1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tha thứ

Vượt qua hận thù và nỗi đau mất người thân, họ rộng lòng tha thứ cho kẻ đã gây ra đau khổ, mất mát cho gia đình mình, chỉ vì một lý do đơn giản: Bỏ qua được thì bỏ qua!

HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo lẫn đại diện hợp pháp của người bị hại, giảm mức hình phạt từ tử hình xuống còn chung thân về tội giết người đối với bị cáo N.N.T (SN 1962, ngụ quận Phú Nhuận - TPHCM). Bà H.T.N - mẹ vợ của bị cáo T. - thở phào nhẹ nhõm. “Từ lâu, tôi đã coi nó là con, chỉ mong nó được sống để có cơ hội quay về” - bà N. ngậm ngùi nói.

 

Tha thứ vì tình nghĩa

 

Năm 2004, T. và chị H.T.L.A (SN 1973) sống chung với nhau như vợ chồng cho đến năm 2010 mới đăng ký kết hôn. Trước khi về sống chung với T., chị A. từng có 3 đời chồng và 3 đứa con riêng nhưng T. vẫn chấp nhận và thương con riêng của vợ như con ruột. Thời gian sau này, chồng cũ thứ ba của chị A. hay lui tới, cũng từ đó chị A. thường kiếm cớ mắng chửi T., đuổi T. ra khỏi nhà.

 

Dù vậy, T. cố gắng làm mọi cách, năn nỉ vợ nối lại tình cảm nhưng chị A. một mực từ chối. Trước thái độ quyết liệt của vợ, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 26/5/2010, T. mua 40 lít xăng tìm đến chỗ chị A. đang bán cơm rồi tạt vào chị A. Do đứng gần bếp than, người chị A bị bắt lửa cháy và chết sau 2 ngày nằm viện. T. cũng bị phỏng nặng rồi bị bắt sau đó.

 

Xét xử sơ thẩm, TAND TPHCM đã xử tuyên phạt T. mức án tử hình về tội giết người. Sau khi bản án được tuyên, T. làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đại diện gia đình người bị hại, bà H.T.N (mẹ ruột chị A.) và các con của chị kháng cáo tha thiết xin giảm án cho bị cáo.

 

Được mời lên, bà N. tình thật trình bày, con gái bà đã có những ứng xử không tốt - là một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch như hôm nay. Ngày T. ngỏ lời yêu thương và muốn chung sống với chị A., bà đã không ít lần khuyên can T., kể cho T. nghe chuyện chị A. bài bạc, bà đã phải bán nhà trả nợ cho con. Nhưng T. vẫn khăng khăng: “Con thương yêu A. và các cháu thật lòng”.

 

Từ ngày T. chung sống với chị A., chưa một lần T. đánh đập vợ. Các con của chị A. cũng được T. chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương,  vì vậy mà chúng luôn coi T. như người cha ruột thịt. Nhưng chị A. vẫn chứng nào tật nấy, T. đã phải nhiều lần trả nợ cờ bạc cho vợ, thậm chí lén gia đình bán căn nhà duy nhất của cha mẹ cho để trả nợ và cho vợ ít vốn liếng mở quán cơm. T. sống hết tình hết nghĩa với chị A. như thế nhưng chị A. lấy T. không phải vì tình yêu mà vì cần một nơi để nương tựa. Chị A. vẫn còn tình cảm với người chồng thứ ba. Sau này, khi T. mở cho chị A. quán cơm, anh ta đã quay lại để rồi bi kịch xảy ra…

 

Trình bày lý do kháng cáo xin giảm án cho T., bà N. nói: “Tôi và các cháu dù rất đau khổ nhưng vẫn tha thiết xin tòa giảm nhẹ án cho T., bởi nó là con rể tốt, chỉ vì trong một phút mất lý trí, nó mới hành động như vậy. Nếu tử hình nó, tôi lại mất thêm đứa con nữa. Bản thân tôi giờ đây già yếu không thể chăm sóc các con của L.A mãi được, mong tòa giảm án để con rể tôi về chăm sóc các cháu tôi…”.

