1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tết năm sửu nghe người miền Tây kể chuyện làm giàu cùng con trâu

Ngọc Linh

(Dân trí) - "Con trâu là đầu cơ nghiệp"- từ ngàn xưa ông bà ta đã xác tín điều đó. Loài vật biểu tượng của ruộng đồng, làng quê không những kéo cày mà nay còn giúp người nông dân thoát nghèo, làm du lịch…

Tết năm sửu nghe người miền Tây kể chuyện làm giàu cùng con trâu - 1
Con trâu đầu cơ nghiệp của nhiều người nông dân

"Đầu cơ nghiệp" trong thời đại mới

Tại miền Tây có lẽ chỉ còn huyện biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang là còn nuôi trâu nhiều nhất. Con trâu giờ đã trở thành cần câu cơm giúp bao gia đình thoát nghèo.

Ông Trương Thành Võ ngụ ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên cho biết, trước đây ông từng chạy xe ôm kiếm sống được một thời gian tích lũy được số vốn ông mua được con trâu để kéo lúa, cày đất mướn. Nhưng độ khoảng 5 năm nay khi cơ giới hóa nông nghiệp nở rộ, ông chuyển sang nuôi trâu sinh sản để kiếm thêm thu nhập.

Tết năm sửu nghe người miền Tây kể chuyện làm giàu cùng con trâu - 2
Anh Lê Lộc Tuấn bên con trâu nuôi hơn 3 năm

"Đời sống giờ khỏe hơn, lúc trước có cặp trâu kéo lúa mướn thì ăn tiền công theo bao. Mỗi ngày trâu kéo mấy trăm bao cũng chỉ được chừng trên dưới trăm ngàn. Giờ tôi nuôi trâu bán trâu giống, đồng cỏ sẵn có rồi, mình mua thêm cỏ, rơm cho nó ăn. Nó được chừng hơn một năm mình đã bán được, một năm như vậy tôi bán khoảng 1,2 con dư dả cũng được mấy chục triệu một năm" - ông Võ tâm sự.

Tết năm sửu nghe người miền Tây kể chuyện làm giàu cùng con trâu - 3

Anh Lê Lộc Tuấn ở xã An Phú cho biết, nuôi trâu có lúc nhàn có lúc cực. Để có đủ thức ăn cho trâu người nuôi thường cho trâu "chạy đồng". Thông thường bà con địa phương sẽ lùa trâu đến những đồng lúa đã thu hoạch, cứ xoay vòng với nhau. Các chủ trâu cũng mặc nhiên ngầm hiểu phân chia khu vực thả trâu với nhau để tránh "đụng đàn".

Tết năm sửu nghe người miền Tây kể chuyện làm giàu cùng con trâu - 4
Từ 8 giờ sáng các chủ trại trâu sẽ thả trâu ngoài đồng để cho trâu ăn cỏ đến khoảng 4 giờ thì dắt trâu về. Tùy tình hình bà con xạ lúa thời điểm nào mà các chủ trâu sẽ cho trâu đi ăn nhiều đồng khác nhau

"Vui nhất là khi trâu sinh nghé. Một trâu cái mỗi năm sinh được một nghé con, có nguồn nuôi vỗ, bán trâu giống. Ai vốn mạnh, nhiều tiền tậu trâu nhiều thì cuối năm lắm lãi. Ở đây một người nuôi ít nhất cũng khoảng chục con trâu còn nhiều người có đàn trâu cả trăm con" - anh Tuấn cho hay.

Trâu làm đại sứ du lịch sinh thái miệt vườn

Còn đối với cô gái trẻ Hồ Ngọc Trâm - CEO một công ty lữ hành, trâu chính là đại sứ du lịch vừa quảng bán hình ảnh du lịch sinh thái vừa là "nhân vật chính" của nhiều hoạt động trải nghiệm.

Tết năm sửu nghe người miền Tây kể chuyện làm giàu cùng con trâu - 5
Cô gái trẻ Hồ Ngọc Trâm bên chú trâu thân yêu

"Đối với chúng tôi, trâu chính là người bạn của nhà nông từ bao đời nay, đến đây du khách có thể thấy được hình ảnh các chú trâu đang trầm mình trong đầm nước, rồi có cả người dắt trâu ăn cỏ ngoài đồng". Ngoài ra, trâu có nhiệm vụ đón khách ở cổng chào, cho khách sờ, chạm. Các hoạt động tắm trâu, cắt cỏ cho trâu ăn… là trải nghiệm cực thú vị cho du khách.

Tết năm sửu nghe người miền Tây kể chuyện làm giàu cùng con trâu - 6
Du khách thích thú chụp ảnh cùng chú trâu miền Tây

Sau đó, du khách còn được nghe kể về những điển tích gắn liền với con trâu, mối liên kết giữa trâu và người nông dân từ thời xa xưa đến tận ngày nay"-chị Hồ Ngọc Trâm chia sẻ.

Sự đón tiếp nồng hậu của những người làm việc tại khu du lịch này và hình ảnh những chú trâu cần mẫn khiến bất kỳ ai lưu trú tại khu du lịch độc đáo này cũng không thể quên.