1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Thách thức của đất nước - lãnh đạo phải vượt qua chính mình”

(Dân trí) - “Đất nước đang đối diện thách thức mà các lãnh đạo phải vượt qua được chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của bộ ngành, địa phương mình. Chỉ thay đổi tư duy như vậy thì việc cải cách mới thành công” – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý TƯ Nguyễn Đình Cung nói.

Đổi mới hoàn toàn hay sửa sang, níu kéo cơ chế cũ?

Sáng 12/10, chủ trì diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng”, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, lâu nay, Việt Nam đã duy trì một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là duy trì một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch – tập trung nguồn lực cho những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, những ngành thâm dụng lao động kỹ năng thấp và tiền lương thấp, sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Trong mô hình đó, việc vận hành hệ thống phân bổ nguồn lực nặng nguyên lý “xin – cho”, dành ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng được coi là “lực lượng chủ đạo” của nền kinh tế; là nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp “đẳng cấp” thấp bằng sự ưu đãi cao (miễn giảm thuế, các điều kiện tiếp cận đất đai, hạ tầng, hạ thấp tiêu chuẩn môi trường...) thay vì bằng cách nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực nội lực.


Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 tập hợp những chuyên gia hàng đầu để tìm giải pháp cho bài toán đổi mới mô hình tăng trưởng.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 tập hợp những chuyên gia hàng đầu để tìm giải pháp cho bài toán đổi mới mô hình tăng trưởng.

Kết cục là, sau 30 năm đổi mới (quãng thời gian đủ để Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển), nền kinh tế Việt Nam vẫn ở đẳng cấp phát triển thấp.

Vì thế, cho dù đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm cao thứ nhì thế giới trong suốt giai đoạn 1990-2015 (chỉ sau Trung Quốc), Việt Nam cũng mới chỉ “thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp”. “Tụt hậu và tụt hậu xa hơn” đã chuyển từ nguy cơ lớn nhất thành hiện thực ngày càng rõ.

Nói về công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế được tiến hành 5 năm qua – 5 năm khó khăn nhát của 30 năm đổi mới, TS.Trần Đình Thiên khái quát, việc triển khai dường như thiếu động lực thúc đẩy, thiếu niềm tin, tiến độ rất chậm và kết quả đạt được khá hạn chế, kém xa so với mục tiêu, kỳ vọng.

Với 3 khâu đột phá được xác định trong quá trình tái cơ cấu, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: “Cơ chế đầu tư công thực chất vẫn chưa thay đổi, vẫn lấy “xin – cho” làm trụ, trong khi khó khăn ngân sách trở nên trầm trọng hơn và nợ công tăng nhanh. Hệ thống ngân hàng đã “trụ” được qua cơn sóng gió, song “cục máu đông” - nợ xấu trong hệ thống hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng nợ xấu còn tăng lên. Hệ thống ngân hàng, đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, hư hỏng, song đang rất yếu, đang vận hành trên một nền tảng rất thiếu vững chắc. Còn hệ thống doanh nghiệp nhìn chung là yếu, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp nội địa, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân - thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh”.

Đặt câu hỏi, phương cách tái cơ cấu thực hiện 5 năm qua đã hợp lý, TS. Thiên nhận định, kết quả đạt được khiêm tốn cũng có nghĩa là mô hình tăng trưởng không thay đổi được bao nhiêu. Theo ông Thiên, thực tế đòi hỏi phải có sự đổi mới hoàn toàn chứ không phải là nối dài, níu kéo, duy trì thêm những cơ chế cũ hay chỉ là để sửa sang những trục trặc đã bộc lộ. Đây cũng là câu hỏi thực tiễn được bàn tại Hội nghị TƯ 4 khoá XII đang diễn ra. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ phải tiếp tục triển khai đề án đổi mới mô hình tăng trưởng này.

Ông Thiên gợi ý hướng tái cơ cấu theo mô hình hội nhập hiện đại. “Tái cơ cấu, trong sự khôn ngoan cần có của nước đi sau, phải biết “mượn sức” hội nhập để “nhập” vào quỹ đạo hội nhập, thay đổi cơ cấu kinh tế của mình, nhanh chóng thoát khỏi đẳng cấp thấp để tiến vượt lên. Đó phải là một sự thay đổi tư duy phát triển triệt để, theo logic của một cuộc Đổi mới lần hai, được dẫn dắt bởi một tầm nhìn phát triển mới, tầm nhìn thời đại, bảo đảm nền kinh tế thoát khỏi lệ thuộc bên ngoài và nhập được vào đội hình bay – hội nhập mới” – Viện trưởng Trần Đình Thiên nói.

