Tết Nguyên đán: Tiềm ẩn nhiều mối họa từ thực phẩm
(Dân trí) - Một số loại thực thức ăn chín mất vệ sinh, thực phẩm đóng gói nhập nhèm nhãn mác, đồ uống và gia vị nhập lậu đang sẵn sàng chờ Tết để... tung hoành.
Đó là thực tế mà đoàn thanh tra liên ngành thành phố về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của Hà Nội ghi nhận được trong những buổi kiểm tra mới đây nhất.
Mất vệ sinh, độc hại vẫn đắt hàng
Sáng 5/1, đoàn thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra tại một chợ trên địa bàn Hà Nội. Điểm đến đầu tiên là chợ Châu Long (quận Ba Đình).
Ngay phía ngoài cửa chợ là hàng loạt dãy bán đồ khô kiêm dưa, cà muối sẵn. Những chiếc thùng trước dùng đựng sơn, thùng nhựa dùng chứa nước nay đã được thay đổi chức năng, dùng để đựng dưa cà muối.
Bất chấp ngoài đường bụi bặm, những rãnh nước thải lộ thiên ở hai bên đường, tất cả các vại dưa, cà đều không dùng nắp đậy. Cửa hàng nào cũng cố đẩy thùng dưa, cà mở tơ hơ ra tận phía ngoài để "khoe" hàng mình muối vàng nhất, hấp dẫn nhất.
Một số chủ hàng không ngần ngại dùng tay (đã dùng vào rất nhiều việc trước đó) nhón dưa, đưa tận miệng mời khách nếm thử. Không ít người mua cũng nhiệt tình nếm, thậm chí tiếp tục dùng tay bới, bốc vài cọng dưa vừa ý, đưa vào miệng nhai ngon lành trước trước khi mang túi dưa hay cà muối về. Ở dưới chân họ, ngay trên vỉa hè là hàng đống dưa cải bẹ đã được thái sẵn, cả lá xanh lẫn lá úa dồn đống chờ xử lý, không biết nó sẽ được rửa ở đâu, và rửa thế nào.
Thấy đoàn kiểm tra quay sang nhắc nhở, những người bán hàng miễn cưỡng lôi những chiếc nắp đậy hờ lên đó. Chờ đoàn đi khuất, chúng sẽ lại được cất vào xó. Chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra!
Tại quầy hàng khô số 3 - 4 đoàn kiểm tra tịch thu được vài kg hạt dưa đỏ không có nguồn gốc xuất xứ. Những người bán hàng nhăn nhó ký biên bản vi phạm. Đây không phải lần đầu tiên!
Tại chợ K92, phố Hoàng Văn Thái tình trạng tương tự cũng diễn ra. Cán bộ thanh tra nghiêm khắc nhắc nhở một cửa hàng bán rau tươi kiêm dưa, cà muối không được sử dụng chậu nhựa không có nắp đậy để muối dưa bán. Nhìn hai chiếc chậu nhựa cáu bẩn đựng đống dưa muối màu vàng xỉn đi kèm với thứ nước nhơn nhớt, đen đục do bị dùng đi dùng lại nhiều, đặt tênh hênh cạnh đống rau sống vẫn còn bám đầy đất cát, ai cũng cảm thấy sờ sợ.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Đã từ lâu, Sở khuyến cáo người dân không nên muối dưa cà vào các loại xô, chậu nhựa, đặc biệt là những chiếc thùng dùng để đựng sơn trước đó. Bởi trong thời gian đựng chua, mặn, chất độc từ nhựa sẽ bị trôi ra, gây hại cho cơ thể.
Tuy nhiên, vấn đề mới dừng ở mức khuyến cáo, nên vẫn rất nhiều người phớt lờ, tiếp tục dùng đồ nhựa để muối dưa. Còn những cửa hàng chuyên bán dưa, cà muối thì rất “khoái” sử dụng loại thùng nhựa 20 lít chuyên đựng sơn trước đó vì nó rộng rãi, lại tiện xách đi xách lại. “Chúng tôi chỉ nhắc nhở người bán hàng đậy nắp để chống bụi bay vào, chứ họ rửa thế nào, dùng loại nguyên liệu tươi hay ủng để muối thì…chịu.
Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm chỉ mới được khống chế tạm thời. Nếu người dân vẫn giữ thói quen chế biến và ăn uống mất vệ sinh thì nguy cơ bùng phát bệnh chở lại là rất lớn!”- ông Tuấn lo lắng.
Tương tự như vậy, mặc dù khuyến cáo rất nhiều về loại hạt dưa đỏ không có nguồn gốc, nhuộm phẩm công nghiệp, rất độc hại ấy vậy mà vẫn có không ít người tìm mua. Có cầu ắt có cung, hạt dưa đỏ vẫn được lén lút hoặc công khai ở các chợ, đặc biệt là vào thời điểm giáp tết.
Nhập nhèm thực phẩm đóng gói
Cũng tại chợ K92, đoàn thanh tra tìm thấy một số lọ mắm tôm quá hạn sử dụng, nhãn hiệu Ngọc Long.
Tìm đến kho đựng hàng của cơ sở này tại phố Lê Trọng Tấn để kiểm tra, đoàn thanh tra ngã ngửa khi phát hiện hơn 30 sản phẩm của nhãn hiệu này (tương ớt, nước mắm, tương, cà muối, dưa chuột bao tử…) đều có dấu hiệu nhập nhèm về nhãn mác.
Ví dụ, loại nước mắm in nhãn: Nước mắm cá chim Nha Trang, sản xuất tại Hưng Yên nhưng trên thực tế doanh nghiệp này không có cơ sở sản xuất mà chỉ nhập mắm cốt về rồi pha chế, sang chai rồi đóng gói. Vì vậy, không thể ghi nhãn là sản xuất mà phải giải thích là đóng gói tại Hưng Yên.
Với sản phẩm mắm tôm đã hết hạn nhưng vẫn đang lưu hành trên thị trường, chủ cơ sở Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Đã cho đi thu hồi nhưng vẫn còn sót (có đi thu hồi hay không thì chỉ có doanh nghiệp mới biết!).
Đáng lưu ý là tất cả các loại sản phẩm đã được đăng ký kiểm định chất lượng tại Sở Y tế Hà Nam, nhưng trên bao bì đều in do Sở Y tế Hà Nội cấp phép.
Trước hàng loạt sai phạm của cơ sở sản xuất Ngọc Long, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu niêm phong toàn bộ số sản phẩm có sai phạm về nhãn mác và tiếp tục kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Theo ông Đỗ Phú Cường, đội Quản lý thị trường Hà Nội, thời điểm giáp tết cũng là lúc các mặt hàng đóng gói nhập nhèm về chất lượng, xuất xứ tràn lan trên địa bàn thành phố.
Năm ngoái, cán bộ quản lý đã tiến hành truy quét với số lượng lớn các loại thực phẩm giả nhập lậu từ Trung Quốc như: xì dầu, mì chính, mù tạt, bánh, kẹo…Nhưng đến thời điểm này các mặt hàng này lại bắt đầu xuất hiện trở lại với số lượng không nhỏ.
“Những loại thực phẩm giả, kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng xấu trên thị trường mà còn là mối ẩn họa khó lường đối với sức khoẻ người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác, xem kỹ bao bì và nên mua hàng những nơi tin cậy”, ông Cường cảnh báo.
P.Thanh