1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Thách” nhau cùng bảo vệ sông Thị Vải

(Dân trí) - Sáng ngày 12/12, Uỷ ban Bảo vệ sông Đồng Nai đã chính thức ra mắt do Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân làm Chủ tịch nhiệm kỳ đầu. Chiều cùng ngày, Ủy ban đã cùng Bộ Tài nguyên Môi trường bàn phương án cứu sông Thị Vải.

Sông “chết” vì lãnh đạo thiếu kiên quyết

Sông Thị Vải tuy chỉ là một chi lưu nhỏ của hệ thống sông Đồng Nai nhưng thời gian qua mức độ ô nhiễm của nó đã lên đến mức báo động, tàu thuyền của nhiều nước đã từ chối cập bến các cảng nằm sâu bên trong sông. Đặc biệt sau sự kiện phát hiện Công ty Vedan thải trực tiếp chất thải chưa xử lý ra sông càng làm cho vấn đề được dư luận quan tâm hơn. Do đó, việc cứu sông Thị Vải được Uỷ ban Bảo vệ sông Đồng Nai ưu tiên hàng đầu. 

Khởi đầu phần tranh luận, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận nguyên nhân sông Thị Vải ô nhiễm là do chính các cơ quan chức năng vô trách nhiệm, xét duyệt vấn đề bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư một cách đơn giản, qua quýt nên dẫn đến việc các doanh nghiệp thải chất thải chưa xử lý ra sông mà không kiểm soát được. 

Tuy nhiên, ông chỉ cho đó là trách nhiệm của “chúng ta” chung chung mà chưa dám thừa nhận sai phạm cụ thể của Vũng Tàu trong “vụ án giết sông Thị Vải”.  

Vì ngay từ tháng 9/2006, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo không cho phép đầu tư trên lưu vực sông Thị Vải thêm 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hạn chế cấp phép 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. 

Nhưng đến năm 2007, chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại cho phép xây dựng trên lưu vực sông Thị Vải hai nhà máy lớn thuộc diện cấm và hạn chế trên. Đến đầu tháng 12/2008, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ thừa nhận là có thiếu sót vì nghĩ chỉ đạo trên của Phó thủ tướng chưa chính thức thực hiện. 

Còn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng quanh co là không thể đổ hết nguyên nhân gây ra ô nhiễm sông Thị Vải cho chất thải công nghiệp của Đồng Nai vì cho rằng sông Thị Vải còn tiếp nhận nguồn thải từ nhiều nơi khác nữa. Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM thì cho khó là ở chỗ các cơ sở chưa xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường còn nhiều mà không thể mạnh tay xử lý bằng cách đóng cửa được. 

Chính sự thiếu trách nhiệm và xử lý thiếu kiên quyết trên là những nguyên nhân chính “giết chết” sông Thị Vải cũng như các con sông khác trong hệ thống sông Đồng Nai. 

Hứa làm hết sức để cứu sông Thị Vải

Tại hội nghị, Viện Quy hoạch thuỷ lợi Miền Nam nhắc lại giải pháp mà mình đã đề xuất trước đây là khơi thông dòng chảy đưa nước từ sông Đồng Nai vào rửa sạch sông Thị Vải. Vì sông Thị Vải vốn là một dòng sông tĩnh, nước không lưu thông nên ô nhiễm tích luỹ ngày càng nặng nề. 

Tuy nhiên, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường đề nghị trước khi tiến hành làm sạch sông Thị Vải thì phải “cắt” mọi tác nhân gây ô nhiễm cho sông; tức là phải kiểm soát và ngăn chặn tất cả các nguồn nước thải công nghiệp chưa xử lý đạt yêu cầu ra sông. Khi đó, việc cứu sông Thị Vải mới thuận lợi và bền vững. 

Về việc này, các đại biểu đề nghị cam kết tuyệt đối không cấp phép mới cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên lưu vực sông Thị Vải nữa. Đồng thời, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ công bố thông tin các đơn vị gây ô nhiễm trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan quản lý sẽ xử lý triệt để từng phần. 

Cũng trong hội nghị này, ông Trần Ngọc Thới cam kết là từ năm 2009 sẽ không có doanh nghiệp nào trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu xả chất thải không đạt yêu cầu xuống sông Thị Vải. Còn lãnh đạo Đồng Nai không dám hứa mà chỉ “thách” Bà Rịa - Vũng Tàu làm xem. Lãnh đạo TPHCM thì yên tâm vì trên địa bàn TP không có cơ sở sản xuất thải nước ra sông Thị Vải nhưng cũng hứa là sẽ hết sức “cứu sông Thị Vải”. 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà “hứa” là sẽ giám sát lời hứa của các địa phương bằng cách tiến tới lắp đặt các trạm quan trắc dọc sông Thị Vải để xem nguồn nước ô nhiễm còn thải ra sông là từ địa phương nào. 

Tùng Nguyên