Chấm dứt tình trạng mỗi sáng dậy, nhà nước lại mất cả nghìn tỷ


Bảng so sánh quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Bảng so sánh quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Tán thành nhiều điểm TS. Thiên nêu ra, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ chỉ rõ thực trạng, so với khu vực và thế giới, Việt nam đang có khoảng cách khá xa ở phía sau.

Quy mô nền kinh tế 200 tỷ USD Việt Nam đạt được năm 2014 chỉ bằng 1/7 so với Hàn Quốc, bằng ¼ so với Indonesia và thậm chí chỉ bằng 1/2 so với Thái Lan và cũng thua xa… Philippines. Thu nhập đầu người, tỷ lệ thua kém còn “đậm hơn” khi Hàn Quốc đã tiến đến ngưỡng 30.000 USD/người/năm trong khi Việt Nam chỉ chạm mốc 2.000 USD/người/năm, so với Malaysia cũng kém tới 6 lần.

TS. Cung cho rằng, yêu cầu thu hẹp và đuổi kịp là mệnh lệnh chính đáng của nhân dân nhưng đầy thách thức đối với người lãnh đạo. Và thực tế, tăng trưởng kinh tế đang trên xu hƣớng giảm dần, cứ 10 năm lại giảm 1 điểm (%).

Ông Cung phân tích, trọng tâm mà hệ tư duy chính thống luôn hướng tới là huy động nguồn lực, trong khi đó, trọng tâm của tái cơ cấu là phân bố lại và nâng cao sử dụng nguồn lực.

Tỷ lệ đầu tư của Việt Nam khá cao so với thông lệ, nhưng hiệu quả đầu tư thấp, cải thiện rất chậm, và hiệu quả vốn đầu tư nhà nƣớc đặc biệt thấp. Về nguồn lực, huy động vốn qua thu ngân sách (% GDP) đã thuộc vào hạng cao trong khu vực, chi ngân sách thuộc hạng rất cao, chi thường xuyên cũng rất cao và tăng nhanh trong những năm gần đây, đến mức, thu không đủ bù đắp chi thường xuyên, tức là “huy động” để chi…

TS. Cung nhận định, Việt Nam đã tiến đến giới hạn về khả năng huy động nguồn lực. Vấn đề giờ đây không phải là tính tiếp nguồn nào để huy động mà quan trọng hơn, phải phân bố lại để sử dụng hiệu quả những nguồn lực hiện có, từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội.

Từ câu chuyện những dự án đội vốn gấp đôi, gấp ba ban đầu, những tuyến đường cao tốc đắt nhất thế giới… ông Cung cho rằng, đó chính là những thứ làm xói mòn nguồn lực quốc gia, xói mòn năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của đất nước.

Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý TƯ dẫn chứng, đó là dự án xơ sợi Đình Vũ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng bị “chết lâm sàng”; dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng có vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, 4 năm lỗ 2.000 tỷ đồng; nhà máy đạm Ninh Bình 12.000 tỷ đồng "sống dở chết dở“, liên tục làm ăn thua lỗ sau hơn 4 năm…

Ông Cung khuyến cáo, việc cần làm trước hết là thay đổi trật tự chính sách. Chấm dứt ngay thực tế “sáng ngủ dậy, nhà nước đã mất hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ” bằng cách chấm dứt hoạt động, cho phá sản các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản.

Chuyên gia kinh tế này nhận định, nếu cho phá sản Vinashin, Vinalines và một số DN khác ngay từ đầu, tình hình bây giờ có thể đã khác.

TS.Nguyễn Đình Cũng kêu gọi bãi bỏ ngay “xin-cho đặc thù” cho doanh nghiệp nhà nước, áp đặt triệt để nguyên tắc cạnh tranh thị trường và “lời ăn, lỗ phá sản” đồng thời thực hiện nghiêm việc truy cứu trách nhiệm giải trình đối với những tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý.

“Trước thách thức đặt ra, các nhà lãnh đạo phải vượt qua được chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của cơ quan, địa phương mình dẫn đến xu hướng chỉ làm những gì có lợi cho mình còn việc có lợi chung cho đất nước thì không làm. Chỉ thay đổi tư duy như vậy thì việc cải cách mới thành công, còn nếu không, mọi việc sẽ chỉ diễn biến theo chiều hướng xấu dần, sụp dần” – ông Cung phát biểu.

P.Thảo