 

“Không ai bỏ em đâu!”

 

“Em ráng giữ sức khỏe và cố gắng khai đúng sự thật vụ án. Không ai bỏ em đâu!’’ - người chị chồng dặn dò cô em dâu - kẻ đã đang tâm đâm nhiều nhát giết chết em ruột của chị - trước khi cô ta về trại giam. Không biết H.T.V (SN 1974) nghĩ gì, chỉ thấy cô ta lại bật khóc nức nở.

 

Trước đó, phiên tòa phải mở trễ do V. gào khóc thống thiết khi nhìn thấy những người trong gia đình chồng đến dự phiên tòa. Tuy nhiên, trong phần xét hỏi, V. tỏ ra khôn ngoan, trả lời quanh co về động cơ, mục đích và hành vi phạm tội. Ngồi ở hàng ghế bên dưới, chị L.T.L - chị chồng V. - nhắc khẽ: “Khai thật đi V., để còn được xem xét giảm nhẹ” nhưng V. lắc đầu, rưng rưng nước mắt: “Em khổ lắm chị ơi!”. V. biện minh: “Chồng bị cáo kiếm tiền để ảnh ăn nhậu thôi, vì vậy vợ chồng thường xuyên gây gổ. Mỗi lần như vậy, ảnh lại đánh bị cáo. Lần này, anh ấy đánh nhiều và đau quá nên bị cáo tức giận, cầm dao định hù dọa nhưng anh ấy vẫn nắm tóc đánh. Bị cáo quơ dao, không ngờ…”.

 

Tất nhiên, lời biện minh này bị bác bỏ bởi không thể nào “chỉ quơ dao” mà trên người nạn nhân có nhiều vết thương, trong đó có nhát dao trí mạng gây thủng phổi.

 

Phiên tòa tạm hoãn vì có một số điều cần được làm rõ, người thân của anh N. nấn ná chờ V. được dẫn ra xe tù, gửi cho V. ít thức ăn (dù sau đó bị từ chối vì không được phép). Trước đó, chị L. cũng đã làm đơn xin thăm nuôi V. nhưng không được chấp thuận vì không chứng minh được quan hệ chị chồng - em dâu với V. (do V. và anh N. chưa đăng ký kết hôn).

 

“Nghĩ đến em trai, tôi cũng căm giận V. lắm nhưng dù sao người chết không thể sống lại. Hoàn cảnh V. bây giờ cũng tội nghiệp, không có thân nhân ở gần thăm nuôi. Chúng tôi chỉ muốn V. khai cho đúng sự thật để người chết được thanh thản mà người sống cũng nhẹ lòng chứ thật ra thì chuyện đã xảy ra rồi, tha thứ được thì tha…” - chị L. rưng rưng nói.

 

Người vợ quá quắt

 

Trong lúc tòa hội ý, người hàng xóm ở cạnh nhà vợ chồng V. kể: “Cô ta chửi và dọa giết chồng hoài. Cậu N. (bị hại L.V.N) tính hiền như đất. Mâu thuẫn của hai người chỉ là chuyện tiền bạc. V. bắt chồng mỗi tháng phải chu cấp 5 triệu đồng, không đủ là cô ta kiếm chuyện chửi mắng…”.

 

Trò chuyện với chúng tôi, gia đình chồng của V. cũng xác nhận việc này. Anh N. có nghề gia công giày, từng có một đời vợ nhưng do vợ anh N. bị vô sinh, họ đành chia tay sau 15 năm chung sống. Anh N. đồng ý cưới V. và ra sức vun đắp cho gia đình vì V. hứa hẹn sẽ sinh con cho anh. Không ngờ, mới cưới nhau chưa đầy 9 tháng, N. lại chết dưới tay của người vợ mới.

 

Theo Tố Trâm

 Người lao động