1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tết ở trại giam Z-30A

Nắng vẫn hanh vàng nhưng tiết trời đã chuyển dần sang se lạnh làm hoa mai, hoa cúc nở rộ ở Z-30A (trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai). Tại nơi giam giữ, cải tạo những phạm nhân chịu án dài khét tiếng miền Đông Nam Bộ, mùa xuân đã về.

Ký ức giao thừa

Tết này đã là cái Tết xa nhà thứ mười của phạm nhân Nguyễn Thị Thu Thủy, án tù 20 năm vì tội lạm dụng tín nhiệm. Phạm nhân Thủy rớm nước mắt nhớ lại: “Hồi mới vô, Tết thấy các con lên thăm, tôi khóc quá trời. Các cháu kêu: Má ráng cải tạo, đừng vi phạm để về sớm với tụi con nha! Tôi thấy các cháu buồn nên những cái Tết sau cũng ráng kìm, không khóc nhiều nữa”.

Tết năm ngoái, các con lên thăm phạm nhân Thủy với rất nhiều quà tết như bánh mứt, trái cây, nước ngọt và các đồ dùng dành cho phụ nữ. Phạm nhân Thủy kể mình có hai nuôi con gái rất dễ thương và đã đến tuổi lấy chồng, nhưng các con đều nói: “Con đợi má về mới tính chuyện lập gia đình”.

Phạm nhân Thủy mong muốn: “Sẽ được viết trong một bài báo thật hay, được chụp một tấm hình thật đẹp để Tết này đọc báo, các con thấy má mình khỏe, đẹp và đang cải tạo tốt, để sớm có ngày được trở về ăn Tết với gia đình”.

Tết này cũng là cái Tết trại giam thứ 10 của phạm nhân Hồ Văn Nghĩa, người chịu mức án tù 20 năm về tội lạm dụng tín nhiệm. Tại Z-30A, nhờ cải tạo tốt, phạm nhân Nghĩa liên tục được giảm án, tổng thời gian được giảm là 8 năm, vậy là ngày về của phạm nhân Nghĩa còn rất ngắn.

Phạm nhân Nghĩa tính: “Chắc khoảng năm sau tôi được về ăn Tết với gia đình”. Nghĩ đến Tết, phạm nhân Nghĩa bùi ngùi: “Tôi lớn tuổi rồi, cũng không mong mỏi Tết lắm, chỉ muốn thời gian nghỉ Tết trôi qua nhanh, sớm đi làm trở lại để tiếp tục phấn đấu, rút ngắn thời gian trở về”.

Tết năm ngoái, ngoài tiêu chuẩn được trại cung cấp gồm bánh chưng, thịt kho, bánh kẹo, phạm nhân Nghĩa còn nhận được quà do vợ gửi vào, trong đó có củ kiệu, món ăn ngày Tết mà phạm nhân Nghĩa rất thích, rất nhớ. Ông kể, thường thì vợ con lên thăm vào trước hoặc sau Tết vì trong Tết họ còn phải ở nhà thờ cúng gia tiên, đi thăm hỏi họ hàng. Thoáng chút bùi ngùi, phạm nhân Nghĩa nhớ lại giờ phút đón Tết năm rồi: “Qua giao thừa, tôi thức đến 1 giờ sáng rồi về buồng nghỉ ngơi, kể chuyện, chúc Tết anh em xung quanh”.

Trại giam thành... quê hương

Nét mặt rạng ngời thường trực nụ cười rất tươi, đó là Nguyễn Văn Mười Hai, “đại gia” của “doanh nghiệp nước hoa Thanh Hương” từng một thời vùng vẫy. Cúi đầu “chào cán bộ” rất lễ phép, phạm nhân Mười Hai ngồi xuống và bấm tay tính thời gian đã ở trại hồn nhiên như một đứa trẻ.

Thoáng buồn, Mười Hai bùi ngùi: “Một, hai, ba, bốn... Tôi đã ăn mười bốn cái Tết ở trại, thưa cán bộ”. Thấm thoắt đã mười bốn mùa xuân trôi qua... Ký ức Tết ngoài đời của tôi có bao nhiêu đâu. Học xong thì lao vô làm ăn. Rồi vô tù khi tuổi đời còn trẻ, ở miết từ đó đến giờ. Không gian, kỷ niệm, ký ức của tôi gắn với trại giam nhiều hơn tất cả. Trại giam đã là quê hương của tôi rồi”.

Tết ở trại giam Z-30A - 1

Phạm nhân Mười Hai

Nhắc đến Tết, Mười Hai tự dưng thấy “nôn lắm”. Những năm  1996-1999, khi tuổi còn trẻ, ngày mồng một Tết ông còn tham gia văn nghệ, hứng lên hứng ca mấy bài. Thời gian sau, Mười Hai tham gia đánh bóng bàn lấy giải nhưng giờ chuyển sang làm... trọng tài bóng bàn. Gương mặt phạm nhân Mười Hai ngời niềm vui: ''Mình làm trọng tài bắt kỹ, bắt đúng luật hơn lớp trẻ''. Phạm nhân Mười Hai nói: “Nôn nao lắm cán bộ ơi! Cứ đến gần Tết, gần giải là nôn nao, lo lắng như sắp đi thi đấu thật”.

