Tha hương để làm dân... vạn đò
(Dân trí) - 9 năm trước, nghe đồn những hộ đò ở Huế vào Đà Nẵng làm ăn sẽ được thành phố bố trí định cư, nhiều hộ đò Huế đã “chạy đò” vượt biển vào Đà Nẵng. 9 năm sau, cuộc sống của họ vẫn dập dềnh sông nước...
Trên con đò chật hẹp chưa tới 10m2, ánh mắt chị Sữa xa xăm khi nghĩ đến tương lai của 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Là phận tha hương nên cuộc sống cả gia đình chị phải đối mặt với không ít những khó khăn, thiếu thốn. Nhưng giấc mộng đổi đời ở miền đất hứa của những phận người nhỏ bé ấy vẫn còn lắm mịt mờ…
Hơn 10 năm qua, hàng chục hộ dân vạn đò với hàng trăm nhân khẩu từ Thừa Thiên Huế vào đây vẫn đang sống chen chúc, bập bềnh dọc bến cá Thuận Phước, trên các con thuyền chật hẹp, đơn sơ, rất nguy hiểm trong gió bão; tạo thành xóm vạn đò Huế ngay giữa lòng đô thị Đà Nẵng.
Bỏ quê nghèo lên phố lớn
Họ lên thành phố Đà Nẵng với mong muốn sẽ được bố trí tái định cư, lên bờ ổn định cuộc sống, để con cái còn được học hành kiếm cái chữ về sau…
Nghĩ vậy, nhưng cuộc sống nơi đất khách của dân di cư vạn đò cũng không hơn gì nơi chôn rau cắt rốn. Bát cơm hàng ngày của họ chủ yếu nhờ vào việc chèo đò chở cá thuê cho các tàu lớn ở bến cá Thuận Phước. “Đủ ngày 3 bữa cơm là tốt lắm rồi, chứ tui cũng không mong gì hơn. Mà cũng đâu có dễ, đói no với bọn tui xảy ra là chuyện thường ngày”, chị Mão chân tình.
Họ rời quê hương để đi theo tiếng gọi của “miền đất hứa” không chỉ vì mưu sinh, mà còn vì cả “nợ nần chồng chất, biết làm chi để trả khi đã đến kỳ hạn”. Từ quê nghèo vào thành phố, họ mong sao thời tiết thuận lợi hơn để còn “kiếm chút đỉnh gửi về quê trả nợ”.
Cũng như hàng chục hộ vạn đò khác ở xã Vinh Hiền (Phú Lộc), cả ngày vất vả không đủ sống, lại “trót” vay 20 triệu đồng tiền ngân hàng đã đến hạn trả mà không biết kiếm đâu, cả gia đình anh Hà Thuận đã bí mật chạy đò vào Đà Nẵng trong đêm tối mong “trốn nợ được ngày nào hay ngày đó”, chị Thuỷ (vợ anh Thuận) thành thật. “Chúng tôi đã bán rẻ thuyền và chài lưới cho người khác mà không cho ai hay để chạy vào mưu sinh ở đây. Nghĩ lại, cũng xấu hổ lắm, nhưng lúc đó đã đói, lại sợ bị xiết nợ nữa nên cũng đành liều”, chị Thuỷ tiếp.
Hay như hộ đò của ông Trương Dinh (thôn Trung Chánh, Lộc Điền, Phú Lộc), trên đường chạy đò vào Đà Nẵng mưu sinh thì gặp phải sóng lớn ở khu vực cửa biển Tư Hiền nên đò của ông bị chìm, may sao “của đi thay người”. Bây giờ nhớ lại, ông vẫn còn thấy rùng mình trước cái chết kề cổ ấy.
Từ lâu,người dân bản địa đã quen gọi những hộ dân chạy đò với cái tên “xóm vạn đò Huế”. Người vào trước rủ người vào sau, anh vào rồi đưa em vào, để rồi dần dần hình thành nên xóm vạn đò nghèo giữa thành phố nhộn nhịp này.
Xa xăm… miền đất hứa
Xóm vạn đò Huế mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, từ đánh, chở cá thuê cho đến nhặt ve chai, bán vé số dạo, đánh giày…, bình quân mỗi ngày họ cũng kiếm được khoảng từ 30 đến 50 ngàn đồng, cũng tạm chắt chiu cho cuộc sống hàng ngày.
Con cái họ đa số được “gửi” vào lớp tình thương của thành phố, bởi “ăn còn không đủ, lấy tiền đâu mà học với hành”, chị Đại chép miệng. Con trai, con gái lớn một chút đã trở thành lao động chủ lực, trụ cột chính của gia đình.
Khuôn mặt đen nhẻm, cháy nắng, Hiếu - cậu bé 14 tuổi - tâm sự: “Lớn thêm chút nữa, có sức khoẻ, em sẽ theo ba đi biển cho các thuyền lớn kiếm tiền”. Còn bé Thuý, 11 tuổi, lại thầm thì: “Em thích được giống như chị của mình. Chị em phụ bán cơm cho một nhà hàng”. Ước mơ giản đơn đó với các em lại là xa xỉ.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, thành phố Đà Nẵng, cho biết: trước năm 1999, có khoảng 30 hộ đò từ Huế vào, tập trung chủ yếu ở bến cá Thuận Phước vì dễ sinh sống. Cùng thời gian này, thành phố thực hiện phun cát lấp đầm Tân Phước để làm tuyến đường Liên Chiểu - Thuận Phước, nên đã bố trí định cư cho họ (cả vạn đò bản địa và vạn đò từ TT-Huế vào). Họ cứ nghĩ đó là thành phố cấp đất tái định cư nên đã về quê dẫn người thân, họ hàng của mình vào. Điều này không chỉ làm phức tạp về an ninh trật tự, mà còn làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Anh Dũng cũng cho biết thêm, thành phố đã nhiều lần mời bà con vạn đò từ Huế lên để tuyên truyền, vận động họ trở về quê hương, bằng cách phối hợp với đồn Biên phòng cửa khẩu Đà Nẵng và đồn Biên phòng 248 dùng tàu lớn để kéo và hỗ trợ xăng dầu cho họ về quê; nhưng rồi bà con vẫn trở lại với lý do ở ngoài kia khó làm ăn! Thiết nghĩ chính quyền ngoài kia (TT-Huế) cũng cần phải có biện pháp gì để cùng thành phố giải quyết vấn đề này - anh bức xúc.
Cái khó hiện nay là thành phố đang triển khai tuyến đường Bạch Đằng Tây, cần phải phun cát vào đầm nên các thuyền ghe sẽ không vào trú đậu được trong đầm Tân Phước. Muốn vào phải chờ thuỷ triều lên, sẽ rất nguy hiểm, nhất là mùa mưa bão. Dù địa phương đã có những chế tài giúp đỡ, nhưng cũng bị hạn chế do kinh phí hạn hẹp. Hơn nữa, vì không có hộ khẩu ở Đà Nẵng nên những hộ đò này không có bất cứ chế độ hỗ trợ nào như người thành phố.
Rời xóm vạn đò trong ánh chiều dần bao phủ, bến cá Thuận Phước, nơi họ coi là miền đất hứa, vẫn ồn ã nhưng không giấu được nỗi lòng của những phận đò tha hương. “Cuối năm 2008 đầu 2009, bến cá Thuận Phước sẽ được chuyển sang phường Thọ Quang, nên sẽ không mấy ai còn ở lại đó, bởi ở đâu có việc làm thì bà con lại tìm đến đó thôi”, anh Dũng nói thêm.
Nguyên Phương