rèn luyện võ sau.

Đến nay, CLB thu hút được 60 thành viên tham gia thường xuyên, trong đó có khoảng 30 tay lân cứng. Ngoài những bài múa trường đoạn truyền thống của lân Huế, anh Thái Sơn còn tìm tòi, nghiên cứu và phục dựng thêm nhiều bài múa mới như "Độc chiến ngao đầu" - mừng các dịp đại lễ, "Song hỷ"- mừng đám cưới, "Tam tinh" - chúc thọ, "Tứ quý hưng long" - mừng khai trương, "Ngũ phúc lâm môn" - mừng tân gia...

Dần dần, Thái Nghi Đường được mời biểu diễn thường xuyên trong các dịp lễ lớn ở Huế và các tỉnh lân cận Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình... Trong các năm 2000, 2002, 2004, Liên hoan múa lân châu Á được tổ chức ở Okinawa (Nhật Bản), Thái Nghi Đường đã được ban tổ chức nước bạn mời sang tham dự và vượt qua nhiều đoàn lân giàu truyền thống như Hồng Kông, Nhật Bản, chỉ đứng sau Trung Quốc, mang về tiếng thơm cho nghệ thuật múa lân Việt Nam.

Phiền lụy lân học sinh tự phát

UBND TP Huế vừa có văn bản quy định tổ chức ngày trung thu trong đó yêu cầu tránh hiện tượng “loạn múa lân”. Xem xét kỹ mới thấy lân tự phát chủ yếu xuất phát từ học sinh.

Chủ một một cửa hàng chuyên bán đồ múa lân số 27 đường Trần Hưng Đạo cho biết, lân có nhiều bộ phận như đầu, đuôi, trống, quần áo, quạt, mặt nạ… với đủ loại giá. Mua cả bộ trung bình từ 500.000 đến 2.000.000 đồng tuỳ loại to nhỏ và chất lượng. Giá tuy cao nhưng khoảng 10 em góp tiền lại mua thì với mỗi em cũng không phải là quá khó.

Thái Nghi Đường - nơi giữ hồn Lân xứ Huế - 1
  

Lân vào, chủ nhà đuổi ra
để đóng cửa.

Ba đêm trước trung thu là những ngày “mật” nhưng vì mục đích kiếm tiền có khi các em đi biểu diễn rất xa nhà. UBND TP đã ra chỉ thị cho múa lân từ 13 - 16/8 (âm lịch) nhưng ngay từ 10/8 mọi người đã thấy lân học sinh xuất hiện trên đường phố.

Nhóm lân của Nguyễn Xuân Ngọc Tài, xã Hương Vinh tâm sự: “Bọn em có 15 người biểu diễn lâu rồi. Nắng ráo như năm trước bọn em được 1,5 triệu tiền thưởng nhờ múa lân. Không chia lại tiền đã góp, chỉ vui chơi, ăn nhậu hết”.

Huế có 25 phường xã, trung bình mỗi phường có đến 3 - 4 nhóm lân tự phát. Ngoài ra ở các trường THCS, tiểu học thì mỗi lớp cũng có ít nhất 1 đầu lân, những ngày này các đội lân thi nhau đi diễn khắp các gia đình kiếm tiền. Các nhóm trống rong cờ mở, đi ngược xuôi các ngả đường, len lỏi vào các ngõ hẻm gây ồn ào, ách tắc giao thông.

Cô Nghi, chủ cửa hàng băng đĩa Xuân Nghi trên đường Trần Phú lắc đầu ngao ngán: “Buôn bán ai cũng muốn vui vẻ, may mắn nhưng nhiều đầu lân quá, tui không thể cho hết. Trung bình mỗi tối có đến 15 lượt lân vào nhà. Như trưa hôm nay cũng có 9 đoàn”.

Khi lân vào nhà “quậy quá”, chủ nhà phải chi từ 5.000 - 10.000 đồng cho “yên”. Cộng lại cả ngày mất khoản tiền cũng khá lớn. Có tình trạng lân vào, chủ nhà rất ngao ngán còn lân ra khỏi cửa chửi lại gia chủ vì… cho ít tiền. Dạo quanh một vòng TP, chúng tôi thấy đa số các gia đình đóng cửa từ rất sớm vì không muốn đón tiếp các đội lân học sinh.

Vân Đình - Hoàng Quân

Anh Sơn