1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thách thức của Việt Nam trước việc gia nhập TPP

(Dân trí) - Sáng 18/5, các đại biểu thuộc tổ chức nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp cùng hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã có buổi “hội đàm” từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một vài quy định trong hệ thống pháp luật lao động, đặc biệt là Bộ luật lao động (2012), Luật công đoàn, sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và các cam kết trong Hiệp định TPP.

Sáng nay tại Thanh Hóa, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện các tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”.

Theo đó, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Việc tham gia Hiệp định TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện nhanh hơn thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, lực lượng lao động và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong lĩnh vực lao động, các cam kết của TPP đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động theo Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998 của ILO. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn được 5 trong số 8 công ước cơ bản của ILO và đã nội luật hóa vào trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam sẽ nghiên cứu, phê chuẩn tiếp 3 công ước còn lại để đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, TPP còn đề cập đến 3 tiêu chuẩn lao động là lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động mà các quốc gia tham gia TPP phải thực hiện. Qua rà soát bước đầu của Chính phủ thì Việt Nam cơ bản đáp ứng được các quy định này của TPP.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi và đề xuất, kiến nghị các quy định trong hệ thống pháp luật lao động
Các cơ quan nhà nước, tổ chức nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi và đề xuất, kiến nghị các quy định trong hệ thống pháp luật lao động

Ông Mai Đức Chính, Phó Tổng LĐLĐVN, cho biết những cam kết về Công đoàn trong Hiệp định TPP đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, bởi việc cho phép NLĐ làm việc trong một doanh nghiệp, không có sự phân biệt được thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không phải xin phép trước. Để được hoạt động, tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở phải đăng ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

“Đây là thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, nếu Công đoàn hoạt động thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn của NLĐ, nói lên tiếng nói bức xúc của NLĐ, thì các tổ chức NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập vào Tổng LĐLĐ Việt Nam, tạo thêm sức mạnh cho tổ chức Công đoàn Việt Nam, nếu ngược lại công đoàn hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ không gia nhập vào Công đoàn Việt Nam mà họ tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, nếu họ bảo vệ có hiệu quả hơn tổ chức Công đoàn hiện tại thì tổ chức Công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, không có sức mạnh thực sự, sẽ không thực hiện tốt được chủ trương đường lối của Đảng đối với phong trào công nhân” – ông Chính phân tích.

Ông Mai Đức Chính - Phó Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Ông Mai Đức Chính - Phó Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, vị Phó Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhấn mạnh “Trước tình hình mới Công đoàn Việt Nam phải vững vàng về tổ chức, cán bộ phải tâm huyết, bản lĩnh, mạnh về cơ sở vật chất thì mới đủ sức thu hút đối với NLĐ và tổ chức mới của NLĐ”.

Tại cuộc hội thảo, có rất nhiều các ý kiến, kiến nghị được đưa ra, trong đó có việc tăng giờ làm thêm, xóa bỏ quy định không kỷ luật phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, một số quy định về đóng BHXH bắt buộc...

Theo ông Bang Huyn Woo, Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại, Công ty TNHH Samsung Electronics tại Việt Nam, Luật Lao động, Điều 106 quy định làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ trong 1 năm (trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm), chúng tôi là các công ty thuộc khối sản xuất hoạt động dựa theo các đơn đặt hàng và tại thời gian cao điểm về sản xuất việc làm quá thời gian làm thêm theo quy định là không thể tránh khỏi.

“Chúng tôi biết việc hạn chế số giờ làm thêm của Bộ luật Lao động là việc lựa chọn ưu tiên cho sức khỏe của người lao động, nhưng trên thực tế nhiều năm gần đây tình hình sức khỏe và chế độ dinh dưỡng của NLĐ là tốt hơn trước đó rất nhiều. Vì có sức khỏe nên NLĐ có nguyện vọng và mong muốn được tăng thời gian làm thêm so với quy định hiện hành, vì thế chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam tăng giờ làm việc từ 300 giờ như hiện nay lên 600 giờ trong 1 năm để NLĐ có thêm thu nhập, chúng tôi cũng giảm bớt chi phí tuyển thêm lao động” – ông Bang Huyn Woo nêu quan điểm.

Rất nhiều các doanh nghiệp cho biết rất nhiều phụ nữ làm việc cho công ty, sau khi sinh không quay lại làm việc, nhưng theo quy định của phụ nữ trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng sẽ không xử lý kỷ luật. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý nhân sự của các doanh nghiệp, vì thế các doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định này, nếu phụ nữ trong thời gian được nghỉ theo quy định mà vi phạm nghiêm trọng vẫn sẽ bị kỷ luật.

Nguyễn Thùy

Thách thức của Việt Nam trước việc gia nhập TPP - 3