Gặp phạm nhân Lê Bá Phượng, án tù chung thân về tội buôn bán ma túy. Từng ở 6 trại giam và bị di lý liên tục từ Nam ra Bắc để mở rộng điều tra, chờ xử án; giờ được về Z-30A thụ án, được cải tạo và đón mùa xuân trên mảnh đất phương Nam ấm áp, khỏi phải nói phạm nhân Phượng an tâm và vui thế nào: “Tôi đã ăn một cái Tết ở Z-30A. Mùa xuân ở đây ấm áp chứ không rét mướt mua phùn gió bấc như ngoài Bắc”. Phạm nhân Phượng nhớ lại: “Ăn Tết ở trại cũng an tâm hơn ăn Tết tạm giam, bởi khi đó mình rất lo lắng, không biết mình sẽ bị xử án bao nhiêu, liệu có bị tử hình không”.

Tại Z-30A, phạm nhân Phượng được bố trí làm việc ở tổ bếp, chuyên lo việc nấu ăn phục vụ các phạm nhân. Tết năm rồi, tổ bếp của Phượng được giao bắt heo, mổ heo, cắt thịt, nấu bánh chưng. Xong việc trại, Phượng được về buồng dọn dẹp vệ sinh, cắt chữ “chúc mừng năm mới” cùng hoa mai, hoa đào dán lên đầu giường nằm. Đến giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc Tết xong, Phượng cùng các phạm nhân khác quây quần lại chơi ghi-ta, kể chuyện ngày xuân đến gần sáng. Bởi vui quá nên không ai muốn ngủ.

Tết nghĩa tình

Đến Z-30A những ngày cận Tết, đâu đâu cũng bắt gặp nét mặt rạng ngời của phạm nhân và ban giám thị, cán bộ trại. Trên hệ thống loa đài toàn trại, các bản tin chuẩn bị đón Tết gồm các chương trình ăn uống, văn nghệ, thể thao liên tục được phát đi... Trong khuôn viên trại, ở khắp nơi, hoa mai, hoa cúc đã nở vàng. Tường nhà, tường trại đã được quét vôi mới. Đường sá được quét dọn sạch sẽ khang trang. Băng-rôn, khẩu hiệu chúc mừng xuân mới cũng đã được giăng lên. Trong lúc các phạm nhân đang nô nức luyện tập để chuẩn bị hội diễn thì ban giám thị cũng gấp rút lên kế hoạch đón xuân.

Thượng tá Nguyễn Trung Binh, giám thị trại giam Z-30A, cho biết: “Giải bóng đá, bóng chuyền đón xuân của trại đã khai mạc từ mấy ngày nay... Các phân trại cũng đang ráo riết chuẩn bị tập luyện thể thao, văn nghệ để hội diễn. Riêng năm nay, chúng tôi cho làm thêm một con lân nữa để đội lân đi múa, chúc tết các phân trại”. Tuy nhiên, vui Tết nhưng không quên nhiệm vụ, thượng tá Nguyễn Trung Binh cho biết: “Không chỉ phạm nhân mà ban giám thị và cán bộ quản giáo cũng ăn Tết luôn trong trại. Biết là buồn, là nhớ gia đình nhưng nhiệm vụ là phải làm, không thể khác được”.

Do đặc thù của trại giam, để đón Tết và bảo vệ trại, hai phần ba quân số của Z-30A sẽ phải xa gia đình để trực Tết. Trong số cán bộ quản giáo, có nhiều người đang còn trẻ tuổi, chưa lập gia đình, có cả những cán bộ nữ còn chưa biết yêu. Tất cả đều vui vẻ ở lại đón Tết để cùng trại hoàn thành nhiệm vụ.

Tại Z-30A, có một cử chỉ rất nghĩa tình vào giờ phút giao thừa làm các phạm nhân rất xúc động. Đó là việc ban giám thị nấu chè và tự tay đem đến chúc Tết các phạm nhân. Người đưa ra ý tưởng đó chính là thượng tá Nguyễn Trung Binh. Ngay từ năm đầu tiên làm giám thị, thượng tá Binh đã đưa ra ý tưởng này và cho đến nay đã trở thành truyền thống và được duy trì qua suốt bảy cái Tết.

Thượng tá Nguyễn Trung Binh nói về chế độ của các phạm nhân trong những ngày Tết: “Tất cả các phạm nhân đều được ăn Tết đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, ban giám thị còn có quà riêng cho các phạm nhân vô gia cư, những người không có ai thăm nuôi, chia sẻ. Những phạm nhân này sẽ được ban giám thị gặp trước để động viên, chúc Tết, tặng thêm cho mỗi người một bánh chưng, năm lạng kẹo, một gói trà”.

Theo Thiếu Gia, Hữu Phú
Thanh Niên