1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thả rắn ra cộng đồng, tội gì?

Hành vi thả rắn gây hoang mang cho người dân có dấu hiệu của nhiều tội danh, tuy nhiên muốn truy cứu trách nhiệm hình sự là không dễ.

Ngày 22/12, chúng tôi trở lại hiện trường nơi những kẻ lạ mặt đi ô tô đã thả rắn dọc tuyến quốc lộ 1A (thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) gây hoang mang cho dân chúng sống quanh khu vực này. Vị trí những kẻ lạ mặt thả rắn thuộc Nông trường Cao su Lộc An, nằm tiếp giáp với quốc lộ 1A và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Một cán bộ xã Xuân Thạnh cho biết đây thuộc đất của nông trường cao su, nằm cách nhà dân gần nhất khoảng 600 m.

Khẩn trương xác minh biển số xe

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện xã Xuân Thạnh cho biết khi nhận được tin báo của người dân, UBND xã Xuân Thạnh đã điều hết lực lượng phối hợp với các lực lượng chức năng khác và người dân cùng tiến hành truy bắt rắn.

“Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã bắt được hơn 100 con rắn. Chúng tôi nhận thấy đây chủ yếu là những con rắn nước, rắn bông súng, không nguy hiểm lắm” - vị cán bộ xã nói. Vị này cũng cho biết UBND xã đã tuyên truyền cho bà con hiểu đây là những con rắn không độc để người dân yên tâm.

Thả rắn ra cộng đồng, tội gì?

Việc thả hàng trăm con rắn đang gây nhiều lo lắng cho người dân xã Xuân Thạnh, Thống Nhất (Đồng Nai). Ảnh: t.dũng

Chiều 22/12, Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết cơ quan công an đang khẩn trương xác minh biển số chiếc xe du lịch chở những người thả rắn đồng thời truy bắt những thanh niên liên quan. “Cơ quan CSĐT đang phối hợp với lực lượng chức năng điều tra làm rõ, động cơ mục đích của những đối tượng đã thả rắn trên địa bàn xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất” - ông Đạt nói. Cũng theo Thượng tá Đạt, có ít nhất ba thanh niên đi xe ô tô mang rắn đến khu vực xã Xuân Thạnh thả.

Trong sáng 22/12, huyện Thống Nhất đã tiến hành tiêu hủy hơn 5 kg rắn mà lực lượng chức năng và người dân đã bắt và đập chết vào chiều 20/12.

Người dân vẫn hoang mang

Mặc dù các cơ quan chức năng khẳng định toàn bộ rắn được thả chủ yếu là rắn nước, không có nọc độc và đã được bắt hết. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, người dân vẫn tỏ ra hoang mang.

Bà Nguyễn Thị Mai ngụ xã Suối Tre, thị xã Long Khánh bày tỏ: “Khi biết có ba bao rắn bị thả ra khu vực lô cao su cạnh quốc lộ 1A tôi rất lo lắng. Ngày xưa đi làm chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện rắn rít gì cả. Nhưng từ hôm qua và hôm nay, tôi cuốc được vài nhát đất, nhặt được vài bụi cỏ lại phải nhìn xuống xung quanh xem có rắn không rồi mới dám làm tiếp. Nơi chúng tôi làm toàn cao su, cỏ, mì,… Nếu rắn còn sót lại, rúc vào cỏ rồi bò ra cắn thì nguy”.

Còn anh Lê Văn Long, công nhân cao su, nói: “Tôi thường đi làm từ 22 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau thì nghỉ ngơi tới 8 giờ sáng cùng ngày lại tiếp tục làm. Trước đây, sau khi xong việc lúc 3 giờ sáng, tôi thường mang theo võng mắc trong lô cao su để ngủ đến sáng làm việc tiếp. Nhưng khi biết tin có hàng trăm con rắn bị thả ra lô cao su, tôi rất lo dù đã biết bắt khá nhiều. Vì thế cứ cạo xong tôi phải về nhà ngủ, sáng ra mới quay lại làm tiếp nên vất vả hơn nhiều”.

Anh Long và bà con sống ở khu vực này rất mong các cơ quan chức năng truy tìm và sớm bắt cho hết rắn để người dân yên tâm.

Khó xử lý hình sự

ThS Mai Khắc Phúc, giảng viên luật hình sự (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho biết: Qua thông tin ban đầu, hiện số rắn bắt giữ được chỉ là các loài rắn không độc nên về cơ bản những suy đoán theo hướng thả rắn để hại người khác là chưa xác đáng. Còn nếu giả định là số rắn trên có rắn độc thì rắn có cắn người hay không còn chưa thể biết. Trong khi đó pháp luật hình sự có nguyên tắc không suy đoán theo hướng bất lợi.

Tuy vậy, theo ông Phúc, nếu xét dưới một góc độ nào đó, hành vi thả rắn của các đối tượng trên có một số dấu hiệu gần với cấu thành của một số tội danh trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Cụ thể, các đối tượng đã có hành vi thả rắn gây náo động, gây mất trật tự công cộng nên có một số dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245. Hoặc việc thả rắn “… gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng…” thì có dấu hiệu của tội khủng bố (Điều 230a BLHS). Tuy nhiên, ở đây chỉ nói tính chất gần giống với các dấu hiệu hình sự thôi chứ để truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng thả rắn thì đòi hỏi cơ quan tố tụng phải chứng minh rất nhiều yếu tố cấu thành tội phạm liên quan.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung thêm: Nếu hành vi thả rắn gây cản trở giao thông đường bộ hoặc trong số rắn được thả ra có loại rắn xác định là có độc tính và gây hại cho an toàn sức khỏe, tính mạng của người khác thì hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tội cản trở giao thông đường bộ hoặc tội vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người được quy định tại Điều 203, Điều 227 BLHS.

Tuy nhiên, cả ThS Phúc và luật sư Huy đều cho rằng với những thông tin phản ánh như hiện nay rất khó có cơ sở để xử lý hình sự các đối tượng trên.

Về mặt xử lý hành chính, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định cơ quan chức năng của huyện Thống Nhất hoàn toàn có thể xử phạt hành chính các đối tượng trên. Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với hành vi “gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao…, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác”.

Hồng Tú

Theo Tiến Dũng
Pháp luật TPHCM